Tình hình xuất khẩu có nhiều khả năng sẽ được cải thiện tích cực hơn trong quý IV/2009 do tác động của yếu tố mùa vụ, chu kỳ kinh tế và dấu hiệu kinh tế phục hồi. Kim ngạch tốt nhất có thể đạt từ 6,2 tỉ - 6,4 tỉ USD/tháng. Tuy nhiên, Bộ Công Thương dự báo xuất khẩu của nước ta cả năm 2009 có thể chỉ đạt 59 tỉ USD, giảm 6% so với năm 2008. Như vậy, mục tiêu thu về 75 tỉ USD từ xuất khẩu trong năm nay, tăng 3% so với 2008, là khó đạt.
Chế biến thực phẩm xuất khẩu ở một công ty thực phẩm tại TPHCM. Ảnh: H.Thúy
Có gì bán nấy
Năm 2009, các doanh nghiệp (DN) đã nỗ lực rất nhiều để đẩy mạnh xuất khẩu nhưng chỉ tăng được về lượng, còn giá trị thu được không cao. Tại một hội thảo vừa tổ chức ở Hà Nội, đánh giá về hoạt động xuất nhập khẩu của VN, nhiều ý kiến cho rằng năm nay xuất khẩu gặp nhiều khó khăn ngoài yếu tố do tình hình suy thoái kinh tế trên thế giới còn do cách làm dễ dãi của các DN xuất khẩu nên hiệu quả không cao.
Thạc sĩ Thái Bình Dương, Viện Chiến lược phát triển, cho rằng từ năm 1990 đến nay, chỉ có duy nhất năm 1992, VN xuất siêu được gần 40 triệu USD (đạt 1,52%). Bên cạnh những nhược điểm cố hữu của hàng xuất khẩu VN như cơ cấu dựa quá nhiều vào xuất khẩu nguyên, nhiên liệu thô, hàng nông sản chưa qua chế biến, hàng hóa gia công với giá trị gia tăng thấp... đã xuất hiện những vấn đề mới. Đó là lượng hàng hóa xuất khẩu tăng mạnh nhưng kim ngạch không tăng tương ứng, cạnh tranh hạ giá giữa các nhà xuất khẩu, bất cập trong điều hành hoạt động xuất khẩu, mất cân đối ngoại tệ...
TS Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả, nhận định VN đã nỗ lực rất nhiều, xuất khẩu đã tăng đến 20% về lượng đối với một số mặt hàng nhưng kim ngạch không tăng.
Ở mặt hàng xuất khẩu chủ lực là dệt may, 9 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu đạt 6,7 tỉ USD nhưng tính ra DN phải chi hơn 4 tỉ USD để nhập nguyên vật liệu. Do phải nhập gần như toàn bộ nguyên, phụ liệu nên càng đẩy mạnh xuất khẩu, giá trị nhập khẩu nguyên liệu càng tăng. Đối với ngành không phụ thuộc vào nguyên vật liệu nhập khẩu thì chủ yếu là xuất nguyên, nhiên liệu hoặc hàng nông sản chưa qua chế biến.
Gần đây, cơ quan chức năng đã có biện pháp tăng thuế tài nguyên để hạn chế xuất khẩu thô. Ở một số địa phương nghèo như Ninh Bình có vùng chuyên canh trồng cói, mỗi tháng xuất khẩu được hàng chục container hàng thủ công làm từ nguyên liệu cói nhưng cũng chỉ thu về được vài trăm ngàn USD, không đáng kể...
Thực tế này cho thấy chúng ta đang tìm cách tăng quy mô xuất khẩu bằng cách có cái gì đem đi bán cái đó. Đây là cách làm dễ nhất nhưng không đem lại hiệu quả cao. Không nên tăng quy mô kim ngạch xuất khẩu bằng mọi giá mà phải đặt trọng tâm vào hiệu quả của hoạt động xuất khẩu. Như vậy, lợi ích của quốc gia, DN, người lao động mới được tăng lên.
Khó giải bài toán cơ cấu
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định cơ cấu chưa hợp lý là nguyên nhân chính khiến hàng xuất khẩu VN chưa đem lại giá trị gia tăng cao. Bài toán cơ cấu đã được đặt ra từ lâu nhưng chưa giải quyết được vì muốn gia tăng xuất khẩu mặt hàng chế biến thì không chỉ liên quan đến thương mại mà còn liên quan đến công nghiệp và chiến lược của cả nền kinh tế...
Một vấn đề lớn khác của xuất khẩu là thị trường. Nhiều ý kiến cho rằng DN nên tìm kiếm thị trường mới để tăng khả năng xuất khẩu. Tuy nhiên, TS Vũ Đình Ánh cho rằng thâm nhập một thị trường không đơn giản. Trước khi quyết định vào thị trường, DN phải hiểu rất kỹ, phân tích khả năng thanh toán, khả năng tiêu thụ, tiềm lực phát triển trong một thời gian nhất định. Như vậy, cơ cấu lại thị trường là bài toán dài hạn mà hiệu quả đặt lên hàng đầu chứ không phải bí đâu giải quyết đấy. Tìm cách khai thác thị trường hiện tại theo chiều sâu sẽ tốt hơn mở ra thị trường mới mà không hiểu nó.
Tận dụng cơ hội đầu tư thiết bị Thạc sĩ Đoàn Thị Mai, Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả, lưu ý: Khủng hoảng là cơ hội để DN đầu tư phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ hàng xuất khẩu, tăng tỉ lệ đóng góp trong chuỗi giá trị toàn cầu. |
Bình luận (0)