VN là nước xuất khẩu gạo - một mặt hàng thiết yếu. Chúng ta có thể ngừng bán nhưng khách hàng không thể ngừng ăn, lượng cung gạo trên thị trường thế giới thấp hơn lượng cầu. Vậy tại sao năm nào chúng ta cũng để khách hàng ép giá? Đây là điều rất bất hợp lý, cần sớm chấm dứt.
Tự quyết định giá
Hãy thử so sánh: Tổ chức Các quốc gia xuất khẩu dầu lửa (OPEC) có hơn 10 thành viên nhưng khai thác khoảng 40% sản lượng dầu của thế giới và chi phối cơ bản thị trường này. Trong khi đó, VN và Thái Lan chiếm đến 45,4% tổng lượng gạo xuất khẩu thế giới (số liệu vào năm 2008), vậy chúng ta hoàn toàn có thể bắt tay với người Thái để hình thành liên minh song phương ấn định giá bán gạo xuất khẩu. Theo tôi, đề xuất thành lập Tổ chức Các quốc gia xuất khẩu gạo (Organization of Rice Exporting Countries - OREC) hoạt động theo mô hình của OPEC, do VN và Thái Lan làm nòng cốt, cũng là một giải pháp khả dĩ nhằm củng cố thế mạnh và giá trị của hạt gạo VN trên thị trường quốc tế.
Khi đã ấn định được giá sàn bán gạo xuất khẩu thì việc ấn định giá thu mua lúa của nông dân sẽ rất đơn giản. Theo đó, giá thu mua lúa cho nông dân = giá sàn bán gạo xuất khẩu - [(chi phí + lợi nhuận của thương lái lúa) + (phí tồn kho + phí xuất khẩu + lợi nhuận của cơ quan chuyên trách của chính phủ)].
Khi ấn định giá thu mua lúa cao sẽ khiến cho người ăn gạo trong nước mua gạo giá cao, vậy phải giải quyết điều này thế nào? Theo tôi, nên chia lúa gạo của nông dân làm hai phần, một phần tiêu thụ trong nước và một phần (khoảng 5 - 6 triệu tấn gạo) dùng để xuất khẩu và có chính sách thích hợp cho hai loại này. Phần trong nước thì áp dụng chính sách trợ giá cho người ăn gạo hoặc áp dụng các quy định bình ổn giá cho người ăn gạo; còn phần gạo dành cho xuất khẩu phải được bán theo giá thị trường thế giới, không bị ràng buộc bởi các quy định bình ổn giá lúa gạo trong nước. Hiện nay, do không tách bạch như trên nên khi giá gạo thế giới tăng cao, ví như năm 2008, để giữ giá gạo trong nước không tăng theo giá gạo thế giới, chúng ta đã phải ngừng xuất khẩu, khiến nông dân thiệt hại.
Chính phủ trực tiếp thu mua lúa
Điều này không khó thực hiện vì thương lái sẽ mua lúa từ nông dân để bán tận kho của chính phủ. Hiệp hội Lương thực VN (VFA) hiện đang làm theo cách này. Thay vì giao đặc quyền cho VFA, nên thành lập hội đồng lúa gạo quốc gia như một số nước trong khu vực đã làm. Hội đồng này trực thuộc Chính phủ, có nhiệm vụ xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược lúa gạo, trong đó có xuất khẩu gạo.
Giả sử đến cuối năm 2011, chúng ta xây dựng xong kho chứa 12 triệu tấn lúa, khi nông dân thu hoạch lúa đông xuân 2012, Chính phủ mua hết lúa của nông dân theo mức giá quy từ giá sàn bán gạo xuất khẩu đưa vào kho, nếu có hợp đồng với giá từ giá sàn trở lên thì ký bán; nếu các doanh nghiệp kiếm được hợp đồng xuất khẩu gạo thì Chính phủ tổ chức đấu giá bán gạo cho doanh nghiệp.
Trong trường hợp giá gạo thế giới thấp, Chính phủ có thể mua luôn lúa vụ hè thu của nông dân cho vào kho để giữ giá, tránh phải xuất khẩu gạo với giá thấp.
Thái Lan đã thành công với cách làm tương tự như trên nhờ có hệ thống kho chứa tốt, ấn định giá sàn xuất bán gạo và giá thu mua lúa cao. Nếu VN cũng làm như vậy, chắc chắn mọi sự sẽ thay đổi theo hướng có lợi. Cụ thể: Tự quyết định giá bán gạo, không bị khách hàng ép giá; các doanh nghiệp chẳng thể bán phá giá gạo, ngược lại phải tìm cách ký hợp đồng bán gạo giá cao và tạo thương hiệu uy tín để có khách hàng truyền thống, quan trọng là buộc phải đầu tư kho bãi, nhà máy xay xát lúa cũng như trực tiếp thu mua lúa từ nông dân để tăng lợi nhuận.
Thoát cảnh “trúng mùa - mất giá”
Với cơ chế xuất khẩu gạo mới này, nông dân không còn phải lo sợ cảnh “trúng mùa - mất giá” như trước nay. |
Bình luận (0)