Dư luận đang đặc biệt quan tâm đến hiện tượng gần đây các cơ quan chức năng liên tục phát hiện thực phẩm đông lạnh nhập khẩu không bảo đảm chất lượng (nhiễm khuẩn, hết hạn sử dụng...) được tuồn ra thị trường với số lượng rất lớn. Nhiều người trong lực lượng thú y cũng phải thừa nhận rõ ràng công tác kiểm soát chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm đang có vấn đề, trong đó việc quản lý kho lạnh thực phẩm đang là điểm nóng.
Hàng vào ra vô tư
Theo quy trình kiểm soát thú y đối với mặt hàng thực phẩm đông lạnh, khi chủ hàng muốn đưa hàng từ kho lạnh ra thị trường phải khai báo với cơ quan thú y để cơ quan này kiểm tra hàng cũng như các loại giấy tờ liên quan nếu đáp ứng đầy đủ mới được cấp giấy cho lưu thông.
Nhưng thực tế lâu nay chủ hàng cứ vô tư đưa hàng ra bán mà không hề khai báo với cơ quan thú y. Đối với lô hàng nhập khẩu khi đưa về các kho lạnh phải có giấy chứng nhận kiểm dịch của trung tâm thú y vùng. trung tâm này sẽ chỉ định về một kho cụ thể nào đó để cơ quan thú y địa phương có điều kiện giám sát kiểm tra về sau. Tuy nhiên, trên thực tế không ít chủ hàng lại mang hàng về kho khác mà cơ quan chức năng không thể biết; thậm chí họ còn xuất bán thẳng ra thị trường...
Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Bình Dương kiểm tra hàng tại kho lạnh trên địa bàn. Ảnh: L.G
Gần đây, khi cơ quan thú y siết chặt công tác quản lý hàng đông lạnh nhập khẩu thì lại gặp sự cản trở, không hợp tác từ chủ kho vì hiện nay chưa có quy định gì ràng buộc trách nhiệm của chủ kho về việc đưa hàng ra khỏi kho lạnh. Điển hình như trường hợp kiểm tra hàng đông lạnh có vấn đề của Vinafood tại kho lạnh An Lạc (Q.Bình Tân- TPHCM).
Mặc dù cơ quan chức năng đã lập biên bản để chờ xử lý lô hàng này và yêu cầu chủ hàng không được xuất bán nhưng khi cơ quan thú y đến kho kiểm tra lại thì những người quản lý kho không cho vào với lý do “kho chỉ biết chủ hàng và chủ hàng kêu xuất thì kho xuất. Chủ hàng yêu cầu không cho người ngoài vào, dù là ai, đều phải làm theo...”. Khi cơ quan chức năng vào được trong kho để kiểm tra thì phát hiện gần 14 tấn hàng đông lạnh “biến” mất.
Một cán bộ thú y cũng cho biết hiện tượng xuất kho không thông báo cho các cơ quan thú y kiểm tra, cấp giấy đang khá phổ biến. Nhiều chủ hàng sẵn sàng nộp phạt nếu bị phát hiện tuồn hàng ra ngoài không khai báo vì mức phạt theo quy định hiện hành cho loại sai phạm này lâu nay quá thấp, chỉ có 750.000 đồng/vụ (từ ngày 15- 6-2009 tăng lên 1,5 triệu đồng/vụ). Trong khi nếu khai báo đầy đủ, gặp hàng có vấn đề coi như chủ hàng lãnh đủ.
Chỉ kiểm tra theo yêu cầu chủ hàng
Theo giới chuyên môn, hệ thống kho lạnh hiện nay có loại công nghệ mới và công nghệ cũ, trong đó có đến hơn 20% kho thuộc dạng không đáp ứng đủ điều kiện (không có khu vực riêng cho từng loại mặt hàng khác nhau; không có kệ, hệ thống bốc xếp bằng máy móc; các chỉ tiêu về kỹ thuật không ổn định...).
Do cạnh tranh nên các kho sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của chủ hàng. Ông Tạ Trọng Khang, Chi cục phó Chi cục Thú y tỉnh Bình Dương, cho biết không ít trường hợp chủ hàng với chủ kho có hợp đồng mật với nhau để nhằm tránh rò rỉ thông tin liên quan đến lô hàng ra bên ngoài.
Cơ quan thú y muốn vào kiểm tra phải có sự đồng ý của chủ hàng, nếu không chỉ đứng ngoài “ngó chơi”. Một cán bộ Chi cục Thú y TPHCM cũng than muốn vào kiểm tra kho không hề dễ dàng chút nào vì phải có quyết định của UBND địa phương hoặc phải lập đoàn liên ngành có đầy đủ các cơ quan chức năng.
Theo Trung tâm Kiểm tra Vệ sinh Thú y Trung ương II, họ là cơ quan có chức năng kiểm tra, cấp giấy chứng nhận kho lạnh nhưng chỉ trong phạm vi có để hàng gia súc, gia cầm. Kiểm tra về việc xác định các chỉ tiêu vệ sinh thú y như vấn đề nhiễm khuẩn, độ lạnh, độ thông thoáng, sau đó thông báo cho trung tâm thú y vùng biết. Tuy nhiên, việc kiểm tra này lâu nay cũng chưa có quy trình cụ thể, chủ yếu kiểm tra theo yêu cầu của chủ hàng.
Kiểm soát kho lạnh: Cha chung... Khi chúng tôi đặt vấn đề: Đơn vị nào chịu trách nhiệm kiểm soát an toàn vệ sinh các kho lạnh? Hầu hết cơ quan thú y đều trả lời không biết thuộc về ai. Ông Tạ Trọng Khang cho biết Thú y tỉnh Bình Dương không “dính” gì đến chuyện này. Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Thú y Vùng VI, cho rằng trung tâm không quản lý các kho trên địa bàn mà do đơn vị khác. Còn theo Cục Thú y, hiện đa phần là kho tổng hợp chứa nhiều thứ hàng hóa, rất ít có kho riêng chuyên một loại hàng hóa, do đó việc quản lý kho cũng do nhiều cơ quan chức năng của các ngành tham gia, mỗi nơi có trách nhiệm một phần trong kho. Chẳng hạn hàng đông lạnh gia súc, gia cầm thì ngành thú y quản lý; các mặt hàng thủy sản, nông sản, thuốc men thì các ngành liên quan phụ trách... |
Bình luận (0)