Bộ GD-ĐT quy định, nếu trường nào định điểm xét tuyển không hợp lý dẫn đến vượt quá nhiều chỉ tiêu được giao thì tùy theo mức độ sai phạm, chủ tịch hội đồng tuyển sinh (HĐTS) sẽ bị xử lý từ hình thức khiển trách đến cách chức. Số thí sinh (TS) tuyển vượt chỉ tiêu sẽ bị khấu trừ vào chỉ tiêu tuyển sinh năm sau của trường và bị xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục.
Tốt nghiệp trung cấp nghề được thi ĐH
Theo quy định mới, những TS tốt nghiệp trung cấp nghề cũng được dự thi ĐH, CĐ. Tuy nhiên, tốt nghiệp trung cấp nghề phải là người đã tốt nghiệp trung học cơ sở, đã học đủ khối lượng kiến thức và thi tốt nghiệp các môn văn hóa THPT đạt yêu cầu theo quy định của bộ. TS có thể nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển và lệ phí đăng ký xét tuyển nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 qua đường bưu điện. Hiệu trưởng các trường chịu trách nhiệm trong tất cả các khâu: tổ chức thu nhận, vào sổ, quản lý, cấp biên lai cho TS... Hồ sơ và lệ phí đăng ký xét tuyển dù nộp qua đường bưu điện hay nộp trực tiếp tại các trường đều hợp lệ và có giá trị xét tuyển như nhau.
Một điểm đáng lưu ý nữa trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2010 là TS chỉ cần viết, vẽ những nội dung không liên quan đến bài thi là sẽ bị đình chỉ thi. Đối với phần tự chọn (nếu có), TS chỉ được làm bài một trong hai phần tự chọn; nếu làm bài cả hai phần tự chọn thì không được chấm điểm cả hai phần tự chọn.
Năm nay, điểm trúng tuyển được xây dựng theo hướng: Mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai nhóm đối tượng kế tiếp là 1 điểm, giữa hai khu vực kế tiếp là 0,5 điểm. Đối với các trường đóng tại vùng dân tộc thiểu số, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các nhóm đối tượng được phép lớn hơn 1 điểm nhưng không quá 1,5 điểm. Các trường đào tạo theo địa chỉ sử dụng và trường có nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho địa phương, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các khu vực được phép lớn hơn 0,5 nhưng không quá 1 điểm.
Mất bài thi vẫn trúng tuyển nếu đủ điểm
Trường hợp TS bị thiếu điểm môn thi do lỗi của HĐTS làm thất lạc bài thi thì chủ tịch HĐTS trường có trách nhiệm tổ chức thi bổ sung, TS không dự thi bổ sung thì không được xét tuyển. Trường hợp TS bị thiếu điểm môn thi do lỗi của HĐTS trường nhưng tổng số điểm các môn thi còn lại bằng hoặc cao hơn điểm xét tuyển vào trường thì chủ tịch HĐTS trường gọi TS vào học theo ngành đã đăng ký mà không cần tổ chức thi bổ sung.
Để tránh tình trạng giả mạo hồ sơ, làm tốt công tác hậu kiểm, theo quy định mới, sau kỳ thi tuyển sinh, hiệu trưởng phải giao cho phòng hoặc ban chức năng tiến hành kiểm tra kết quả thi của tất cả số TS đã trúng tuyển vào trường mình, so sánh điểm trên bài thi với điểm ghi ở biên bản chấm thi, ở sổ điểm và ở giấy chứng nhận kết quả thi. Nếu phát hiện thấy các trường hợp vi phạm quy chế hoặc các trường hợp nghi vấn, cần lập biên bản kiến nghị hiệu trưởng có biện pháp xác minh, xử lý.
Trước ngày 31-12 hằng năm, các trường báo cáo Bộ GD-ĐT kết quả kiểm tra. Khi sinh viên trúng tuyển đến trường nhập học, cán bộ thu nhận hồ sơ sau khi đối chiếu kiểm tra bản chính học bạ, văn bằng tốt nghiệp, giấy khai sinh và các giấy tờ xác nhận khu vực, đối tượng ưu tiên của TS... phải ghi vào các giấy tờ nói trên: ngày, tháng, năm, “đã đối chiếu bản chính” rồi ghi rõ họ tên và ký. Các trường xét tuyển TS không dự thi tại trường mình phải gửi danh sách TS trúng tuyển cho Bộ GD-ĐT một bản, gửi cho trường chấm thi một bản để các trường chấm thi kiểm tra, đối chiếu, ký xác nhận kết quả thi của TS và gửi lại cho trường xét tuyển.
Bình luận (0)