Cần tăng giá nước để đầu tư phát triển và bảo đảm việc kinh doanh không thua lỗ. Quan điểm của Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO) đưa ra hầu như được người dân và đại biểu tham gia chương trình Nói và Làm do HĐND TPHCM và Đài Truyền hình TPHCM tổ chức sáng 6-12 đồng tình.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra cho SAWACO là “nguồn cung cấp và chất lượng nước cũng phải tăng”.
Phải giám sát kỹ cơ cấu giá thành
Theo ông Lý Chung Dân, Phó Tổng Giám đốc SAWACO, trong hai năm qua, hoạt động kinh doanh của SAWACO thua lỗ vì giá nước áp dụng từ tháng 7-2004 đến nay chưa thay đổi, trong khi các yếu tố đầu vào luôn tăng. Vì thua lỗ, thiếu vốn đầu tư phát triển mạng lưới, thay thế ống cũ mục nên tỉ lệ thất thoát nước vẫn chưa giảm được.
Theo ông Dân, hiện giá 1 m3 nước sạch chỉ bằng 60% giá thành. “Vậy TP đã hỗ trợ gì cho SAWACO?”- Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo thắc mắc. Ông Dân cho biết: Từ năm 2006, lãnh đạo TP đã làm việc với SAWACO để bàn cách tháo gỡ.
Theo đó, TP sẽ lấy từ ngân sách đầu tư mạng cấp 2, mạng cấp 3 do SAWACO đi vay để đầu tư. Thế nhưng thực tế ngân sách TP vẫn không đáp ứng đủ yêu cầu thực tế.
“Đơn cử như năm 2009, SAWACO cần 1.200 tỉ đồng để đầu tư mạng lưới và đã lên kế hoạch giải ngân 500 tỉ đồng nhưng do tình hình kinh tế khó khăn, đến nay TP mới cấp 90 tỉ đồng”- ông Dân lý giải.
Hiện nay, nhiều nơi ở huyện Nhà Bè, hằng ngày người dân phải sang quận 7 để mua nước sử dụng. Ảnh: T.THẠNH
Nguyên trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND TP, ông Nguyễn Minh Hoàng, chia sẻ với SAWACO những khó khăn đặt ra nhưng ông Hoàng đề nghị: Nếu TP cho tăng giá nước thì phải có lộ trình. Đồng thời, các cơ quan quản lý Nhà nước phải giám sát kỹ về cơ cấu giá thành để mức tăng sao cho hợp lý.
“Chỉ nên đưa tỉ lệ thất thoát nước là 26% vào giá thành chứ không đưa hết 40% tỉ lệ thất thoát hiện tại”- ông Hoàng lưu ý. Bà Thảo cũng đồng tình với đề xuất tăng giá có lộ trình và cho rằng đây là cách làm hợp lý.
Tăng giá nước phải nằm trong khung
Đó là ý kiến chung của đại diện người dân có mặt tại chương trình Nói và Làm gởi đến lãnh đạo SAWACO. Một người dân ở phường Hiệp Tân, quận Tân Phú phản ánh: “Tôi chia sẻ khó khăn với ngành cấp nước và chấp nhận việc tăng giá nước nhưng chúng tôi đề nghị SAWACO phải bảo đảm chất lượng nước và áp lực nước về đến hộ dân. Thực tế tình trạng nước bị phèn, có mùi vẫn còn xảy ra và thiệt thòi này người sử dụng phải gánh, trong khi tiền nước vẫn phải móc túi trả”.
Còn theo bà Lê Thị Luận (ngụ thị trấn Phú Xuân, huyện Nhà Bè), tăng giá nước để có đủ nước sử dụng cũng là điều hợp lý bởi hiện nay áp lực nước ở huyện Nhà Bè rất yếu, bà con chủ yếu sử dụng nước xe bồn.
Các điểm đổ nước mua nước với giá 40.000 đồng/5 m3, sau đó bán lại cho dân với giá 1.000 đồng/can 30 lít (30.000 đồng/m3).
Đại diện cho một quận với gần 70% hộ dân được sử dụng nước sạch, Chủ tịch UBND quận Tân Phú, ông Huỳnh Văn Hạnh, thẳng thắn: “Tôi nghĩ người dân không quá khắt khe việc tăng giá nước mà quan trọng họ cần sự sòng phẳng của đơn vị cấp nước. Nghĩa là việc tăng giá phải đi đôi với tăng áp lực và chất lượng nước. Đồng thời chủ trương tăng cũng cần công khai, chặt chẽ và hợp lý”.
Theo bà Phạm Phương Thảo, những ý kiến góp ý sẽ được TP lắng nghe, tiếp thu và cuối cùng quyết định cho tăng giá nước vẫn là thẩm quyền của UBND TP.
“Tuy nhiên, mức giá sau khi tăng phải nằm trong khung mà Chính phủ quy định: từ 3.000 đến 12.000 đồng/m3. Nếu có tăng thì TP phải bảo đảm chủ trương giá nước mới không ảnh hưởng quá nhiều đến đời sống người dân”- bà Thảo nhấn mạnh.
Năm 2010: Nhà Bè, Hóc Môn đỡ “khát”
|
Bình luận (0)