xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Công nhân vẫn bức xúc

Bài và ảnh: Nam Dương

Công ty liên tục tăng định mức, buộc công nhân phải làm kiệt sức nhưng lại không muốn tăng lương...

Sáng 7-4, cuộc ngừng việc của hơn 18.000 công nhân (CN) Công ty Pouchen VN (chuyên gia công giày cho hãng Nike, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) đã bước sang ngày thứ 6 và chưa có dấu hiệu kết thúc. Ngoài yêu sách đòi tăng lương hằng năm, cải thiện bữa ăn, trả lương những ngày ngừng việc, CN còn phản ứng với cách cư xử của một số cán bộ quản lý của doanh nghiệp.

img
Công nhân Công ty Pouchen VN vẫn tiếp tục ngừng việc trong ngày 7-4


Vắt kiệt sức công nhân


Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều CN “kể khổ”: Công ty liên tục tăng định mức lao động khiến CN phải làm “hụt  hơi”. Một số công đoạn trước đây được khoán định mức cho 3 người nhưng nay chỉ còn 2 người; có công việc hiện nay chỉ một CN làm, thay vì 2 người như trước nhưng lương không hề tăng. Cán bộ quản lý thì liên tục la mắng CN để ép phải đạt sản lượng. Chị N.T.L, CN xưởng may, bức xúc: “Nhiều khi chúng tôi không dám đi vệ sinh, bởi lẽ đi về xong là hàng ùn đầy trước mặt, làm tối tăm mặt mũi. Nhiều người bị bệnh cũng không dám xin nghỉ”. Làm cực nhọc như thế nhưng bữa ăn của CN Công ty Pouchen VN chỉ có 4.000 đồng/suất. Nhiều nữ CN kể lại đến bữa ăn, vừa đói vừa mệt, nhìn suất ăn mà “ngán ngược” nhưng vẫn phải gắng gượng nuốt cho xong bữa để lấy sức làm việc.


Phía Công ty Pouchen VN đã nhìn nhận việc quản lý la mắng CN là có thật và hứa sẽ “chấn chỉnh, có biện pháp giáo dục những chủ quản hoặc cán bộ vi phạm”. Riêng chất lượng bữa ăn, công ty cho rằng sẽ cùng CĐ cơ sở thảo luận và có biện pháp kiểm tra để cải thiện bữa ăn cho CN. Đáng nói, từ ngày xảy ra ngừng việc, giám đốc công ty không hề ra mặt đối thoại giải quyết những kiến nghị của CN mà chỉ ủy quyền cho những người khác trả lời. Đây cũng là điều khiến cho CN giận dữ vì cho rằng bị coi thường. Một cán bộ CĐ TP Biên Hòa nhìn nhận: “Rõ ràng những bức xúc của CN đã không được lãnh đạo công ty lắng nghe và giải quyết kịp thời. Chính vì thế, hầu hết những kiến nghị của CN đã không được giải quyết thấu tình, đạt lý”.


Nhượng bộ... từng phần


Cũng trong sáng 7-4, bà Lê Thị Mỹ Phượng, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đồng Nai, đã có văn bản gửi Công ty Pouchen VN thừa nhận việc Sở LĐ-TB-XH đóng dấu vào quy chế trả lương của công ty trong đó ghi “trong 24 tháng nếu Chính phủ không điều chỉnh lương tối thiểu thì công ty sẽ nâng bậc lương theo thang, bảng lương đã đăng ký” là chưa phù hợp. Bà Phượng đề nghị công ty trao đổi với CĐ cơ sở để sửa đổi quy chế trả lương. Trên cơ sở này và qua buổi làm việc với đoàn công tác của TP Biên Hòa, Công ty Pouchen VN đã đồng ý sửa đổi quy chế nâng lương cho CN.

Theo đó, kể từ ngày 1-4, CN đã làm việc đủ 2 năm kể từ ngày nâng lương lần trước sẽ được nâng 2 bậc lương. Đây là một bước nhượng bộ  bởi lẽ trước đó, ngày 6-4, Công ty Pouchen VN chỉ đồng ý tăng một bậc lương cho những CN làm từ đủ một năm trở lên; còn những người làm lâu năm hơn thì không được nâng lương. Điều này gây bức xúc cho số đông CN làm việc lâu năm tại công ty.


Một yêu cầu quan trọng khác của CN là được trả lương những ngày ngừng việc vẫn chưa được giải quyết triệt để. Phía Công ty Pouchen VN vẫn giữ quan điểm chỉ trả lương cho những CN có điểm danh, còn những CN không điểm danh thì xem là nghỉ không lương hoặc nghỉ phép năm (không trừ tiền chuyên cần). Thế nhưng CN lại cho rằng họ ngừng việc vì bị xâm phạm quyền lợi. Đây là lỗi của công ty nên CN phải được trả lương đầy đủ.


Đến chiều 7-4, do phần đông CN đã bỏ về nên dự kiến sáng nay (8-4), đoàn công tác của TP Biên Hòa sẽ tiếp tục đến công ty để thông báo các nội dung giải quyết của công ty và đề nghị CN trở lại làm việc. Những vấn đề còn bức xúc sẽ được CĐ cơ sở tiếp thu và phối hợp công ty để giải quyết.

Lợi nhuận kếch xù!


Một đôi giày Nike bán ở thị trường châu Âu, Bắc Mỹ và các nước có giá không dưới 100 USD. Tuy nhiên, theo giám đốc kinh doanh một doanh nghiệp chuyên gia công giày cho Nike tại KCX Linh Trung 1- TPHCM, giá xuất xưởng một đôi giày tại VN chỉ từ 8 USD đến 12 USD, cao nhất cũng chưa đến 15 USD. Trong giá thành này, chi phí nguyên liệu, phí quản lý, khấu hao máy móc thiết bị... chiếm hơn 90%. Phần còn lại hơn 1 USD là giá nhân công! Các nhà đầu tư nước ngoài đã thu được những khoản lợi nhuận kếch xù từ mồ hôi những người lao động nghèo khó. Thế mới biết, những người thợ VN làm việc trong các nhà máy gia công giày - thường được gắn mác là các “nhà thầu phụ” như Pouchen VN - đã bị bóc lột thậm tệ như thế nào.


Sự việc xảy ra tại Pouchen VN một tuần qua và rất nhiều năm trước đây, cho thấy việc trả công lao động không tương xứng vẫn là mấu chốt của vấn đề làm mất ổn định trong quan hệ lao động; là nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp. Những cuộc tranh chấp lao động như vậy sẽ không bao giờ có điểm dừng nếu các nhà đầu tư không bớt đi lòng tham...

L.Thủy

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo