xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Già níu, trẻ buông

Bài và ảnh: Ánh Nguyệt

Chẳng bao lâu nữa, những nghệ nhân chơi chiêng và chỉnh chiêng sẽ lần lượt về với Giàng. Nỗ lực để lưu truyền những bài chiêng của dân tộc sẽ trở nên vô nghĩa khi thanh niên bây giờ quá thờ ơ với nhạc dân tộc. Nguy cơ mai một vốn quý này là điều hoàn toàn có thể xảy ra

Buôn Kô Siêr (phường Tân Lập, TP Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk) có đội chiêng nổi tiếng nhất VN, từng đi Ý, Pháp, Bỉ và khắp các lễ hội lớn nhỏ trong nước biểu diễn. Thế nhưng, khi tôi hỏi về lực lượng kế thừa, già Ama Pur lắc đầu: “Mình không có điều kiện tập luyện cho lớp trẻ, thấy ai có năng khiếu thì kêu vào tập thôi”. Buôn Kô Siêr trước đây cũng tổ chức dạy chiêng cho con em nhưng chỉ được một thời gian ngắn. 

img
Y Thu, con trai nghệ nhân Y Thim, biểu diễn nhạc cụ dân tộc tại Liên hoan
Văn hóa cồng chiêng, dân ca, dân vũ Đắk Lắk năm 2008 (Ảnh chụp lại)


Nhạc pop, rock xâm chiếm


Già Ama Pur kể khổ: “Mình phải đi vận động từng nhà nhưng bố mẹ tụi trẻ nói đi học cồng chiêng vừa tốn tiền vừa không phụ giúp được việc nương rẫy nên ít cho đi lắm”. Còn già Y Lon Niê thì nhăn nhó: “Mình kêu đi học mà chúng nó không đi thì biết làm sao bây giờ? Chúng nó không có cái “máu” đánh chiêng, kêu hoài cũng không đi. Bởi vậy, thanh niên bây giờ đánh chiêng người già nghe không ưa chút nào”.


Không riêng gì Kô Siêr, các buôn khác cũng lâm vào tình trạng tương tự. Khi tôi hỏi những người trẻ trong buôn có còn thích cồng chiêng nữa không, nghệ nhân Y Thim (buôn Ea Bong, xã Cư Êbur, TP Buôn Ma Thuột), một trong những người tâm huyết với văn hóa dân tộc, với cồng chiêng Tây Nguyên, buồn bã: “Người Ê Đê từ lúc sinh ra đến hơi thở cuối cùng đã gắn bó với tiếng chiêng. Từ nhỏ đã nghe tiếng chiêng trong lễ thổi tai, đến lễ trưởng thành rồi đám cưới cũng nghe, lúc chết cũng có tiếng chiêng. Bây giờ thì khác rồi... Nhà nào có người già thì còn giữ được chiêng, còn đánh chiêng. Các gia đình trẻ hiện không có tiền mua chiêng và họ cũng không quan tâm đến việc đánh chiêng. Họ mù về cồng chiêng, hằng ngày chỉ nghe nhạc pop, nhạc rock thôi”.


Tôi hiểu nỗi xót xa của nghệ nhân Y Thim khi buổi sáng dạo quanh buôn Ea Bong đã chứng kiến rất nhiều nhà mở nhạc trẻ, nhạc hải ngoại xập xình. Thanh niên trong buôn nhuộm tóc highlight, quần áo in toàn đầu lâu, xương sọ, miệng nghêu ngao những bài nhạc trẻ não tình được phát ra rả trong các quán cà phê mọc lên như nấm ở đây.


Một nghệ nhân thẳng thắn: “Trên Trung ương thì rất quan tâm đến chuyện giữ gìn và phát huy không gian văn hóa cồng chiêng nhưng xuống tới địa phương thì sự quan tâm biến đâu mất”. Chính vì vậy mà già Ama Pur than thở: “Nghệ nhân dạy cồng chiêng không có thù lao đâu. Mình cũng phải lo cái ăn, cái mặc, phải lên rẫy chứ, đâu có đi dạy không công hoài được. Vì vậy mà các lớp cồng chiêng không duy trì được lâu”. 


