Tại hội thảo thị trường, giá cả và lạm phát năm 2009- dự báo năm 2010, tổ chức hôm qua, 31-12, tại Hà Nội, các chuyên gia kinh tế dự báo mức lạm phát cả năm 2010 vẫn dừng ở một con số, khoảng 7% trong khi tăng trưởng GDP đạt khoảng 6,5%. Nhưng vấn đề đáng lo ngại là sẽ phải đối mặt với lạm phát cao ngay từ những tháng đầu năm.
Mặt hàng thiết yếu tăng giá
Theo Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính Nguyễn Tiến Thỏa, các nguyên nhân trực tiếp gây tăng giá ngay từ đầu năm 2001 là độ trễ từ sự nới lỏng chính sách tiền tệ, tài khóa từ năm 2009 chuyển qua.
Sức mua trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao; tăng lương tối thiểu theo lộ trình tăng lương 2008-2012 làm tăng sức mua có khả năng thanh toán của một bộ phận dân cư. Đặc biệt, năm 2010 là thời điểm thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số hàng hóa, dịch vụ quan trọng như điện, than, nước sinh hoạt, xăng dầu.
Ông Phạm Minh Thụy, Trưởng Phòng Dự báo và Phân tích giá cả thị trường, Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính), dự đoán nguyên nhân lạm phát cao trong năm 2010 còn do bội chi ngân sách quá lớn. Năm 2008, bội chi ngân sách chỉ ở mức trên 5% GDP nhưng lạm phát đã lên tới 19,89%.
Để đề phòng giá cả tăng mạnh vào dịp Tết Nguyên đán, từ nhiều tháng nay,
các siêu thị đã đẩy mạnh chuẩn bị nguồn hàng bán Tết. Ảnh: H.Thúy
Năm 2009, bội chi ngân sách lớn hơn, ở mức 6,9% nhưng không bùng phát giá cả vì kinh tế suy giảm, người tiêu dùng phải tiết kiệm. Bước sang năm 2010, khả năng bội chi ngân sách tiếp tục ở mức cao trong khi kinh tế dự báo đã vượt khỏi suy thoái thì nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh sẽ gây áp lực lạm phát.
Tăng trưởng tín dụng và nhập siêu cao cũng sẽ là nguyên nhân không nhỏ gây lạm phát trong năm 2010. Vì tỉ lệ huy động vốn vào ngân hàng của cả năm 2009 chỉ tăng 26% trong khi tăng trưởng tín dụng cả năm đạt hơn 37%. Như vậy, phần chênh lệch hơn 10% sẽ phải dựa một phần không nhỏ vào tăng phát hành tiền.
Nhận diện những yếu tố bất định để ứng phó
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội, cho rằng một bài toán rất quan trọng trong công tác điều hành kinh tế của năm 2010 là ngăn chặn những cơn sốt giá ngược dòng như giá xăng, giá sữa và tình trạng đầu cơ, lũng đoạn thị trường. Tất cả các thị trường quan trọng như nhà đất, chứng khoán, vàng, USD vừa qua đều bùng phát các cơn sốt do không xử lý được các tin đồn, yếu tố tâm lý.
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, ông Võ Trí Thành, cho rằng có nhiều kịch bản khác nhau cho tăng trưởng kinh tế và lạm phát năm 2010. Diễn biến sẽ là kịch bản bi quan hay lạc quan còn phụ thuộc vào sự điều hành của Chính phủ.
Lạm phát có xu hướng tăng so với mức dưới 7% của năm 2009 nhưng quan trọng là trong các nguyên nhân gây lạm phát, Chính phủ phải nhận diện được những yếu tố bất định để ứng phó. Đó là luồng vốn ODA, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), kỳ vọng về mức độ mất giá VNĐ của người dân vẫn tiếp tục khiến xu hướng trữ USD càng cao. Giữ ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh người dân thích giữ vàng, USD thay vì đồng nội tệ là một việc khó.
TS Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả, đánh giá năm 2010 có những vấn đề rất đáng lo ngại là chỉ số ICOR (hệ số sử dụng vốn) quá cao và nợ nước ngoài đang đến giới hạn mất an toàn. “Chỉ số ICOR năm 2009 đạt mức kỷ lục 8% sẽ tạo hậu quả lớn cho năm 2010 vì tổng đầu tư xã hội năm 2010 sẽ chiếm 45% GDP.
Nợ công năm 2009 bằng 40% GDP và tăng lên 44% năm 2010. Đây là mức nguy hiểm, đặc biệt đối với nền kinh tế nhạy cảm và khả năng quản lý còn yếu kém như VN”, TS Vũ Đình Ánh quan ngại.
Ông Ánh cho rằng diễn biến giá cả sẽ lặp lại quy luật tăng cao trong những tháng đầu năm và giảm dần vào cuối năm.
Nếu tính quy luật của diễn biến thị trường giá cả được duy trì, kết hợp với những chính sách kinh tế vĩ mô và quản lý thị trường giá cả hợp lý thì CPI cả năm có thể ở mức khoảng 7%. Nếu một trong các điều kiện trên không bảo đảm, CPI có thể lên tới 12%-15%.
Thành phần cơ bản trong sữa là đường? Nhiều ý kiến tại hội thảo tỏ ra bức xúc về giá sữa. Mặc dù bị xã hội phản ứng, bị cơ quan quản lý chỉ mặt điểm tên nhưng doanh nghiệp nhập khẩu, kinh doanh sữa vẫn tăng giá và viện dẫn hai lý do. |
Bình luận (0)