Trước đây, tôi đã từng làm quản lý nhân sự ở một vài công ty tư nhân nên hiểu được phần nào nguyên nhân khiến người lao động (NLĐ) không gắn bó dù doanh nghiệp (DN) dùng đủ “chiêu” để thu hút. Ở đây, tôi chỉ đề cập vấn đề đối nhân xử thế giữa những chủ thể trong quan hệ lao động.
Cái tình bị xem nhẹ
Khi còn làm việc tại Công ty L. (quận Phú Nhuận- TPHCM), có lần tôi đề xuất tăng lương cho một số cán bộ “khung”. Đây là những người đã gắn bó, có thể nói là đã vào sinh ra tử, góp phần gầy dựng thanh danh của công ty kể từ những ngày đầu thành lập. Thế nhưng, lúc đó, giám đốc điều hành đã từ chối.
Lý do ông đưa ra là: “Không nên tạo cơ hội cho họ trở thành kiêu binh. So với số đông nhân viên thì mức lương của họ như vậy là ưu đãi rồi”. Tôi còn nhớ, đó là vào khoảng năm 2007. Thay vì tăng lương cho anh em thì giám đốc đã dùng số tiền ấy để mua cho mình một chiếc mô tô phân khối lớn có một không hai ở đất Sài Gòn. Kết quả là, sau đó hầu hết cán bộ chủ chốt của công ty đã rũ áo ra đi để thành lập công ty riêng. Giờ họ lại trở thành đối thủ đáng gờm của chính công ty cũ của mình.
DNTN Bánh kẹo Á Châu chăm sóc tốt đời sống công nhân. Trong ảnh: Hội thi tay nghề tại đơn vị. Ảnh: HỒNG ĐÀO
Trường hợp thứ hai xảy ra tại một công ty có hơn 2.000 lao động ở quận Tân Bình- TPHCM. Tôi có thể khẳng định tập thể lao động của công ty là một tập thể tốt. Họ đã làm việc không quản ngày đêm trong những đợt giao hàng gấp để không chậm tiến độ, để bảo đảm uy tín của công ty với khách hàng trong và ngoài nước.
Dù vất vả như thế nhưng họ cũng chỉ được trả những đồng lương còm cõi, đói khát. Khi giá cả gia tăng, công nhân kiến nghị thì công ty lại tăng lương nhỏ giọt vài chục ngàn đồng. Trong khi đó, giám đốc và vợ con ông hết đi du lịch châu Âu, châu Mỹ lại sắm xe đời mới, du thuyền... Hậu quả là, cứ mỗi lần ăn Tết xong, công ty lại mất tròm trèm cả ngàn lao động; sản xuất bị ảnh hưởng, khách hàng than phiền, cắt hợp đồng...
Đừng trách công nhân
Với đồng lương quá thấp, điều kiện sống khó khăn thì những người chủ DN không có lý do gì để kêu gọi NLĐ gắn bó, đồng cam cộng khổ. Đó là lý do vì sao những DN khác chỉ cần trả lương cao hơn vài chục ngàn đồng, NLĐ đã có thể “nhảy” việc. Bởi với họ, vài chục ngàn đồng là đã có thể sống được đôi, ba ngày.
DN không nên trách NLĐ đứng núi này trông núi nọ mà hãy nhận thức sâu sắc hơn về quy luật “nhân-quả”: Gieo gì thì sẽ gặt nấy.
Vậy nên, muốn có đội ngũ lao động tận tụy, gắn bó, trước tiên DN phải xây dựng chính sách lao động tốt. Những ông chủ, bà chủ hãy bỏ ra đôi ngày đến với công nhân, sống cuộc sống của họ để hiểu rằng những bữa ăn thừa mứa, những cuộc vui đình đám của mình, những tiện nghi đắt tiền mà mình đang sử dụng... là những thứ đã được vắt ra từ mồ hôi những người thợ.
Để có những vụ mùa tốt thì nông dân đã biết chăm chút những mảnh ruộng của mình; phải tưới nước, bón phân... Đối với đội ngũ lao động trong nhà máy cũng vậy. Để họ lao động với năng suất, chất lượng, hiệu quả, yêu nghề thì trước tiên, họ phải được no đủ, được đối xử công bằng. Các chủ DN đừng bao giờ nghĩ rằng mình ban ơn cho NLĐ mà hãy nghĩ họ là người ơn của mình. Có “ngộ” được như vậy thì mới không còn tình trạng đối xử bạc bẽo với “người ơn” như thường thấy hiện nay.
Công nhân là vốn quý Có dịp ra nước ngoài, mà không đâu xa, chỉ ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, tôi thấy công nhân rất gắn bó với công ty của mình. Họ coi công ty là gia đình thứ hai, coi sự thành công hay thất bại của công ty là việc của bản thân mình nên luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, luôn tìm tòi sáng kiến để công việc ngày càng tốt hơn và sẵn sàng chia sẻ với chủ những khi khó khăn. |
Mời tham gia diễn đàn: Giải bài toán lao động cho TPHCM TPHCM - trung tâm kinh tế lớn nhất của đất nước - đang đối mặt với vấn đề nan giải: Thiếu trầm trọng lao động ở tất cả các cấp độ: lao động quản lý, lao động kỹ thuật, đặc biệt là lao động phổ thông. Trước tình hình này, Báo Người Lao Động đã đặt vấn đề “TPHCM khát nhân lực” và nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc.
|
Bình luận (0)