xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đặt trọng tâm vào chính sách tài khóa

GS-TS Trần Ngọc Thơ

Gói kích thích kinh tế tiếp theo là cần thiết và nên đặt trọng tâm vào chính sách tài khóa liên quan đến thuế và đầu tư cho cơ sở hạ tầng sao cho cả cộng đồng cùng được thụ hưởng, thay vì chỉ hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp

Thâm hụt và việc làm là hai chỉ số kinh tế vĩ mô trọng yếu. Tỉ lệ ủng hộ của cử tri các nước về khả năng lèo lái của chính phủ thời suy thoái kinh tế phần lớn dựa vào hai chỉ số vĩ mô này.

Trong đó, hiệu quả của các chương trình kích thích kinh tế phần nào phải được thể hiện qua tỉ lệ thất nghiệp được cải thiện. Nhưng ở VN, sau một thời gian dài triển khai gói kích cầu vẫn chưa thấy các cơ quan chức năng công bố số việc làm mới được tạo ra là bao nhiêu, tỉ lệ thất nghiệp đã được cải thiện ra sao...


Cần công bố số lượng việc làm mới


Chúng ta chỉ nhận được những thông tin thuộc về định tính, rằng các doanh nghiệp nhận tiền hỗ trợ lãi suất đã cải thiện được hoạt động kinh doanh, nhờ đó tạo ra thêm việc làm, song trên phạm vi cả nước, con số cụ thể là bao nhiêu, chưa ai nêu cụ thể được.


Đành rằng con số tăng trưởng kinh tế cũng là một chỉ dấu quan trọng minh chứng cho hiệu quả của gói kích cầu nhưng tăng trưởng cũng có nhiều đường, ví dụ cầu Văn Thánh vá tới vá lui hoặc lô cốt tháo ra rồi lại dựng lại cũng làm cho GDP tăng lên, song số việc làm mới được tạo ra thì không tăng.


Các khoản vay hỗ trợ lãi suất chảy vào kênh nào của nền kinh tế cũng là vấn đề. Thị trường chứng khoán và bất động sản khởi sắc thời gian qua có liên quan đến tín dụng tăng thêm do hỗ trợ lãi suất? Tất nhiên, vào lúc này, đặt ra câu hỏi như trên dễ bị cho là không thiện chí, mang tính đánh đố.

Mà cũng khó thật, đâu dễ phân biệt thật rạch ròi tiền nào dùng cho mục đích nào. Nhưng vì lẽ đó mới đặt vấn đề: Tại sao chúng ta tiếp tục chọn giải pháp hỗ trợ lãi suất khi mà ngay từ đầu ai cũng dễ nhận ra khả năng để các cơ quan chức năng kiểm tra và đánh giá tính hiệu quả của giải pháp đó là vô cùng khó khăn.

Thay vào đó, các giải pháp kích thích kinh tế sắp tới nên đặt trọng tâm vào chính sách tài khóa, liên quan đến chính sách thuế và chi tiêu Chính phủ vào cơ sở hạ tầng.


Đến lúc này mới thấy việc công bố số việc làm mới được tạo ra là vô cùng quan trọng. Nếu những nhà hoạch định chính sách cho thấy chương trình hỗ trợ lãi suất của mình đã tạo ra được bao nhiêu việc làm mới, những hoài nghi về mối tương quan giữa tín dụng hỗ trợ lãi suất và sự ấm lên của thị trường chứng khoán và bất động sản sẽ giảm đi rất nhiều.


Đừng chủ quan với lạm phát!


Khi có đến hàng trăm ngàn tỉ đồng tín dụng hỗ trợ lãi suất tung vào nền kinh tế, lạm phát có thể quay trở lại vì chúng có gốc rễ sâu xa từ vấn đề cấu trúc yếu kém của nền kinh tế, thể hiện rõ nhất qua hiệu quả sử dụng vốn đầu tư quá thấp.

Một yếu tố (tín dụng hỗ trợ lãi suất) thuộc dạng kích hoạt bong bóng giá cả chứng khoán hoặc bất động sản, một yếu tố thuộc dạng tiềm ẩn (cấu trúc yếu kém của nền kinh tế), nếu kết hợp với những cú sốc bất ngờ như giá nhiên liệu và thực phẩm thế giới bất ổn do chiến tranh hoặc thiên tai sẽ tạo thành rủi ro hệ thống khiến nguy cơ tái lạm phát có khả năng trở thành hiện thực bất kỳ lúc nào. Vì vậy, yếu tố mang tính kích hoạt cần phải được kiểm soát thật chặt.


Một số nhà hoạch định chính sách ở ta cho là không có cơ sở về nguy cơ tái lạm phát. Thế nhưng, những nghiên cứu mới nhất cho thấy nếu trước đây giá USD và giá dầu có liên quan với nhau khá chặt thì nay giá dầu và lạm phát thế giới (chứ không phải USD) mới có mối tương quan mật thiết.

Trên cơ sở đó, gần đây các quỹ đầu cơ quốc tế đầu tư nhiều hơn sang các tài sản là hàng hóa (dầu, ngũ cốc...) thay vì chứng khoán như trước. Đây cũng là yếu tố khiến cho giá dầu và giá lương thực thế giới sắp tới diễn biến khó lường. Lạm phát có trở lại không, vấn đề này luôn được Chính phủ các nước nhìn nhận nghiêm túc, thay vì nghĩ điều đó không có cơ sở.

Hướng đến cả cộng đồng

Hỗ trợ lãi suất ngắn hạn còn làm sai lệch tỉ giá hối đoái, kéo theo làm méo mó hàng loạt các loại giá cả khác của nền kinh tế. Những nhà làm chính sách cũng đã thấy hiệu ứng phụ này và cho rằng chúng sẽ kết thúc khi chấm dứt các gói kích cầu hỗ trợ lãi suất ngắn hạn. Liệu có đơn giản như vậy? Chính sách thì ngắn hạn nhưng hậu quả của những biến dạng trong giá cả có thể sẽ kéo dài khá lâu.

Thế nên, “toa thuốc” bù lãi suất cần phải tác động đến cả cộng đồng thay vì chỉ hướng đến một vài “con bệnh”. Gói kích thích kinh tế tiếp theo thì cần và nên đặt trọng tâm vào chính sách tài khóa sao cho tác động đến cả cộng đồng.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo