Ông là Nguyễn Long, từng tham gia Đội biệt động Sài Gòn với bí danh “Tư Ẩn”, hiện đã nghỉ hưu. Ít ai biết ông Nguyễn Long còn là cháu ruột của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi.
Trò chuyện, ông Nguyễn Long tỏ ra rất xúc động khi nghe chúng tôi gọi là Tư Ẩn. “Bí danh thời hoạt động trong Đội biệt động Sài Gòn này gắn với thật nhiều kỷ niệm” - ông tâm sự.
Giỏ hàng của mẹ
Ông Tư Ẩn sinh năm1942, tại huyện Điện Bàn - Quảng
Chú Nguyễn Văn Trỗi chỉ hơn tôi 2 tuổi. Mới lên 6 tuổi, tôi đã được mẹ giao đi liên lạc. Khi bắt đầu đi học, sáng nào cũng vậy, tôi thường được mẹ sai đi giao “hàng” cho khách, khi thì giỏ trầu cau, lúc vài cái bánh. Lớn lên, tôi mới biết trong những giỏ hàng mà mẹ thường nhờ mình chuyển cho khách có chứa tài liệu gửi về hậu cứ”.
Có lẽ trong gia đình ông Tư Ẩn có một dòng máu cách mạng chảy từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trong một lần gặp các đồng chí của cha về nhà, cậu bé Long đã đánh bạo xin các chú gia nhập Đội quyết tử biệt động thành.
“Lúc đó, ba tôi và các chiến sĩ trong Đội cảm tử chỉ cười, bảo: “Cứ ở nhà chịu khó giúp mẹ, lớn lên chút nữa các chú sẽ tính. Nhỏ xíu như Long không ôm nổi bộc phá đâu”. Nghe các chú nói thế, tôi buồn lắm nhưng cũng chẳng biết làm sao” – ông Tư Ẩn hồi tưởng.
Ông Nguyễn Long (Tư Ẩn) trong một lần họp mặt nhân ngày giải phóng miền
Lên 12 tuổi, Long được một cán bộ trong Đội biệt động Sài Gòn giao cho công tác liên lạc của đội. Việc giao liên bí mật trong lòng Sài Gòn được ông đảm trách đến năm 1962. Thấy Long nhanh trí, hoạt bát nhưng rất cẩn trọng trong công việc, Đội biệt động Sài Gòn quyết định chính thức kết nạp anh vào Đội B2 với các bí danh Tư Ẩn, Long Nhật...
Để hoàn thành trọng trách được phân công, Tư Ẩn đã nếm trải, đương đầu với rất nhiều hiểm nguy, vất vả, khó khăn luôn hằng ngày, hằng giờ rình rập, đe dọa đến tính mạng.
Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Tư Ẩn cũng dũng cảm, linh hoạt, nhạy bén, thận trọng và bình tĩnh xử lý các tình huống một cách nhuần nhuyễn, tạo một vỏ bọc an toàn trong lòng địch. Trong thời gian hoạt động, để tránh bị địch phát hiện, ông đã sử dụng nhiều bí danh với nhiều căn cước khác nhau, nhưng lâu nhất vẫn là Tư Ẩn.
12 cây thuốc và tấm bản đồ
Ông Tư Ẩn thổ lộ: “Làm chiến sĩ biệt động, chúng tôi phải chấp nhận hiểm nguy, mất mát, ly tán, hy sinh”. Ông còn nhớ như in đêm 9-5-1964, người chú ruột của mình - chiến sĩ biệt động Nguyễn Văn Trỗi - bị địch bắt vì thực hiện kế hoạch mưu sát bộ trưởng quốc phòng Mỹ McNamara trên cầu Công Lý.
Nghe tin chú bị bắt, ruột gan Tư Ẩn cứ quặn thắt. Ông cho biết: “Vậy là chẳng bao lâu sau ngày ba tôi hy sinh, lại đến lượt người chú ruột rơi vào tay địch. Lúc đó, bọn lính ở Nha Cảnh sát Đô thành điên cuồng ập vào nhà tôi và gia đình chú Trỗi lục soát, bắt bớ. Để bảo đảm an toàn, cả gia đình tôi phải ly tán mỗi người một nơi. Hồi ấy tôi đang là sinh viên Đại học Văn khoa Sài Gòn”.
Dù vậy, với bản chất của một người lính biệt động, Tư Ẩn vẫn bình tĩnh và liên tiếp thực hiện các kế hoạch phản chiến trong giới sinh viên. Ngoài giờ học ở trường, đêm đến, Tư Ẩn lại mày mò tự in hàng ngàn tờ truyền đơn phản chiến bằng tay với chiếc bàn in đơn giản bằng một miếng ván và miếng lụa. “Vì đây là công việc rất bí mật nên cứ gần sáng là tôi phải hủy bàn in rồi mang tập truyền đơn giao cho đồng chí liên lạc trong vai người bán xôi để gửi đi” – ông Tư Ẩn kể.
Ông Tư Ẩn
Năm 1966, sau thời gian tham gia phong trào sinh viên, Tư Ẩn được cấp trên giao nhiệm vụ mới: Trinh sát, vẽ bản đồ chi tiết thành Tuy Hạ (nay thuộc Đồng Nai), một trong những kho đạn lớn nhất của quân ngụy lúc bấy giờ, để quân ta tấn công. Nhiệm vụ mới này đầy hiểm nguy, cam go.
