icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Miệt mài viết nhạc ở tuổi 82

Bài và ảnh: Yến Anh

Nhạc sĩ Văn Ký - tác giả của Bài ca hy vọng - vẫn miệt mài sáng tác, dù đã ở tuổi 82. Ông vẫn hóm hỉnh, vui tươi và đặc biệt là rất mẫn tiệp

Trong số những ca khúc mới sáng tác trong dịp kỷ niệm Thăng Long- Hà Nội ngàn năm, Bay lên Việt Nam có lẽ là ca khúc được nhạc sĩ yêu mến và tâm đắc nhất. Qua hai giọng ca Trọng Tấn - Mai Trang, giai điệu hùng tráng, dịu dàng và lãng mạn bỗng vút lên mở ra một bầu trời lớn của tự do và khát vọng vươn lên của người dân Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung (Bay qua đêm tối đói nghèo/ Trái tim Việt Nam thủy chung trong sáng/ Tình yêu chứa chan...).

img
Nhạc sĩ Văn Ký


Hà Nội là máu thịt


Trong gia tài trên 400 ca khúc của mình, nhạc sĩ Văn Ký có khoảng 15 ca khúc viết về thành phố ngàn năm này: Kỷ niệm mùa thu, Đôi bờ mùa thu, Sông Hồng reo ca, Hà Nội Matxcơva, Tiếng hát sông Hồng, Hà Nội nhớ, Hương hoa sữa...


Có quá nhiều ca khúc nổi tiếng, thậm chí là bất hủ viết về Hà Nội nhưng nhạc sĩ Văn Ký bảo ông cũng tự hào đã góp một ca khúc vào danh sách ấy, đó là Trời Hà Nội xanh (Xanh xanh thắm bầu trời xanh Hà Nội/ Hồ Gươm xanh như mái tóc em xanh/ Thân thương quá nụ cười người Hà Nội/ Đã gặp rồi mà bồi hồi nhớ mãi, Hà Nội ơi!...).

Một thời gian dài, cùng với hai ca khúc khác, Trời Hà Nội xanh được coi như nhạc hiệu của Đài PT-TH Hà Nội. Nhạc sĩ Văn Ký bảo mỗi khi đặt bút viết về Hà Nội, ông thường viết rất nhanh vì tình yêu Hà Nội đã thấm đẫm trong tâm hồn ông tự bao giờ.

Quê gốc ở Nam Định nhưng Hà Nội mới là mảnh đất đã cho ông sự nghiệp, cho ông hạnh phúc. Tất cả những sáng tác quan trọng nhất của nhạc sĩ Văn Ký đều được viết trên vùng đất ngàn năm văn hiến này.


Hơn nửa thế kỷ chứng kiến bao thăng trầm lịch sử của Hà Nội, Văn Ký tâm sự ông yêu nhất Hà Nội ở vẻ đẹp sâu lắng đầy chất thơ, yêu vì Hà Nội đẹp không phô trương mà luôn chứa đựng hồn dân tộc.

Cuộc đời ông may mắn được trải qua nhiều biến cố lịch sử nên ông có được những cảm xúc mãnh liệt khi chứng kiến sự khốc liệt của chiến tranh cũng như niềm vui cực độ của ngày giải phóng.

Trước Trời Hà Nội xanh, Văn Ký từng có một ca khúc khác về Hà Nội là Hà Nội mùa xuân, bài này ông cũng chỉ viết trong vài giờ vì một câu nói của người đẹp Sài thành lúc bấy giờ, ca sĩ Thanh Lan.

Năm 1979, Thanh Lan ra Hà Nội, gặp nhạc sĩ, cô bảo “em đã hát về nhiều nơi nhưng chưa bao giờ được hát về Hà Nội”. Trở về sau cuộc gặp, Văn Ký ngồi vào bàn viết “Gửi về anh người trai Hà Nội... Trái tim em vời vợi nhớ thương”... Sáng, ông đưa bài hát cho Thanh Lan tối, cô đã biểu diễn ca khúc này đầy cảm xúc trên sân khấu Nhà hát Lớn và được khán giả hết sức khen ngợi.

Hà Nội mùa xuân sau này được nhiều người hát lại nhưng ấn tượng nhất với nhạc sĩ Văn Ký chính là đêm diễn xuất thần của Thanh Lan.


Chưa sơ kết được cuộc đời âm nhạc


Ở tuổi 82, nhạc sĩ Văn Ký vẫn luôn hóm hỉnh, vui tươi và đặc biệt là rất mẫn tiệp. Sáng sáng, ông tập yoga để có một sức khỏe dẻo dai. Ông bảo, hai mươi năm trước, ông đã phải mổ cắt đi một phần dạ dày, bác sĩ khi ấy đã nói có tế bào lạ rồi.

Thế rồi, ông tập yoga theo phương thức của người Ấn Độ, tập bền bỉ hằng ngày. Kết quả là bệnh dạ dày hết và ông càng ngày càng khỏe. Ở tuổi ngoài 80, ông vẫn có thể ngồi ô tô sang Lào, bay tới Pháp mà không hề bị ù tai, vẫn hằng ngày ngồi vào bàn sáng tác.

Không chỉ sáng tác, Văn Ký còn dành thời gian tìm tòi những nhạc sĩ trẻ tài năng. Ông bảo, trong số những nhạc sĩ trẻ gần đây, ông thực sự thích Hồ Hoài Anh, âm nhạc của Hoài Anh thấm đẫm chất dân tộc nhưng cũng rất hiện đại. Với ông, tương lai của nhạc sĩ trẻ này sẽ còn rộng mở với tư duy âm nhạc mới mẻ. 


Hỏi ông, ở vào tuổi này, ông còn điều gì thấy tiếc vì mình chưa làm được không, nhạc sĩ cười: “Có lẽ là một cuộc sơ kết cuộc đời âm nhạc của mình. Nhưng tôi thấy cũng chưa vội lắm đâu vì tôi còn muốn đi nhiều, sáng tác nhiều. Giờ tôi viết nhanh lắm, chỉ cần cảm xúc vụt đến là có tác phẩm mới”.

Đến với âm nhạc vì thất tình


Ít người biết nhạc sĩ Văn Ký đến với âm nhạc rất tình cờ. Lý do đưa tác giả của Bài ca hy vọng, Ôi Nha Trang mùa thu lại về, Trời Hà Nội xanh... đến với sự nghiệp âm nhạc lại là vì... thất tình.

Năm 1946, anh huyện đội trưởng huyện Nông Cống, Thanh Hóa bất ngờ gặp gỡ cô thiếu nữ Hà thành xinh đẹp theo cha mẹ tản cư về vùng quê này. Yêu nhau, nhưng rồi theo thời cuộc, cô thiếu nữ lại cùng cha mẹ trở về thủ đô, bỏ chàng trai ở lại.

Vào một đêm cô đơn tột cùng, chàng trai Văn Ký đã viết bài hát Trăng xưa, dù lúc ấy ông không hề biết nhạc. Văn Ký cười hóm hỉnh bảo: “Thất tình thật sự là cơ duyên”.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo