xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vật vã vì mặn, hạn

Nhóm phóng viên ĐBSCL

Tại ĐBSCL, mặn xâm nhập, khô hạn tiếp tục hoành hành trên diện rộng. Mùa màng đang bị đe dọa hư hại, thảm họa cháy rừng luôn rình rập

Theo số liệu đo mặn qua nhiều năm của Hội Đập lớn VN, tình trạng xâm nhập mặn toàn vùng ĐBSCL tăng dần từ tháng 2 đến 4 và đầu tháng 5. Từ khoảng tháng 2 hằng năm, lưu lượng nước từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về ĐBSCL qua hai nhánh sông Tiền, sông Hậu tương đối nhỏ và nhỏ nhất vào tháng 4, trong khi độ dốc lòng sông nhỏ; sông rộng, sâu; địa hình bằng phẳng tạo điều kiện thuận lợi cho nước mặn xâm nhập sâu vào sông rạch và nội đồng.

img
Nguồn nước tại các con kênh nội đồng ở Bạc Liêu hiện đã cạn kiệt. Ảnh: Khánh Châu  


Nguy cơ mất trắng hàng trăm ngàn hecta lúa


Theo ghi nhận của chúng tôi, trên kênh Vĩnh Tế và khu vực đầu kênh Võ Văn Kiệt (kênh T5 cũ), và kênh Tám Ngàn vào những lúc nước kiệt đã có hiện tượng bị nước mặn, nước lợ xâm nhập. Tại xã Bình Thành, huyện Thoại Sơn - An Giang giáp ranh xã Tân Kiên, huyện Tân Hiệp - Kiên Giang cũng đã xuất hiện tình trạng xâm nhập mặn.

Ông Trần Văn Chiến, người dân xã Bình Thành, nhận định: “Theo kinh nghiệm của tôi, với tình hình nắng hạn gay gắt lại không có mưa trái mùa như năm nay, chắc chắn nước mặn sẽ tràn sâu vào địa phận tỉnh An Giang vài cây số”. Trong khi đó, tại các huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận của tỉnh Kiên Giang, nước mặn đang đe dọa một diện tích lớn đất trồng lúa.


Theo thông báo của ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu, hiện nước mặn đã xâm nhập nội đồng từ hướng tỉnh Sóc Trăng. Triều cường biển Tây đang ở mức cao đã đẩy khối nước mặn từ kênh Ngan Dừa qua ngã tư Ninh Quới và vượt qua ranh giới Bạc Liêu - Sóc Trăng xâm nhập kênh Nàng Rền thuộc huyện Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng và vùng ngọt của tỉnh Bạc Liêu. Độ mặn đo ngày 24-3 trên kênh Nàng Rền là 3,2%o.

Hiện Bạc Liêu còn khoảng 24.000 ha lúa đông xuân đang trổ bông có nguy cơ bị mất trắng nếu bị nước mặn tràn vào. Ông Lương Ngọc Lân, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, Trưởng Ban điều tiết nước của tỉnh, cho biết trước đó, vào tháng 2, địa phương này đã bị hai đợt xâm nhập mặn, ảnh hưởng đến hàng ngàn hecta lúa đông xuân.


Do ảnh hưởng của gió chướng, độ mặn trên các sông chính ở tỉnh Trà Vinh biến đổi và tăng mạnh theo hai hướng sông Tiền, sông Hậu. Độ mặn đo được trong tuần qua tiếp tục xâm nhập sâu vào đất liền trên 50 km và cao hơn cùng kỳ năm 2009 khoảng 5,4%o.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh Trà Vinh, trong những ngày đầu tháng 4, tình hình xâm mặn tiếp tục diễn ra, ăn sâu đến Cầu Quan trên sông Hậu (độ mặn từ 8,5%o - 9,5%o), sông Cổ Chiên tại vàm Trà Vinh (độ mặn  từ 7%o - 8%o) có khả năng gây bất lợi cho vườn cây ăn trái, nhất là việc điều tiết nước cho nông dân chuẩn bị xuống giống lúa vụ hè thu năm 2010.

