. Phóng viên: Nổi như cồn khi viết khá nhiều sách về đề tài đồng tính, vì sao anh lại quyết định chuyển sang đề tài lịch sử?
- Nhà văn Bùi Anh Tấn: Tôi đã viết quá nhiều đề tài đồng tính (tác phẩm đầu tiên Một thế giới không đàn bà của anh đã nhận được nhiều giải thưởng, sau đó là hàng loạt tác phẩm viết về thế giới thứ ba như Les-Vòng tay không đàn ông, Cô đơn, Phương pháp A.C Kinsey... - PV).
Có cảm giác như tôi đã rào một thửa đất cho riêng mình và đã khai phá hết. Khi người ta đã đi quá lâu trên một con đường dài, họ cần có một ngã rẽ.
Tất cả những gì chia sẻ được với nỗi đau chôn giấu của những người thuộc thế giới thứ ba tôi đã sẻ chia rồi. Giờ là lúc tôi tìm đường đi mới cho mình, dù biết đó là một con đường đầy chông gai. Viết được về lịch sử là một nỗ lực hết mình của người cầm bút.
. Anh có sợ mình không đủ sức vượt qua những chông gai như anh nói, khi chạm bút vào một đề tài vốn không dễ dàng gì?
- Từ nhỏ, tôi đã thích đọc lịch sử, đọc say mê như một nhu cầu tìm hiểu tự thân, các sự kiện, các nhân vật cứ ngày càng đầy lên và nằm trong trí nhớ của tôi.
Có những điều sử sách ghi chép rất rõ ràng, cụ thể thì ai cũng biết rồi nhưng đằng sau đó còn có rất nhiều bí mật, những ẩn tình mà không phải ai cũng hiểu.
Tôi trân trọng lịch sử, khi viết, tôi vẫn tôn trọng vẹn nguyên các sự kiện, dựa trên nền lịch sử để khắc họa nhân vật. Khó nhất là phải xử lý một khối lượng kiến thức khổng lồ không dễ kiểm soát.
Khi viết về Nguyễn Trãi, tôi đã phải làm một “sớ táo quân”, ghi lại ngày tháng sự kiện trong cuộc đời của Nguyễn Trãi, thậm chí là các triều đại trước và sau nhà Lê để có được một cái nhìn toàn diện hơn về thời Nguyễn Trãi đã sống, rồi lần theo đó mà viết.
Nhà văn Bùi Anh Tấn (ảnh do nhân vật cung cấp)
. Vì sao anh chọn Nguyễn Trãi- như là một nhân vật khởi đầu cho “con đường tiểu thuyết lịch sử” của anh?
- Tôi muốn chọn một người lỗi lạc, có nỗi đau, có những ưu tư và cao cả hơn là cuộc đời sẽ mãi mãi lưu danh thiên cổ. Nguyễn Trãi có một cuộc đời quá bi hùng, cả dòng họ ông mang một nỗi đau, mất mát quá lớn lao. Tôi cũng muốn mượn lời Nguyễn Trãi để nói về hình tượng người anh hùng. Anh hùng vì đại nghĩa cứu người nhưng anh hùng cũng mang một trái tim với đầy đủ cung bậc cảm xúc như một người bình thường.
. Trong tác phẩm này, anh đưa quá nhiều nhân vật, sự kiện vào tác phẩm mà không sợ độc giả sẽ… ngán sao?
- Bạn bè văn chương của tôi hay phàn nàn đọc sách tôi viết sao quá nhiều tư liệu, nhưng tôi vốn tính “ôm đồm” nên không muốn bỏ mất, để lỡ một sự kiện, một nhân vật phụ nào xoay quanh nhân vật chính vào thời đại đó.
Văn chương không giống như sách sử, tôi luôn cố gắng làm cho các nhân vật của mình sống như chính cuộc đời họ trong tác phẩm văn học. Để ít ra, khi độc giả tiếp cận tác phẩm, họ sẽ có một cái nhìn toàn diện hơn không phải chỉ về nhân vật Nguyễn Trãi mà còn về một triều đại trong lịch sử.
. Bao nhiêu năm cắm cúi đi cùng con chữ, anh nghiệm ra điều gì cho cuộc sống riêng mình?
- Tôi thấy mình... cô đơn, bằng chứng là đến giờ tôi vẫn sống một mình đây. Thật ra ai đến với văn chương cũng đều hiểu rằng cái nghề viết vừa cô đơn vừa nghiệt ngã. Nhiều lúc tôi viết mà phải tự động viên mình.
Tôi vốn không chọn văn chương làm nghề của mình nhưng văn chương lại tìm tôi, như là một sự lựa chọn của số phận. Đường dài, mình cứ đi để nhìn thấy sức mạnh và sự kiên định của chính mình đến đâu.
Chỉ cách đây 3 năm thôi, nhiều lúc tôi thấy mình vội vã, lâu lâu không có tác phẩm là bắt đầu sợ bị quên. Bây giờ, tôi thấy mình trầm tĩnh và an nhiên rồi. Danh vọng, vật chất hay những lời tung hô đều chỉ là phù du. Hãy sống hết mình với niềm say mê và quên đi những bèo bọt của cuộc sống xung quanh mình mới là điều cần hướng tới. Tôi bây giờ viết là để say mê và để khám phá chính mình.
Bìa sách Nguyễn Trãi - Oan khuất
. Anh sẽ chọn nhân vật lịch sử nào tiếp theo sau Nguyễn Trãi?
- Quyển 2 của bộ tiểu thuyết lịch sử về nhân vật Nguyễn Trãi đã được hoàn thành, đang chờ ngày xuất bản. Tôi cũng đang hoàn chỉnh bản thảo một tiểu thuyết về lịch sử tôn giáo. Đề cương tác phẩm về 3 nhân vật: Thái hậu Dương Vân Nga, nguyên phi Ỷ Lan và Lý Chiêu Hoàng cũng đã xong.
Tôi luôn muốn mình làm được thật nhiều. Người viết văn cũng giống như những người đang cặm cụi leo lên núi, leo hoài mà chẳng thấy đỉnh ở đâu. Bởi có bao giờ nhà văn tự hài lòng, mãn nguyện với một tác phẩm dù được xem là đỉnh cao của mình. Tôi hy vọng khi tôi mất đi, tác phẩm của tôi sẽ còn ở lại với đời.
Tiếng nói của người anh hùng Hơn 10 năm cầm bút, nhà văn – thiếu tá Bùi Anh Tấn đã cho ra mắt độc giả 15 tác phẩm mà đa phần trong số đó là những cuốn sách “tạo sóng” trên văn đàn. Anh vừa xuất bản tác phẩm Nguyễn Trãi – Oan khuất (NXB Thanh niên).
|
Bình luận (0)