“Rễ Việt đã bám vào lòng đất Việt”. Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Trà Vinh, đã đánh giá như vậy về hiệu quả của chương trình “Hàng Việt về nông thôn” tại buổi sơ kết 6 tháng thực hiện chương trình này, được Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức ngày 16-9 ở TPHCM.
Gian hàng của Nutifood trong chuyến đưa hàng Việt về bán tại huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre vào tháng 8-2009
Thu gần 3 tỉ đồng
Chuyến đưa hàng Việt về bán tại nông thôn đầu tiên được thực hiện tại huyện Vĩnh Bình (An Giang) vào ngày 8-3 với sự tham gia của 10 doanh nghiệp (DN) VN, doanh thu chỉ khoảng 100 triệu đồng. Đến nay, đã có 6 phiên chợ được tổ chức tại 5 tỉnh An Giang, Khánh Hòa (2 phiên), Trà Vinh, Bắc Giang, Bến Tre. Doanh thu tăng theo từng phiên, tổng doanh thu đạt gần 3 tỉ đồng. Số DN tham gia ngày càng nhiều với gần 70 đơn vị, trong đó có nhiều DN quen thuộc như Vissan, Vifon, Nutifood, Nhựa Chí Thành, Nhôm Kim Hằng, nước chấm Nam Dương, ICP, Rạng Đông, Mỹ Hảo, Tribeco, Vinatex, Co.opMart...
Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc BSA, cho biết: “Sự thúc ép của suy thoái kinh tế đã buộc nhiều DN phải mở hướng đi mới khi thị trường xuất khẩu gần như đóng băng, thị trường thành thị đã bão hòa. Nhờ đó mà hôm nay mới có được chương trình đưa hàng hóa chất lượng về nông thôn thật nghiêm túc để nông dân được dùng hàng chính hãng. Đặc biệt, đây là chương trình do DN và địa phương đóng góp kinh phí thực hiện, chứ không phải do ngân sách Nhà nước đài thọ”.
Lợi ích chia đều
Doanh số bán hàng không phải là tiêu chí hàng đầu đối với các DN tham gia đưa hàng về nông thôn. Phần lớn các DN đều xem đây là giai đoạn đầu tư để khai phá thị trường mới với mục tiêu mở kênh phân phối đến những vùng sâu, vùng xa. Kết quả là đã có nhiều hợp đồng với nhà phân phối, đại lý được ký kết. Ông Trần Phú Quốc, Giám đốc bán hàng Công ty Mỹ Hảo, cho biết: “Ngay sau phiên chợ tại huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), công ty đã tìm được nhà phân phối ở đó để tiếp hàng đến những vùng đồng bào dân tộc thiểu số”. Tương tự, Nhôm Kim Hằng cũng đã có thêm nhiều đại lý mới; còn Nhựa Chí Thành thì liên kết với gần 20 tiểu thương tại các địa phương; Nutifood cũng kết nối được các nhà bán lẻ tại mỗi phiên chợ. “Kinh nghiệm từ các chuyến bán hàng tại nông thôn giúp công ty xác định rằng cần phải quan tâm đến chiến lược giá khi đưa hàng về đó” - ông Lê Văn Lộc, Phó Tổng Giám đốc Nutifood, nói.
Ngoài DN, nông dân và các địa phương cũng hưởng nhiều lợi ích từ chương trình đưa hàng Việt về nông thôn. Qua nhiều lần thực hiện phiên chợ, một số tỉnh, huyện đã giới thiệu được những đặc sản địa phương vào các hệ thống phân phối như Co.opMart, BigC. 400 tiểu thương tại các địa phương cũng được học lớp huấn luyện bán hàng...
Trong quý IV/2009, chương trình “Hàng Việt về nông thôn” tiếp tục triển khai tại các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cà Mau, Vĩnh Phúc, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Khi đó, mô hình trên sẽ được BSA chuyển giao cho các địa phương thực hiện, đồng thời kết nối với các DN trong nước để có thể tổ chức chương trình vào mỗi quý.
Mới chỉ khai thác được 14% doanh số thị trường
|
Bình luận (0)