Nuôi dưỡng tiếng cồng chiêng


Ngoài những chiêng, ché, trống, dụng cụ lao động, nhạc cụ được cất công sưu tầm chất đầy trong nhà, nghệ nhân Y Thim còn chú trọng đến việc dạy con em trong buôn biết đánh cồng chiêng để giữ gìn bản sắc văn hóa của người Ê Đê. Ông ví von: “Người Ê Đê chết mà không nghe tiếng chiêng giống như con trâu, con bò chết thôi”. Tâm huyết với văn hóa dân tộc suốt 20 năm, ông không muốn tiếng cồng chiêng mai một nên đã tập hợp thanh thiếu niên trong buôn và lập nên đội chiêng trẻ đã hai năm nay. Đội chiêng có 8 nam đánh cồng chiêng, 8 nữ múa, tuổi từ 12 đến 16. “Trước đây chúng nó chỉ biết cồng chiêng là để bán đồng lấy tiền thôi, sau này mình nói chúng nó mới hiểu. Ban đầu chúng nó ngại lắm vì không biết đánh, đến lúc chơi hợp rơ với nhau rồi thì thích lắm, cứ thứ bảy, chủ nhật là đến nhà mình diễn tấu. Dân làng nghe cũng sướng tai lắm”.


Lúc nghệ nhân Y Thim đi vận động con em trong buôn học cồng chiêng, có người cười chê ông làm chuyện không công nhưng cũng có nhiều người già hiểu, cảm phục và khuyến khích. Ban đầu, ông phải dạy các em từng chút một, từ cách ngồi, cầm dùi, cầm chiêng và cả cách đem niềm say mê vào từng tiếng chiêng. Đến nay, đội chiêng trẻ của ông đã đánh được 4 bài chiêng và chơi được rất nhiều nhạc cụ bộ gõ, bộ hơi, đàn Tơ-rưng và được mời đi biểu diễn ở nhiều hội diễn của tỉnh.


Trong đội chiêng trẻ, nổi bật nhất là Y Thu, con trai nghệ nhân Y Thim, mới 9 tuổi, hiện học Trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội ở Huế và Y Drim, 16 tuổi, con trai út của nghệ nhân chỉnh chiêng Ama H’Điêu. Cả hai đều đánh chiêng giỏi, chơi được nhiều nhạc cụ. Riêng Y Thu còn có thể ký âm các bài chiêng và từng đoạt giải nghệ nhân trẻ xuất sắc, triển vọng nhất tại Liên hoan Văn hóa cồng chiêng, dân ca, dân vũ Đắk Lắk năm 2008.


Nghệ nhân Y Thim phấn khởi khoe rằng ít nhất trong vài chục năm tới, buôn Ea Bong vẫn sẽ còn rộn rã tiếng cồng chiêng. Y Thim cũng đang dốc lòng gửi gắm niềm đam mê của mình vào những đứa trẻ trong buôn, vào cậu con trai Y Thu có sẵn cái “máu” đam mê cồng chiêng như bố để tiếng chiêng vang lên không còn buồn nữa.

Hồn chiêng ở tận đâu đâu!


Trước tình trạng thanh niên dân tộc ít người không mặn mà với cồng chiêng nữa, tỉnh Đắk Lắk đã “cứu” bằng cách tặng chiêng cho các nhà văn hóa trong buôn, lập những đội chiêng trẻ, tổ chức lớp dạy cồng chiêng... Ông Trương Bi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk, cho biết mỗi mùa hè tỉnh đều tổ chức dạy cồng chiêng cho con em dân tộc ít người, đến nay đã được gần 50 lớp. Một khóa học gói gọn trong hai tháng. Tuy nhiên, khi bước vào năm học mới, hầu như các em chỉ tập trung học văn hóa, việc đánh chiêng xem như bỏ ngỏ. Vì vậy, học đánh chiêng cũng chỉ là dịp để các em tiếp xúc cho quen với loại nhạc cụ của dân tộc này.


Nghệ nhân Y Wơn từng kêu trời vì dạy suốt 3 tháng mà thanh thiếu niên trong buôn Wiâo, huyện Krông Năng - Đắk Lắk cũng chỉ gõ chiêng cho đều và đánh được 1-2 bài ngăn ngắn. “Còn những bài dài thì dạy mãi mà chúng nó không nhớ. Chúng nó đánh chiêng mà cái hồn chiêng ở tận đâu đâu!” - nghệ nhân Y Wơn cảm thán.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo