Hệ thống sông Đồng Nai được đánh giá có tiềm năng thủy điện lớn thứ hai cả nước với công suất 2.944 MW. Trên dòng chính của sông này hiện có 9 công trình thủy điện đã vận hành, đang xây dựng hoặc xin lập dự án đầu tư. Trong đó, nhiều thủy điện đang bao vây, đe dọa khu sinh quyển Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên (thuộc 3 tỉnh: Đồng Nai, Bình Phước và Lâm Đồng).
100 km: 5 thủy điện
Ông Trần Văn Thành, Giám đốc VQG Cát Tiên, cho biết xung quanh VQG hiện có 5 dự án thủy điện tác động trực tiếp, gồm: Đồng Nai 5, Đồng Nai 6, Đồng Nai 6A, Đức Thành và Đạ Kho (Đồng Nai 7). Các công trình này nằm trên 100 km dọc sông Đồng Nai từ thượng nguồn đến hạ nguồn VQG.
Trong 5 dự án này, thủy điện Đồng Nai 5 do Tập đoàn Điện lực VN (EVN) làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, khảo sát cho thấy công trình sẽ gây ngập khoảng 200 ha rừng của VQG nên EVN phải chuyển dự án lên phía thượng lưu thuộc xã Gia Nghĩa, huyện Đắk R’lấp - Đắk Nông và xã Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm - Lâm Đồng.
Còn thủy điện Đồng Nai 6 vốn được quy hoạch từ năm 2002 với công suất 180 MW, do Công ty CP Đức Long Gia Lai làm chủ đầu tư. Sau khi khảo sát, chủ đầu tư nhận thấy thủy điện này sẽ tác động đến môi trường do vùng ngập lòng hồ quá lớn làm ảnh hưởng tới VQG nên đã xin hiệu chỉnh thành hai dự án Đồng Nai 6 (135 MW) và Đồng Nai 6A (106 MW) nằm tại xã Hưng Bình, huyện Đắk R’lấp - Đắk Nông; các xã Đồng Nai Thượng, Phước Cát 2, huyện Cát Tiên - Lâm Đồng và xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng - Bình Phước.
Cách đó khoảng 20 km về phía hạ nguồn là dự án thủy điện Đức Thành của Công ty CP Đức Hòa. Dự án này nằm tại tỉnh Lâm Đồng, tiếp giáp với VQG Cát Tiên.
Xâm hại vùng sinh cảnh tê giác, bò tót
Trên cơ sở quy hoạch bậc thang thủy điện sông Đồng Nai, trong tháng 9-2009, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có văn bản đồng ý về nguyên tắc bổ sung hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A vào danh mục các dự án nguồn điện trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006-2015 có xét đến năm 2025. Thực tế, sau khi xin hiệu chỉnh lại dự án, diện tích VQG Cát Tiên bị ngập do hai thủy điện này là 137,5 ha; diện tích rừng phòng hộ bị ngập 230,52 ha.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng Phòng Khoa học kỹ thuật VQG Cát Tiên, cho biết ban giám đốc VQG đang rất lo ngại vì theo quy hoạch, VQG bị vây bọc bởi các nhà máy thủy điện. Chỉ tính riêng hai công trình thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A đã bao chiếm diện tích rất lớn vùng lõi của VQG. Đặc biệt, trong đó có phần diện tích thuộc xã Cát Phước 2, huyện Cát Tiên – nơi gần vùng sinh cảnh của tê giác một sừng còn sót lại trên thế giới.
Trung tâm Cứu hộ linh trưởng Cát Tiên sẽ bị tác động rất lớn nếu xây dựng thủy điện Đạ Kho vì chỉ cách 500 m. Ảnh: LY CƯƠNG
Trong khi đó, Ban Giám đốc VQG Cát Tiên đang tiến hành các thủ tục đăng ký khu dự trữ sinh quyển thế giới này thành khu di sản thiên nhiên thế giới. Nghiêm trọng hơn, việc xây dựng vài dự án thủy điện tác động vùng đệm và vùng lõi trong tương lai có thể làm thay đổi, chia cắt sinh cảnh VQG này, nhất là nguy cơ rất lớn dẫn đến thay đổi hệ thủy văn vùng sinh cảnh tối ưu của loài bò tót và nhiều động vật thủy sinh khác.
Liên tục kêu cứu
Trước tình trạng hệ thống thủy điện đe dọa trực tiếp VQG Cát Tiên, ngày 3-9, Giám đốc Trần Văn Thành đã có văn bản trả lời Công ty CP Đức Hòa về dự án bổ sung xây dựng thủy điện Đức Thành trên sông Đồng Nai. Theo đó, vị trí nhà máy thủy điện Đức Thành chỉ cách ranh giới VQG Cát Tiên khoảng 600 m, khi tiến hành xây dựng và vận hành công trình sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc bảo tồn của VQG, đặc biệt là quần thể tê giác đang sinh sống tại đây.
Trong văn bản trả lời về dự án thủy điện Đạ Kho ở huyện Đạ Tẻh - Lâm Đồng (do Công ty CP Tư vấn Đầu tư - Xây dựng giao thông Hồng Lĩnh làm chủ đầu tư, công suất chỉ 35 MW), Ban Giám đốc VQG Cát Tiên cho rằng việc ngăn đập thủy điện sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hệ ngập nước Bàu Sấu - Cát Tiên nằm trong Công ước Ramsar thế giới.
Khi dự án đưa vào hoạt động sẽ làm thay đổi dòng chảy tự nhiên và gây sạt lở đất ven sông Đồng Nai. Ngoài ra, vị trí thủy điện Đạ Kho chỉ cách Trung tâm Cứu hộ linh trưởng Cát Tiên khoảng 500 m (do tổ chức quốc tế đài thọ kinh phí xây dựng) nên sẽ tác động rất lớn đến việc cứu hộ và bảo tồn loại thú quý này.
Ông Hà Công Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai, cho biết Cục Kiểm lâm đã có văn bản đề nghị đình chỉ một dự án thủy điện vì ảnh hưởng đến VQG Yook Đôn - Đắk Lắk; đồng thời đang lập báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án thủy điện Đồng Nai 6, Đồng Nai 6A, Đạ Kho và Đức Thành. Nếu dự án nào chia cắt sinh cảnh, ảnh hưởng trực tiếp đến VQG Cát Tiên, cục sẽ báo cáo Bộ NN-PTNT xin ý kiến.
Đánh đổi quá rẻ Theo thạc sĩ Phạm Hữu Khánh, điều phối viên dự án phát triển du lịch sinh thái của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) tại Cát Tiên, VQG Cát Tiên là lá phổi của Đông Nam Bộ. Năm 2005, UNESCO đã công nhận VQG này là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Nếu xây dựng thủy điện tại đây sẽ dẫn đến 2 nguy cơ. |
Bình luận (0)