Công nhân hậu đài rạp Hưng Đạo vẫn sử dụng dây treo cảnh theo cách làm thủ công của 30 năm trước. Ảnh: T.HIÊP
Ông Nguyễn Thành Rum, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TPHCM:
Nhà hát không giống công trình dân dụng
Chúng tôi mong các ngành chức năng liên quan chia sẻ và hiểu cho rằng việc đầu tư xây dựng công trình văn hóa là rất đặc trưng, nhất là nhà hát, không giống như những công trình dân dụng. Mỗi thiết bị chuyên dùng: âm thanh, ánh sáng; phương tiện kỹ thuật di chuyển phông màn tự động, hệ thống kỹ thuật phục vụ cho diễn xuất... đòi hỏi phải đạt tiêu chuẩn hiện đại. Qua trao đổi với Ban Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, chúng tôi tin rằng Trung tâm Nghệ thuật Cải lương Hưng Đạo sẽ sớm được khởi công và đề án xây dựng không gặp phải những khó khăn ngoài ý muốn, xây dựng dang dở, nằm trơ ra đó.
Đúng là chúng ta còn nghèo, không nên chi tiêu phung phí, nhưng đầu tư nhỏ giọt, cắt xén để cuối cùng công trình xây dựng không đạt hiệu quả như mong muốn thì việc đầu tư ấy càng phung phí vì sau đó phải đắp, vá, sửa chữa tốn thời gian và tiền của nhân dân.
Đạo diễn - NSƯT Hoa Hạ:
Gây lãng phí là có tội với dân
Tôi là người trực tiếp tham gia các cuộc họp của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang với đội ngũ kiến trúc sư tham gia thiết kế bản vẽ Trung tâm Nghệ thuật Cải lương Hưng Đạo. Tôi cũng được nhà hát mời tham gia các cuộc họp trình bày ý tưởng, làm việc với Sở Xây dựng TPHCM. Đã có lúc chúng tôi tranh luận quyết liệt, cốt để bảo vệ mục đích sử dụng. Nên hiểu nhà hát có tính đặc thù của nó.
Ngành TDTT TPHCM đã trả giá cho sự đối xử không tương xứng với vận động viên của mình. Giới sân khấu cải lương chúng tôi, 32 năm qua, đã làm việc trong điều kiện thiếu thốn mọi bề, cơ sở hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng. Anh em nghệ sĩ làm nghề trong một môi trường không an toàn, tai nạn rình rập. Nhưng vì lòng yêu nghề, thông cảm với hoàn cảnh đất nước còn nghèo nên họ cố gắng chịu đựng. Có thể chấp nhận được không kiểu làm “vừa xây vừa xin kinh phí”? Nhỡ công trình xây dở dang mà kinh phí không có thì làm thế nào? Gây ra lãng phí là chúng ta lại có tội với nhân dân.
Không có nhà hát chẳng lẽ cứ mỗi năm chúng tôi lại phải thuê sân vận động để dàn dựng tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao? Tôi cũng lo ngại khi không có nơi chốn biểu diễn đàng hoàng các nghệ sĩ lại cứ tiếp tục phải đi hát rong kiếm sống khắp nơi.
NSƯT Thanh Vy:
Sao khó đến vậy?
Chúng tôi rất bức xúc trước hiện trạng rạp Hưng Đạo xuống cấp trong khi dự án đầu tư xây dựng một nhà hát biểu diễn cho nghệ thuật cải lương cứ đình trệ hàng chục năm nay. Nghệ sĩ hoạt động biểu diễn tại đây thường tâm sự với nhau nếu cứ làm nghề như hiện tại là chúng ta chấp nhận đi thụt lùi với nghề, quay lại thời điểm hơn 30 năm về trước. Nâng cấp cải lương trước hết phải nâng cấp cơ sở hạ tầng, có nhà hát, anh em nghệ sĩ cảm thấy “an cư lạc nghiệp”, mới có điều kiện thể nghiệm sáng tạo, nâng cao nghề nghiệp. Các công trình xây dựng khác thi nhau mọc lên làm cho TP ngày một khang trang, nhưng để có một nhà hát cho sân khấu cải lương sao mà khó khăn đến vậy?
Kiến trúc sư Nguyễn Minh Tuấn:
Không nên “đẻ non”
Chưa so sánh với các nước trên thế giới, nhất là Pháp – nơi có những công trình văn hóa hiện đại bậc nhất, ngay các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan... đã xây dựng nhiều nhà hát hoành tráng. Nhà hát Niramit tại Thái Lan đã đầu tư 45 triệu USD. Có những quốc gia xây dựng nhà hát chỉ để phục vụ cho một loại hình nghệ thuật, mà có khi một tác phẩm họ diễn 20 năm vẫn đông khán giả, nhất là khi họ kết hợp khai thác du lịch văn hóa. Nếu chúng ta không mạnh dạn đầu tư ngay từ đầu, sẽ dẫn đến việc “đẻ non” một công trình, gây lãng phí thời gian, công sức nhưng hiệu quả không đạt như mong muốn. Nên hiểu xây nhà hát khác với xây chung cư.
“Theo sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch TPHCM, chúng tôi sẽ cho tổ chức đấu thầu xây dựng. Sau mùa Hội diễn Sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2009, rạp Hưng Đạo sẽ được đập bỏ. Từng bước thực hiện các hạng mục xây dựng trên cơ sở pháp lý quy định”.
|
Bình luận (0)