Hai bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ và Lê Quả đến tòa sáng 17-3
Theo nhận định của HĐXX cấp phúc thẩm, Ban Quản lý Dự án đại lộ Đông Tây (BQLDA) là đơn vị sự nghiệp, mọi chi phí (bao gồm cả tiền thuê nhà số 3, Nguyễn Thị Diệu, quận 3 làm trụ sở) đều do ngân sách Nhà nước cấp.
Do đó, việc BQLDA cho thuê một phần căn nhà này là trái pháp luật, và khoản tiền thu được từ việc cho công ty PCI thuê trong 16 tháng (tương đương 1,2 tỉ đồng) phải coi là tiền ngân sách Nhà nước, không phải là "nguồn thu không chính đáng" như các bị cáo khai tại tòa và lời bào chữa của luật sư.
Án sơ thẩm xét xử hai bị cáo tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” (điều 281 Bộ luật Hình sự) là có căn cứ. Tuy nhiên, án sơ thẩm chưa phân tích, đánh giá hậu quả hành vi phạm tội do các bị cáo gây ra nguy hiểm cho xã hội, không chỉ gây thiệt hại về vật chất mà còn tạo môi trường đầu tư xấu, làm sa sút lòng tin của nhân dân và uy tín Nhà nước.
Đây là hành vi gây hậu quả rất nghiêm trọng. Vì vậy, không có căn cứ chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và được hưởng án treo của các bị cáo; chấp nhận kháng nghị của Viện KSND TPHCM, sửa một phần án sơ thẩm để đảm bảo tính chính xác khi xét xử.
Hai bị cáo đều bị tăng án
Do hai bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ như: nhân thân tốt, đã khắc phục cơ bản thiệt hại, bày tỏ sự ăn năn, gia đình có công với đất nước, bản thân có nhiều thành tích... – đặc biệt bị cáo Lê Quả có nhiều cống hiến cho khoa học nước nhà – nên được hưởng mức án dưới khung hình phạt của điều luật xét xử. Ngoài ra, bị cáo Sĩ là Giám đốc BQLDA, có quyền quyết định cao hơn nên mức hình phạt cũng phải cao hơn bị cáo Quả là có căn cứ.
Kết quả, bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ bị tuyên 6 năm tù giam, Lê Quả 5 năm tù giam (cấp sơ thẩm xử phạt ông Sĩ 3 năm, ông Quả 2 năm tù).
Các bị cáo sau phiên tòa
Bình luận (0)