Thông tin chính thức từ Cục Thú y, tính đến ngày 20-2 cả nước có tới 7 tỉnh là Cà Mau, Điện Biên, Sóc Trăng, Kon Tum, Quảng Trị, Nghệ An và Nam Định có dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày. Trong khi đó, tại TPHCM trước và sau Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ gia cầm sống tăng mạnh nhưng công tác kiểm soát của các cơ quan chức năng còn rất lỏng lẻo. Kết quả là gà, vịt sống không qua kiểm dịch bày bán tràn lan. Nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch cúm gia cầm trên địa bàn TP là rất cao.
Nhan nhản khắp nơi
Ngay thời điểm hiện nay, tại nhiều chợ ở các quận 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, Tân Bình, Bình Thạnh, Gò Vấp... đều có bán gà, vịt làm sẵn không có bao bì nhãn hiệu (gà giết mổ lậu). Còn gia cầm sống thì đi đâu cũng thấy, người bán mời chào vô tư. Tại khu vực chợ Trần Chánh Chiếu (Q.5), chúng tôi ghi nhận có hàng chục điểm bán gà, vịt sống. Ngay góc đường Trần Chánh Chiếu - Phú Hữu đã có 5 - 6 người bày gà, vịt sống ra lòng đường để bán. Tại đây, người ta bán công khai và còn khuyến mãi giết mổ miễn phí...
Khu vực chợ Văn Thánh (Q. Bình Thạnh) cũng có gần chục điểm bán gia cầm sống và giết mổ tại chỗ. Ông Thành, bán rau củ tại chợ này, cho biết từ trong Tết đến nay có rất nhiều người bán gà sống nhưng không thấy ai kiểm tra, xử lý nên ông cũng tranh thủ lấy gà, vịt về bán kiếm thêm tiền lời, mỗi ngày cũng bán được cả chục con...
Tương tự, tại các chợ Thị Nghè (Q. Bình Thạnh), chợ Thiếc (Q.11), chợ Thảo Điền, chợ Cát Lái (Q.2), chợ Bình Hưng Hòa, chợ Bình Trị Đông (Q. Bình Tân) hay chợ Phú Trung, chợ Tân Phú (Q. Tân Phú)... chúng tôi đều thấy có nhiều điểm bán gà, vịt sống. Tuy nhiên, sôi động nhất phải kể đến khu vực quận Gò Vấp.
Gia cầm sống bán tại đầu cầu Chợ Cầu, phía quận 12 - TPHCM
Tại chợ Tân Sơn (Q. Gò Vấp) trước đây chỉ có năm, bảy điểm bán thì nay tăng lên gần hai chục điểm. Người mua, kẻ bán vô tư từ sáng đến chiều mà không hề thấy ai kiểm tra nhắc nhở. Bà Xuyến, bán gia cầm sống tại chợ này, cho biết: “Trước đây mỗi ngày tôi bán được vài chục con nhưng nay nhiều người bán quá nên chỉ bán được mươi con”. Khi được hỏi bán gia cầm sống không sợ thú y tịch thu? Bà vô tư trả lời: “Có thấy “ma” nào đến đây đâu mà lo”.
Tại khu vực chợ thủy sản trên đường Phan Văn Trị (Q. Gò Vấp) có cả chục hộ bán gia cầm sống, nhà nào cũng treo bảng to đùng “Có bán gà, vịt sống, nhận giết mổ”. Ở đây do kinh doanh quy mô hơn nên mỗi điểm luôn có cả trăm gia cầm sống, khách muốn mua bao nhiêu cũng có. Có điểm trên đường Phan Văn Trị treo băng rôn to tướng “Điểm bán trứng bình ổn giá của Công ty TNHH Ba Huân” nhưng chỉ có một góc bán trứng, phần còn lại bày bán gà, vịt sống công khai. Tại đây, người bán mang cả dây chuyền giết mổ nhanh ra trước cửa nhà để tiếp thị...
Quản lý bó tay?
Trao đổi với các cơ quan chức năng liên quan đến công tác kiểm dịch, các đơn vị này đều thừa nhận tình trạng kinh doanh gia cầm sống đang rất phức tạp. Một cán bộ Cục Thú y lo ngại: Dịch cúm gia cầm hiện vẫn còn diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan khá cao do nguồn gia cầm kinh doanh, vận chuyển trước Tết và sau Tết tăng cao, trong khi công tác phòng chống, kiểm soát có phần lơ là ở nhiều địa phương.
Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM, than: Với tình trạng hiện nay, một mình cơ quan thú y không thể nào làm nổi mà cần phải có các ngành, các cấp, nhất là chính quyền địa phương tham gia. Ông Thảo cũng cho biết việc quản lý kinh doanh gia cầm trái phép, TP đã giao cho các quận, huyện phối hợp với cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý. Về phần mình, lực lượng thú y vẫn bố trí người tham gia các đoàn liên ngành của quận, huyện để kiểm tra, kiểm soát...
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, công tác kiểm tra, kiểm soát của các đoàn liên ngành hiện rất yếu. Hằng năm, TP rót xuống các ban chỉ đạo phòng chống dịch quận, huyện hơn 20 tỉ đồng để phân bổ cho công tác phòng chống dịch.
Thế nhưng, thời gian qua các ban chỉ đạo chỉ hoạt động cầm chừng. Lực lượng thú y gặp nhiều khó khăn trong công tác kiểm tra, kiểm soát bởi theo phân công, trong đoàn liên ngành thì đại diện chính quyền địa phương các quận, huyện làm trưởng ban, lực lượng quản lý thị trường kiểm tra về giấy phép kinh doanh, thú y lo về chuyên môn...
Việc ra quyết định tịch thu, tiêu hủy hay xử phạt hành chính cũng do chính quyền địa phương ra quyết định... Nguồn kinh phí được giao cho ban chỉ đạo các địa phương nên lực lượng thú y cũng không còn “mặn mà” vì không có kinh phí để chủ động tổ chức kiểm tra, kiểm soát như trước đây.
Bình luận (0)