Năm 1987, chiều Đà Lạt lạnh ngọt, nắng vàng hoe, có một ông lão mang bị cói xuất hiện ở cơ quan Hội Văn nghệ Lâm Đồng. Khuôn mặt khắc khổ như một lão nông nhưng toát lên khí phách của một con người ngang tàng, ngạo nghễ. Hữu Loan xuất hiện như một thi nhân tái thế.
Ông là khách “VIP” của anh em văn nghệ Đà Lạt lúc đó. Thi thoảng ông ghé vợ chồng tôi ăn cơm, tâm sự chuyện đời, chuyện văn thơ, chuyện “màu tím hoa sim”. Lúc ấy cơn gió đổi mới thổi tràn sang lĩnh vực văn nghệ làm thức giấc những con “sói già” của làng văn nghệ.
Những Phùng Quán, Trần Dần, Hữu Loan, Hoàng Cầm... đồng loạt tỉnh giấc giữa mùa đông. Máu giang hồ gặp làn gió đổi mới, Hữu Loan mang bị cói Nga Sơn lên đường.
Trong nắng chiều sông Hậu
Đó là những ngày hạnh phúc nhất của Hữu Loan. Ông lên Hà Nội ghé thăm anh em văn nghệ, ở nhà Tú Sót – Chu Thành, một nhà thơ trào phúng nổi tiếng ở Hà Nội. Vinh quang, cay đắng bao phủ ông. Rồi ông “hành phương
Tôi được vinh dự theo “hầu” ông trong chuyến về miền Tây sông nước theo lời mời của bạn bè văn nghệ. 14 giờ, trên phà Cần Thơ, nắng rừng rực, những mảng lục bình trôi lững lờ dưới sông.
Ông mang bị cói, rời chiếc xe Lada, bước lên phà. Một người đàn ông dắt đứa trẻ chừng 10 tuổi, với cây đàn guitar, ca ngọt lự bài Những đồi hoa sim - do nhạc sĩ Dzũng Chinh phổ nhạc từ bài thơ của ông. Những đồng tiền lẻ bỏ vào chiếc mũ đen đúa của đứa trẻ mỗi lúc mỗi nhiều.
Ông cũng móc trong bị cói bỏ vào đó mấy đồng, quay sang nói với tôi: “Thơ mình cũng làm ra tiền đấy nhỉ!”. Tôi nói: “Nghệ thuật vị nhân sinh mà bác!”.
Ông cười hiền lành, chân chất như một lão nông, ông bảo không thích cái điệu bolero buồn hiu hắt ấy, ông thích cái hùng khí trong Áo anh sứt chỉ đường tà của Phạm Duy hơn.
Tôi cũng đồng ý như vậy nhưng khi đến Kiên Giang, một vị giám đốc ái mộ ông, khi đã làm vài ve rồi, “anh dũng” đổi áo cho ông để làm kỷ niệm - cái áo mà ông mặc nhiều ngày không giặt, rồi qua máy cassette cho ông nghe bài Những đồi hoa sim do nhạc sĩ Dzũng Chinh phổ nhạc, qua tiếng hát của Phương Dung, Hoàng Oanh.
Nghe xong ông gật gù: “Mấy cô này hát đã thiệt!”. Không “đã” sao được khi nghe Phương Dung mở đầu bằng hai câu thơ: Áo anh sứt chỉ đường tà/Vợ anh mất sớm, mẹ già chưa khâu...”. Những ngày giang hồ ở miền Tây là những ngày hạnh phúc nhất đời ông.
Đó là lúc quyền lực thơ của ông lên tiếng. Đi theo ông mới thấy tầm vóc riêng biệt của bài thơ Màu tím hoa sim, mới thấy chiều cao nhân cách của ông.
Những mối tình xứ Thanh
Màu tím hoa sim đi vào lòng người hết sức tự nhiên và hình như ai cũng thuộc. Đó là bài thơ viết về bi kịch của cuộc đời ông, cho bà vợ Lê Đỗ Thị Ninh của ông chết khi còn quá trẻ, mới 17 tuổi. Đó có thể là một trong những bài thơ tình hay nhất thế kỷ 20 của chúng ta, bài thơ về chiến tranh hết sức nhân bản của nhân loại.
Ở đó có lịch sử, có chiến tranh, có sự sống, hạnh phúc và bi thương. Một chiều rừng mưa/Ba người anh nàng/Từ chiến trường Đông Bắc/ Được tin em gái mất/ Trước tin em lấy chồng...”.
Lịch sử cách mạng ghi nhận “ba người anh nàng” ấy không ai khác đó là Lê Đỗ Khôi, chính trị viên Tiểu đoàn 115, Đại đoàn 312, hy sinh năm 1954 trong chiến dịch Điện Biên Phủ; là Lê Đỗ Nguyên, tức Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân VN; là Lê Đỗ An, tức Nguyễn Tiên Phong, nguyên Bí thư Trung ương Đoàn.
Cả ba người này và bà Ninh đều là học trò của Hữu Loan khi ông đậu xong tú tài, lên thị xã Thanh Hóa dạy học ở nhà ông Lê Đỗ Kỳ, một quan chức cấp cao thời bấy giờ, một trí thức yêu nước. Ông Lê Đỗ Kỳ cũng là đại biểu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Mối tình ấy, gia đình ấy gắn bó với ông thật tình cờ và cũng thật lãng mạn, để chúng ta có một Màu tím hoa sim bây giờ. Tôi nhớ trong suốt thời gian ở miền Tây sông nước, đi đến đâu ông cũng được yêu cầu đọc bài thơ này và mỗi lần đọc ông đều khóc.
Tiếng khóc ông hết sức chân thật, xé lòng người nghe. Ai yêu bài thơ này đều thắc mắc vì sao có thêm một đoạn cuối mà các văn bản lưu hành trước đó không có: Màu tím hoa sim/Tím tình tang lệ rớm/Tím tình ơi lệ ứa/Ráng vàng ma/Và sừng rúc điệu quân hành/Vang vọng chập chờn/Theo bóng những binh đoàn/Biền biệt hành binh vào thăm thẳm chiều hoang màu tím/Tôi ví vọng về đâu/Tôi với vọng về đâu/Áo anh nát chỉ dù lâu...”.
Hỏi ông, ông chỉ gật đầu, nói “như vậy đấy!”. Lúc đầu người yêu thơ thấy khó chịu nhưng sau này đọc lại thấy Hữu Loan có lý của ông, nó làm cho toàn bài thơ thấm đẫm một màu tím thương nhớ, day dứt, buồn thăm thẳm nhưng kiêu hùng. Đó là màu tím của Hữu Loan.
Mối tình thứ hai của ông cũng là người con gái xứ Thanh, bà Phạm Thị Nhu. Đây là người vợ sống với ông cho đến nay, sinh cho ông 10 người con. Một mối tình nói lên bản chất ngang tàng, ngay thẳng của ông. Bà Nhu là con một địa chủ, lâm vào cảnh hết sức khó khăn lúc ấy. Đó là lý do ông đến với bà, để cùng bà đi hết cả cuộc đời cực nhọc, đắng cay lẫn hạnh phúc.
Ông còn một mối tình xứ Thanh khác, cũng khi ông dạy học ở Thanh Hóa. Người con gái ấy rất đẹp, sang trọng, sau này ông có gặp ở Việt Bắc và trở thành dĩ vãng yêu...
Trên đỉnh Đèo Cả
Không có cách mạng, không có kháng chiến, không có thơ Hữu Loan. Ông là người thơ của cách mạng. Hữu Loan chỉ có chừng vài chục bài thơ, có bài thất lạc đến nay mới tìm thấy. Những Hoa Lúa, Yên Mô, Tình thủ đô, Màu tím hoa sim... làm nên tên tuổi của Hữu Loan nhưng Đèo Cả (1946) mới chính là đỉnh cao của ông.
Trong chiến dịch
Chất lãng mạn cách mạng ấy ẩn sâu trong từng con chữ sắc như dao nhưng mềm như mây, êm êm như con sóng vỗ dưới chân đèo Cả. Cả những hình ảnh hết sức hiện thực của anh Bộ đội Cụ Hồ chân chất, mạnh mẽ: Sau mỗi lần thắng/Những người trấn đèo Cả/Về bên suối đánh cờ/Người hái cam rừng/Ăn nheo mắt/Người vá áo/Thiếu kim mài sắt/Người đập mảnh chai/Vểnh cằm cạo râu/Suối mang bóng người/Soi những về đâu?
Viết xong Đèo Cả, Hữu Loan đứng ngang tầm ngọn đèo này trong thi ca VN hiện đại. Chỉ có thi sĩ - liệt sĩ Trần Mai Ninh với Nhớ máu, cũng viết năm 1946, mới có thể so sánh với Đèo Cả, và bài thơ này cũng viết dưới chân đèo Cả, Tuy Hòa, cùng một phong cách lãng mạn - hiện thực và viết bằng máu.
Cuộc chiến tranh chống Pháp 9 năm đã sản sinh một thế hệ nhà thơ chiến sĩ hết sức đặc biệt với những Hữu Loan, Trần Mai Ninh, Thôi Hữu, Hồng Nguyên... Đó là những nhà thơ góp phần rất lớn trong việc đổi mới phong cách thi ca hiện đại, cả về ngôn ngữ lẫn tư tưởng.
Với Hữu Loan, ông không chỉ viết bằng máu mà còn có cả nước mắt qua bài thơ bất hủ Màu tím hoa sim. Cái màu tím ấy không hề bi lụy mà nó còn giục giã bước chân bộ đội lên đường, vì hạnh phúc của chính chúng ta, của dân tộc ta. Tôi muốn gọi màu tím ấy là “màu tím Hữu Loan”.
Giờ ông đã yên nghỉ trên ngọn đồi sim ở làng Vân Hoàn quê ông, để ngắm Những đồi hoa sim dài trong chiều không hết/Màu tím hoa sim tím chiều hoang biền biệt...
Anh Từ Thức Nga Sơn Đó là lời Hoàng Phủ Ngọc Tường nói về Hữu Loan khi năm 1987 ông “tái xuất giang hồ”, được Hữu Loan ghi lại trong bài thơ Chuyện tôi về (1988): Kính chào anh Hữu Loan/Anh Từ Thức Nga Sơn/Ba mươi năm về động hoa vàng...
|
Người biết đủ Năm 2003, tôi có ý định mua bản quyền bài thơ Màu tím hoa sim nên mới có dịp được gặp ông. Ấn tượng về nhà thơ Hữu Loan trong tôi là một cuộc đời giản dị đến mức thanh bần.
Lê Văn Chính |
Bình luận (0)