Để bao quát những chi tiết trong thành Tuy Hạ được kỹ càng, chiến sĩ biệt động Tư Ẩn đã thực hiện kế hoạch thâm nhập lòng địch một cách khéo léo với quyết tâm không để xảy ra bất kỳ một sơ hở nào, dù rất nhỏ. Đóng vai một người bán hàng rong, Tư Ẩn đã rong ruổi nhiều lần qua 12 bót địch trong thành Tuy Hạ.
Dần dần, Tư Ẩn hiểu được cơ bản những tính cách, sở thích của từng tên lính gác. “Hầu hết những tên này đều hung hãn, có thể xả súng vào bất cứ ai khi thấy nghi ngờ. Đối với những tên lính như thế mà phải nấn ná làm quen rồi chiếm được cảm tình của chúng thì quả là một thử thách lớn. Tôi mua thuốc Ruby, một loại thuốc lá ngon hồi đó, đến từng bót gác, mời từng tên lính để tiếp cận làm quen và không quên quan sát kỹ đường đi lối lại của thành Tuy Hạ. Để tránh bị nghi ngờ, tôi không dám lân la mời thuốc thường xuyên mà phải kéo dài đến 3 tháng. Khi tốn hết 12 cây thuốc Ruby, tôi cũng đã hoàn thành đầy đủ chi tiết tấm bản đồ thành Tuy Hạ rồi nhanh chóng gửi về hậu cứ. 2 giờ sáng vào một ngày tháng 10-1966, một trận đánh của bộ đội ta đã hạ gọn được thành này. Được tin thắng trận, tôi mừng nhảy cỡn lên” - ông Tư Ẩn bộc bạch.
Miệt mài đi tìm mộ liệt sĩ
Hòa bình lập lại, ông Tư Ẩn được Nhà nước cử sang Lào học tập rồi trở thành chuyên gia. Sau đó, ông lại tiếp tục được cử sang Nhật Bản nghiên cứu học tập rồi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Về nước, ông được bố trí làm việc tại Văn phòng Chính phủ.
Khi nghỉ hưu, ông mới có thời gian đi tìm mộ cha - bị giặc giết ở Củ Chi – TPHCM. “Trước đây, vì công việc, tôi không có dịp đi tìm mộ cha. Năm 1997, tôi mới bắt đầu tiến hành công việc tìm kiếm dọc một bờ sông ở Củ Chi... Từ những chuyến đi tìm mộ, tôi thấu hiểu được nỗi đau của những gia đình liệt sĩ chưa tìm được mộ người thân nên quyết tâm đi tìm đồng đội, đồng chí” – ông Tư Ẩn thổ lộ. Nghĩ là làm, ông lặng lẽ một mình lên đường đi tìm mộ liệt sĩ.
Đã hơn 10 năm nay, ông Tư Ẩn miệt mài trên những nẻo đường Trường Sơn, lòng đau đáu nghĩ về đồng đội, đồng chí đã ngã xuống năm xưa. Ông rưng rưng: “Chiến trường ai khóc chia phôi. Khải hoàn ai nhắc đến người hôm qua. Câu thơ của ông Hồ Thấu, nguyên cán bộ Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng những năm 1940 cứ làm tôi đau đáu mỗi ngày”. Hơn 10 năm nay, ông không nhớ nổi mình đã tìm được bao nhiêu đồng đội trong đại ngàn Trường Sơn đưa về với quê hương.
Ông bảo ngoài đồng đội cùng chiến đấu với mình, khi biết tin những liệt sĩ khác nằm ở đâu, ông vẫn đi tìm: “Tôi coi việc tìm mộ liệt sĩ như một trách nhiệm của mình”.
Khoảng lương hưu mỗi tháng 3 triệu đồng được ông dành hết cho những chuyến ngược xuôi tìm mộ liệt sĩ. “Cứ nghĩ đến hàng chục năm qua, các anh vẫn nằm lại giữa núi rừng, hài cốt các anh vẫn chưa được quy tập về quê nhà là tôi không thể nào chịu đựng nổi. Mệt thì nghỉ, khỏe tôi lại đi, còn sức thì vẫn còn tiếp tục đi tìm mộ liệt sĩ” - ông quả quyết. Căn nhà được Nhà nước cấp ở TPHCM, ông giao hẳn cho người em trai trông giữ.
Gần một đời cống hiến cho đất nước, ông chưa bao giờ nghĩ đến cuộc sống riêng tư của mình. Thuở còn là chiến sĩ biệt động, chuyện lập gia đình của ông đành gác lại vì đặc thù công việc. Sau giải phóng, ông lao vào công việc, cho đến lúc về già ông lại tiếp tục công việc của người lính đi tìm đồng đội, đồng chí ngã xuống năm xưa...
Linh tính... Trong những chuyến đi tìm mộ liệt sĩ, đối với ông Tư Ẩn, lần tìm mộ liệt sĩ Phạm Việt Đường, quê Kim Bảng - Hà Nam, hy sinh trong một trận đánh ở chiến trường Tây Ninh là đáng nhớ nhất.
|
Bình luận (0)