img
Một người dân ở An Giang đang thẫn thờ vì đồng khô nứt nẻ, không thể gieo trồng được. Ảnh: Ngọc Trinh

Cháy rừng khắp nơi


Vào những ngày này, vùng Bảy Núi – An Giang nắng như đổ lửa. Cả khu vực đồi núi bị bao phủ một màu cháy úa, khô khốc. Nằm trong dãy Thất Sơn, núi Phú Cường (xã An Nông, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) là nơi chịu đựng khô nhanh nặng nề nhất và nguy cơ cháy cao nhất toàn vùng. Thế nên, từ đầu mùa khô đến nay, khu vực này liên tiếp xảy ra hơn chục vụ cháy rừng.


Trước Tết Nguyên đán, chỉ riêng núi Nhọn, thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên đã xảy ra 4 vụ cháy thiêu rụi hơn 5.000 m2 rừng, trong đó phần lớn là cây lâu năm. Đến ngày 16-2, thêm một đám cháy bùng phát ở khu vực chùa Hang, núi Cô Tô, xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.

Chiều tối 13-3, xảy ra đám cháy tại đồi 3 núi Phú Cường, hai ngày sau tại ngọn núi này lại thêm một vụ cháy khá lớn. Hơn 300 người dân cùng kiểm lâm với nhiều dụng cụ, máy bơm nước “chiến đấu” trong nhiều giờ mới ngăn được lửa cháy lan. Có đến hơn 7.000 m2 rừng bị thiệt hại trong vụ cháy này.

Theo Hạt Kiểm lâm Tịnh Biên, tại khu vực núi Bà Vải, Sóc Rè, Núi Cấm đã xảy ra 3 vụ cháy nhỏ, được người dân phát hiện, dập tắt kịp thời.


Ngày 18-3, tại Lâm trường Hòn Đất (xã Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất - Kiên Giang) đã xảy ra vụ cháy rừng nghiêm trọng. Ngọn lửa bất ngờ bùng phát và cháy lan ra cả tán rừng rộng lớn. Do thời tiết khô hanh, lửa vẫn cháy âm ỉ, mãi đến hơn 23 giờ hôm sau mới được dập tắt hoàn toàn, làm thiệt hại 300 ha tràm, bạch đàn.

Trước đó, tại huyện đảo Phú Quốc cũng xảy ra vụ cháy tại khu vực vùng đệm, rừng quốc gia Phú Quốc. Để hạn chế nguy cơ cháy từ bên ngoài, nhất là từ khách du lịch, tỉnh Kiên Giang vừa ra quyết định đóng cửa rừng U Minh Thượng. Vườn Quốc gia U Minh Thượng hiện cũng đặt trong tình trạng báo động cao và phải bảo vệ nghiêm ngặt vùng lõi hơn 8.000 ha.


Tại Cà Mau, từ ngày 28 đến 31-3 đã liên tiếp xảy ra 3 vụ cháy rừng làm thiệt hại hàng chục hecta rừng của dân và Phân trường U Minh I của Công ty Lâm nghiệp U Minh Hạ... 


Không thể kiểm soát !

Huyện An Biên - Kiên Giang có 7.736 ha trồng lúa kết hợp xen tôm quảng canh. Trong đó, tại khu vực ấp Yên Quí, Yên Bình, xã Nam Yên của huyện An Biên, một số hộ dân phá vỡ quy hoạch, trong vụ lúa vẫn thả nuôi tôm khiến tình trạng xâm nhập mặn có nguy cơ lây lan trên diện rộng.

“Năm nào cũng xảy ra tranh chấp “lúa - tôm”, “mặn - ngọt” tại khu vực này nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Về lâu dài, việc phá vỡ quy hoạch có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của người dân trong khu vực do không thể kiểm soát, quản lý được tình hình xâm nhập mặn” - bà Lê Hoàng Oanh, Phó Phòng NN-PTNT huyện An Biên, nói.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo