Những năm gần đây, nhất là vào khoảng thời gian giao mùa hay thời tiết nóng bức, lạnh đột ngột... tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị các bệnh về hô hấp có dấu hiệu tăng. Các bệnh do nhiễm trùng đường tiêu hóa cũng ngày càng phổ biến.
Mô hình bệnh tật ở trẻ em từ các bệnh có căn nguyên do virus (như cúm gia cầm, tiêu chảy do virus, sốt xuất huyết, viêm não...) đang có xu hướng thay thế dần nhiều loại bệnh do vi khuẩn. Trong khi đó, bệnh do virus lại chưa có thuốc đặc hiệu mà chỉ có thể điều trị triệu chứng.
Quá lạm dụng kháng sinh
Có rất nhiều nguyên nhân để dẫn đến việc gia tăng các bệnh có căn nguyên do virus. Một trong những nguyên nhân chính là do sự thay đổi bất lợi về khí hậu và môi trường sống. Bên cạnh đó, thói quen và tâm lý ưa dùng kháng sinh trị bệnh cho trẻ nhỏ đang khiến nhiều trẻ bị lờn thuốc, giảm sức đề kháng.
Rất nhiều phụ huynh cứ thấy con khục khặc ho là bắt uống kháng sinh, thậm chí mua toàn thuốc đắt tiền vì quan niệm thuốc đắt là thuốc tốt mà không biết có tới 95% các bệnh viêm đường hô hấp không cần dùng kháng sinh, bởi căn nguyên của các bệnh này chủ yếu do virus tấn công.
Đã là bệnh do virus gây nên thì uống kháng sinh sẽ không có tác dụng. Trong lúc đó, việc sử dụng kháng sinh tràn lan rất dễ khiến trẻ bị dị ứng, gây biến chứng, thậm chí tử vong.
Có rất nhiều bệnh nhi nhập viện vì các bệnh do virus mỗi ngày. Ảnh chụp tại khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: NG.DUNG
Kháng sinh tuy rất tốt để điều trị các vi khuẩn gây bệnh nhưng đồng thời cũng phá hoại các vi khuẩn tốt sống cộng sinh trong đường tiêu hóa vốn rất yếu của trẻ. Cho nên, lạm dụng kháng sinh sẽ gây hại cho trẻ, đặc biệt là sau này, khi mắc phải những bệnh cần sử dụng kháng sinh mà cơ thể trẻ đã bị lờn thuốc thì sẽ khó điều trị được.
Trong trường hợp trẻ sốt nhẹ, húng hắng ho nhưng vẫn ăn uống, sinh hoạt bình thường thì các bậc cha mẹ lưu ý là không nhất thiết phải mang con đến bệnh viện. Khi thời tiết thay đổi, có nhiều cháu bé chỉ bị hắt hơi, sổ mũi nhẹ nhưng vì quá lo lắng nên nhiều người đã đưa con đi cả một quãng đường dài trong thời tiết lạnh giá để đến bệnh viện khám, khi trở về trẻ có thể bị bệnh thêm.
Chủ động phòng ngừa
Trẻ dưới 5 tuổi, nhất là trẻ dưới 1 tuổi, dễ mắc bệnh nhất vì sức đề kháng chưa được hoàn thiện. Do đó, cha mẹ cần phải chủ động tạo miễn dịch cho trẻ để góp phần làm giảm các bệnh lý.
Tiêm phòng là một trong những biện pháp phòng bệnh hữu hiệu. Với những loại vắc-xin chưa được tiêm chủng miễn phí nhưng nếu có điều kiện, phụ huynh cũng nên tiêm phòng cho trẻ. Trẻ càng nhỏ càng dễ bị bệnh khi môi trường sống có sự thay đổi. Không nên “cấm cung” trẻ nhỏ, song cũng cần tránh để trẻ tiếp xúc với không khí nóng, lạnh đột ngột.
Sai lầm về cách cho ăn, uống của cha mẹ cũng có thể gây ra các bệnh về tiêu hóa và hô hấp có căn nguyên do virus ở trẻ. Cần biết sữa mẹ vẫn là thức ăn quan trọng và cần thiết nhất, khi muốn cho trẻ ăn sữa ngoài thì phải thay đổi từ từ cho đến khi trẻ thích hợp, đồng thời phải cho trẻ ăn thêm cháo, bột, các loại rau, củ, quả và các loại thực phẩm có nhiều chất dinh dưỡng nhằm tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ.
Ngoài các biện pháp vệ sinh thông thường như đeo khẩu trang khi đi ngoài đường, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng..., cần cho trẻ một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, bảo đảm vệ sinh.
Bệnh lý hô hấp và tiêu hóa chiếm tỉ lệ cao Tại VN, bệnh lý hô hấp và tiêu hóa đang đứng đầu bảng trong số gần 100 nhóm bệnh ở trẻ em. Theo thống kê tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trung bình mỗi ngày, khoa khám bệnh tiếp nhận từ 1.200 - 1.300 bệnh nhi tới khám, đặc biệt mùa hè có thể lên tới 2.500 bệnh nhi/ngày. Trong số này, có tới hơn 50% trẻ tới khám do các bệnh lý về tiêu hóa, hô hấp và 10% trong số này phải nhập viện để điều trị. |
Bình luận (0)