Ngoài chuyện gây kẹt xe, rào chắn chiếm dụng mặt đường khiến các phương tiện lưu thông không còn đường chạy, phải leo lên vỉa hè thoát thân, dẫn đến vỉa hè ở nhiều tuyến đường bị bong tróc, bể nát.
Điều đáng nói là những vỉa hè này vừa được đầu tư hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỉ đồng để chỉnh trang, trong đó có nhiều vỉa hè vừa mới hết hạn bảo hành. Quả là một sự lãng phí.
Mới, cũ đều tả tơi
Theo ghi nhận của chúng tôi, vỉa hè các tuyến đường chính của quận Tân Bình như Trường Chinh, Lý Thường Kiệt, Cách Mạng Tháng Tám, Phạm Văn Hai, Hoàng Văn Thụ, Âu Cơ đều nát bét, bong tróc nham nhở, bó vỉa bị hư hỏng nặng, mặt đường lún sụt làm nước đọng vũng không thoát được.
Điển hình như khu vực Công viên Hoàng Văn Thụ, vào giờ cao điểm, dòng xe kẹt cứng như nêm. Các phương tiện lưu thông muốn thoát thân phải leo lên vỉa hè chạy. Tiếng lụp cụp do gạch lát bị bể, bong tróc, cong vênh phát ra đều đều.
Phuộc xe nhún hết cỡ trong khi người dân vừa chạy vừa mím chặt môi, nhăn mặt và ra sức lạng lách trách những ổ gà do gạch lát bị hất văng tứ tung. Tương tự, vỉa hè các tuyến đường Trần Hưng Đạo, Trần Bình Trọng, An Dương Vương (quận 5), Trần Quang Diệu, Trần Quốc Thảo, Hai Bà Trưng, Cách Mạng Tháng Tám (quận 3), Lý Thường Kiệt, 3 Tháng 2 (quận 10) cũng hết sức nham nhở. Mặt đường các tuyến đường này bị chiếm dụng khá nhiều để đào đường, vì thế vỉa hè được tận dụng để chạy xe, chẳng mấy chốc đều bể nát.
Một góc vỉa hè đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 10)
bị bể nát do người dân leo lề để tránh rào chắn
Theo ông Châu Văn La, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình, vỉa hè đường Trường Chinh, Cách Mạng Tháng Tám, Lý Thường Kiệt đã được chỉnh trang từ năm 2005 bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước và người dân đóng góp.
Khi vừa hết thời hạn bảo hành thì rào chắn đến “đóng đô” trên lòng đường đẩy các phương tiện lưu thông lên vỉa hè chạy làm cho bó vỉa, gạch lát bong tróc nham nhở trong thời gian rất ngắn.
Tuy nhiên, các đơn vị gây ra tình trạng trên lại không đền bù thiệt hại. Chỉ có nhà thầu Waseco (Công ty Cổ phần Đầu tư cấp thoát nước) đồng ý sửa chữa hư hỏng do đơn vị này gây ra với kinh phí 173 triệu đồng.
Tuy nhiên, do sửa chữa chưa đạt yêu cầu nên UBND quận Tân Bình đang yêu cầu làm lại. Đối với việc hư hỏng vỉa hè ở các tuyến đường khác của quận, nhà thầu thẳng thừng trả lời không có tiền nên quận đang đau đầu, không biết lấy tiền đâu sửa chữa vì việc vận động người dân đóng góp thêm lần nữa là rất khó.
Mạnh ai nấy làm
Theo UBND quận 3, trong cuộc họp với các nhà thầu và Ban Quản lý dự án vệ sinh môi trường TP lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè cách đây không lâu, các bên đều xác nhận việc thi công hệ thống thoát nước gây hư hỏng vỉa hè.
Một phần do các phương tiện lưu thông phải leo lên vỉa hè chạy, một phần do xe cẩu, xe cuốc trong quá trình thi công dự án phải đậu trên vỉa hè để cẩu ống cống, chuyên chở đất đá làm bể gạch lát.
Đồng thời, các nhà thầu đóng cừ ván thép không đủ khiến mặt đường bị sạt lở, ảnh hưởng rất nặng đến bó vỉa. Hiện tại, UBND quận 3 đã giao cho Công ty Dịch vụ công ích của quận khảo sát, lập dự toán, tính chi phí sửa chữa. Sau khi đã được Ban Quản lý dự án và quận xem xét thông qua, nhà thầu phải đền bù chi phí sửa chữa.
Gạch lát vỉa hè đường Tú Xương (quận 3) vừa lót xong nay đã bể nát. Ảnh: T.THẠNH
Chúng tôi đặt vấn đề tại sao không kết hợp dự án chỉnh trang vỉa hè và kế hoạch đào đường cùng lúc để tránh tình trạng vỉa hè hư hỏng, UBND quận 3 cho biết đầu năm quận đã gửi danh mục đầu tư dự án cho Ban Quản lý dự án nhưng đơn vị này không phản hồi, sau này có phản hồi nhưng nêu thời gian rất vô chừng nên quận không thể lần lữa mãi.
Tương tự, phía quận 5 cho biết quận cũng rất mơ hồ về thời gian thi công dự án cải thiện môi trường nước TP. Vỉa hè trên địa bàn quận đã được làm xong từ năm 2004 – 2005, dù biết dự án cải thiện môi trường nước TP từ năm 2001 nhưng không biết chính xác dự án bao giờ triển khai.
Trong khi đó, vỉa hè cũng đã xuống cấp trầm trọng nên phải sửa chữa để đáp ứng nhu cầu của người dân. Cũng rơi vào trường hợp trên, vỉa hè của quận Tân Bình làm xong từ năm 2004-2005, trong khi đến năm 2007-2008, các tuyến đường Trường Chinh, Cách Mạng Tháng Tám, Phạm Văn Hai mới được đào lên thi công.
Phía quận 10 cũng than vãn rất nhiều vì vỉa hè của quận nát như tương mỗi khi rào chắn mọc lên. Trước đây, những trường hợp vỉa hè hư hỏng nặng, điển hình là vỉa hè đường Lý Thường Kiệt, quận đều báo cáo cho Sở GTVT và Ban Quản lý dự án vệ sinh môi trường TP lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè để yêu cầu sửa chữa nhưng chưa có kết quả.
Thiếu tổng chỉ huy ? Quá lãng phí! Đó là điều ai cũng thấy, cũng biết khi nhìn những vỉa hè tơi tả vì rào chắn. Sở GTVT TPHCM vừa yêu cầu các quận, huyện rà soát lại hiện trạng bó vỉa, vỉa hè trên các tuyến đường có đào đường để thực hiện các dự án thoát nước nhằm yêu cầu các chủ đầu tư khắc phục ngay.
V.H |
Bình luận (0)