Hàng loạt biện pháp nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô trong nước trước thời điểm mở cửa hoàn toàn với thế giới vào năm 2018 đã được bàn luận sôi nổi tại hội thảo “Phát triển ngành công nghiệp ô tô VN: Cơ hội và thách thức” do Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô trong nước (VAMA) tổ chức ngày 19-11 tại TPHCM.
Đi sau Thái Lan... 40 năm
Mặc dù định hướng phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước đã hình thành cả chục năm nhưng tính đến nay nếu đánh giá mức độ phát triển của ngành này cũng chỉ vỏn vẹn bốn từ “dập, hàn, sơn, ráp”. Ngay như Toyota VN, đơn vị được đánh giá là một trong số doanh nghiệp (DN) có tỉ lệ nội địa hóa cao nhất cũng chỉ dừng lại ở mức 19% – 37% (xe Innova đạt tỉ lệ cao nhất và chỉ được cam kết mức 50% - 60% nếu mức tiêu thụ đạt khoảng 50.000 xe/năm dự kiến vào năm 2018).
So với một số quốc gia trong khu vực, ngành công nghiệp ô tô VN đứng sau cả Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Philippines. Đặc biệt, quy mô thị trường và công nghiệp ô tô thì VN đi sau Thái Lan đến 40 năm. Tỉ lệ nội địa hóa của nước này đối với xe bán tải chiếm 80%-90% và xe du lịch là 30%-70%; có đến 2.300 nhà cung cấp các linh kiện phụ tùng.
Khách hàng tìm hiểu các mẫu xe tại Triển lãm Ô tô Việt Nam 2009 đang diễn ra tại TPHCM. Ảnh: T.Thạnh
Hiện Thái Lan đang thực hiện chính sách nhằm thúc đẩy các DN sản xuất dòng xe sinh thái, tiết kiệm năng lượng... “Trong khi đó, VN với quy mô thị trường chỉ khoảng 110.000 xe/năm (thấp hơn Thái Lan khoảng 500.000 xe/năm) nhưng lại có quá nhiều mẫu xe, doanh số bán hàng bình quân cho cùng một mẫu xe rất thấp, chỉ khoảng 100 xe/tháng nên rất khó kêu gọi các DN đầu tư phát triển công nghệ phụ trợ” – ông Ngô Văn Trụ, Vụ phó Vụ Công nghiệp nặng - Bộ Công Thương, thừa nhận.
Cũng theo các chuyên gia tại hội thảo: Chính sách thuế đối với ô tô không ổn định cũng là rào cản để phát triển ngành công nghiệp ô tô. Chẳng hạn như trong khi mức tiêu thụ ô tô toàn cầu năm nay đều giảm do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thì VN lại tăng mạnh (số lượng dự kiến năm nay khoảng 150.000 xe) chỉ vì giảm thuế GTGT và phí trước bạ. Đến đầu năm 2010, khi các mức thuế trở lại bình thường thì rất khó tiên đoán được thị trường ô tô liệu có còn tăng trưởng hay không?
Xe chiến lược: Không chỉ là chính sách thuế
Mới đây, Bộ Công Thương đã đề xuất dòng xe chiến lược trong phân khúc ô tô du lịch của VN là xe đa dụng, từ 6-9 chỗ ngồi, có dung tích động cơ nhỏ hơn 1,5 lít; đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 2. Theo đề xuất, mức thuế tiêu thụ đặc biệt cho loại xe này chỉ ở mức 30% (các xe khác là 45-50 và 60%); phí trước bạ là 2% và thuế GTGT là 5% (xe khác là 10%). Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ được giảm theo tỉ lệ nội địa hóa.
Ngoài ra, nhà sản xuất loại ô tô chiến lược quốc gia và các DN sản xuất phụ trợ cho dòng xe này sẽ được miễn hoặc giảm thuế thu nhập DN, được hưởng thuế suất 0% cho nhập khẩu máy móc, nguyên liệu phục vụ sản xuất xe chiến lược...
Theo Vụ Công nghiệp nặng, Thủ tướng đã gửi đề xuất dòng xe chiến lược quốc gia của Bộ Công Thương đến VAMA và một số DN sản xuất ô tô trong nước để góp ý.“Nếu đề xuất trên được thông qua, năm 2010 sẽ là thời điểm lập kế hoạch thực hiện phân khúc xe chiến lược quốc gia” – ông Ngô Văn Trụ chia sẻ...
Ông Phạm Đình Thi, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), phân tích: Theo cam kết AFTA/CEPT, đến năm 2018, thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc chỉ còn từ 0%-5% và tùy theo từng chủng loại, thuế phụ tùng ô tô xuống còn 12%-25%.
Chính sách tính thuế sẽ không áp dụng theo bộ linh kiện như hiện nay mà tập trung hỗ trợ DN sản xuất công nghiệp phụ trợ, gồm các loại linh kiện quan trọng như động cơ, hộp số và có thể được bảo hộ từ 5 – 10 năm.
Trong quá trình phát triển ngành công nghiệp ô tô, các nhà sản xuất trong nước cũng nên lưu ý đến công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường vì theo dự kiến dự thảo Luật Thuế môi trường có thể được thông qua vào tháng 10-2010. Theo đó, thuế sẽ được tính theo mức độ xả khí thải của từng loại ô tô.
Đại diện Bộ Công Thương khẳng định: Nếu không quy hoạch phát triển ổn định và dài hạn công nghiệp ô tô thì đến năm 2020 VN sẽ khó đạt mục tiêu trở thành quốc gia công nghiệp hóa.
Thuế chiếm 2/3 giá ô tô nhập khẩu Cũng theo ông Phạm Đình Thi: Hiện nay, khi mua ô tô dưới 9 chỗ, người tiêu dùng đang phải trả các loại thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, GTGT và phí trước bạ chiếm đến 2/3 giá xe. Tr.Bảo |
Bình luận (0)