xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hàng lậu nóng vùng biên

Q. DŨNG – T. BÌNH

Năm nào cũng vậy, cứ đến thời điểm cuối năm kéo dài đến Tết Nguyên đán, tình trạng buôn lậu trở nên nóng bỏng ở tuyến biên giới Tây Nam

Khu vực biên giới tiếp giáp với Campuchia đi qua các tỉnh An Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp những ngày này hoạt động buôn lậu trở nên hết sức sôi động. Tuy nhiên, theo cánh đai hàng lậu mướn thì họ đã bắt đầu vào mùa “mần ăn” từ vài tháng nay.


“Vỏ” nội, “ruột” ngoại


Tình trạng một số mặt hàng trong nước tăng giá càng khiến dân buôn lậu gia tăng hoạt động. Mặt hàng “nóng” nhất hiện nay ở biên giới Tây Nam là đường cát Thái Lan và thuốc lá ngoại. Các mặt hàng như mỹ phẩm, quần áo đã qua sử dụng, phế liệu... cũng ồ ạt tràn qua biên giới. Hằng ngày, người dân lưu thông trên Quốc lộ 91 đi qua địa bàn tỉnh An Giang vẫn kinh hãi với các phi đội “xe bay” của dân buôn lậu, đặc biệt là buôn lậu thuốc lá.

Họ sử dụng những chiếc xe máy cũ được xoáy nòng, đôn dên để tăng tốc, tránh sự đuổi bắt của lực lượng chức năng. Trên xe chở đầy bao thuốc lá chất cao tới mặt người, phía sau chở thêm một “rô bốt” người bó đầy thuốc lá như gã khổng lồ, lao vun vút trên quốc lộ. Gặp cánh buôn lậu này, tất cả các phương tiện giao thông khác đều phải khiếp sợ và nhường đường vì sự liều lĩnh, chạy bạt mạng của họ. Thời gian qua đã có không ít vụ tai nạn chết người do dân buôn lậu phóng ẩu gây ra trên địa bàn tỉnh An Giang.


Một trong những chiêu thức của dân buôn lậu hiện nay là “nội địa hóa” đường cát ngoại. Khu vực chợ gò Tà Mau, tỉnh Tà Keo, Campuchia đối diện cửa khẩu Vĩnh Ngươn, thị xã Châu Đốc (An Giang) luôn tấp nập tàu ghe tập kết, vận chuyển đường cát Thái Lan. Trong vai những khách hàng quen thuộc, chúng tôi trò chuyện với cánh đai hàng lậu ở đây.

img
Đường cát nhập lậu bị bắt giữ ở An Giang. Ảnh: Q.DŨNG


Chỉ tay về phía những chiếc ghe gắn máy đuôi tôm (chở đầy các bao đường cát trắng) trên con rạch nhỏ cặp chợ Tà Mau, Phước Anh (một dân đai hàng chuyên nghiệp) cho biết đó là hàng từ Phnom Penh vừa tập kết về.

Theo lời các dân đai thì toàn bộ số đường cát tập kết về chợ Tà Mau đều chỉ vô bao trắng (không nhãn mác) sau đó họ mới “hóa phép” thành... hàng nội bằng cách in nhãn mác bao bì của các công ty trong nước rồi tuồn vào VN. “Ông để ý thì biết ngay, những bao đường (loại 50 kg) nào bị “lộn đầu” đều đã được tụi này “bùa phép”. Vỏ nội chứ ruột là đường cát ngoại chính tông”- Phước Anh bật mí thêm.


Mùa... “đánh lớn” của giới buôn lậu


Theo các lực lượng chống buôn lậu tỉnh An Giang, tình hình buôn lậu trên địa bàn đang diễn biến phức tạp. Càng ngày các trùm buôn lậu càng có nhiều thủ đoạn tinh vi, phương thức đổi mới để đối phó với với lực lượng chức năng. Đại úy Dương Thanh Trung, Đội trưởng Đội 5 thuộc PC15 Công an tỉnh An Giang, cho biết đã phát hiện, xử lý 135 vụ buôn lậu, tổng giá trị hàng hóa thu được hơn 3,2 tỉ đồng.

Ông Đinh Văn Tươi, Phó Cục trưởng Cục Hải quan An Giang, cũng cho biết ngành này đã phát  hiện 131 trường hợp vi phạm, trong đó, bắt 60 vụ hàng hóa nhập lậu và 20 vụ hàng xuất lậu, trị giá trên 3,4 tỉ đồng.


Những con số trên chưa thể hiện hết phần chìm của các cung đường buôn lậu trên tuyến biên giới Tây Nam. Các địa điểm tập kết vận chuyển hàng lậu ở biên giới này đã hình thành từ hàng chục năm qua và trở thành con đường “huyết mạch” của dân buôn lậu. Tại các “cung đường” lộ thiên như Đường Sứ, xã An Nông, huyện Tịnh Biên; Vĩnh Ngươn, thị xã Châu Đốc; Khánh Bình - huyện An Phú; Vĩnh Xương - huyện Tân Châu, tỉnh An Giang mỗi ngày có hàng trăm người đai hàng lậu thuê tấp nập...

Trong khi đó, các lực lượng chống buôn lậu cho rằng do lực lượng mỏng không thể dàn trải hết địa bàn. Một lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh thổ lộ: “Muốn bắt những vụ lớn, bắt trùm buôn lậu thì phải bỏ tiền ra... “mua tin”. Nhưng kinh phí hạn chế đâu có tiền mua tin hoài, vì vậy thỉnh thoảng mới bắt được một hai vụ lớn”.


Tuy nhiên, dân đai hàng lậu chuyên nghiệp ở đây cho biết sở dĩ hàng hóa đi trót lọt qua biên giới như thế là đều có “người lớn” nói chuyện  với nhau. “Ở An Giang này đâu có mấy ông trùm buôn lậu. Trùm cỡ bự có rất nhiều kho chứa đường cặp khu vực biên giới phải kể đến Tư Đ., bà Bảy M., hay ông Mười T... Ai đai hàng cho mấy ông trùm này thì rất yên tâm, còn người khác thì lắm phen phải “bỏ của chạy lấy người”.


“Từ đầu tháng 12 hằng năm là thời điểm buôn lậu vào mùa, vùng biên giới này hầu như không biết ngủ vì ngày đêm tấp nập người qua kẻ lại, tàu ghe đến ăn hàng. Cuối năm mấy ông trùm càng tập trung “đánh lớn”- Lâm Khoái, trưởng nhóm đai vác hàng lậu thuê ở khu vực biên giới An Phú, nói.

Có bảo kê cho buôn lậu?

Trong một cuộc họp của Ban Chỉ đạo 127 tỉnh An Giang vừa qua đã có ý kiến bức xúc về việc nhiều đơn vị chống buôn lậu trên địa bàn tỉnh tỏ ra “bất lực” dù buôn lậu diễn ra nhan nhản, rõ như ban ngày ở khắp nơi trên biên giới.

Theo đại tá Huỳnh Văn Tiến, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng An Giang, chuyện buôn lậu hay các tay trùm buôn đường cát trên địa bàn chẳng có mấy người, chẳng lạ gì, địa điểm tập kết, chuyển hàng ở đâu lẽ nào không biết?

Tại sao nhiều lần lên kế hoạch tổ chức vây bắt của các lực lượng đều bị phá sản? Kế hoạch chưa triển khai trùm buôn lậu đã tỏ tường?... “Đó là vì có người “bảo kê” cho buôn lậu”- ông Tiến bức xúc đưa ra nhiều câu hỏi rồi khẳng định.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo