Ghi nhận của Báo NLĐ tại nhiều tỉnh, thành trong ngày 14-5 cho thấy tình trạng trên đang diễn ra ngày càng căng thẳng, cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Những ngày nắng nóng, trẻ em mắc bệnh nhiều. Trong ảnh: Bệnh nhi chờ khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội). Ảnh: NGỌC DUNG
Sản xuất điêu đứng
Nắng nóng đã đẩy tình trạng khô hạn ở các tỉnh ĐBSCL lên cao điểm. Hàng chục ngàn hộ dân thiếu nước ngọt sinh hoạt, hàng ngàn hecta cây ăn trái, hoa màu... thiếu nước tưới. Đáng chú ý, vườn dâu Cái Tàu (khoảng 15 ha) ở xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau năm nay thất thu hoàn toàn. Ông Nguyễn Quốc Tuấn, chủ nhà vườn ở ấp 3, xã Nguyễn Phích, cho biết: “Mùa rồi, với hơn 500 gốc dâu trong vườn, gia đình tôi thu về hơn 30 triệu đồng nhưng năm nay thì trắng tay.
Không riêng gì gia đình tôi, những nhà vườn ở đây đều bị mất mùa dâu”. Chị Ngô Thị Út ở ấp 2, xã Nguyễn Phích, có vườn dâu khoảng 1 ha với hơn 80 gốc dâu vàng và 300 gốc dâu xanh nhưng không bán được trái nào, thất thu nặng. Theo các nhà vườn, vườn dâu Cái Tàu năm nay mất mùa là do nắng hạn.
Trong khi đó, nhiều vườn cà phê, hồ tiêu của nông dân ở các huyện Châu Đức, Tân Thành, Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng lâm vào tình trạng khô héo hoặc chết rụi vì khô hạn. Anh Phạm Hân, ở huyện Châu Đức, cho biết hàng trăm hecta cà phê ở địa phương chỉ còn trông chờ vào mưa để cứu hạn vì lượng nước ngầm năm nay giảm khoảng 80% nên không thể đáp ứng được nhu cầu từ 500 đến 600 lít/gốc/lần tưới theo chu kỳ 30 ngày tưới một lần.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu ở xã Hắc Dịch, huyện Tân Thành, bình quân 1 ha đất trồng cà phê, hồ tiêu, nông dân phải đầu tư khoảng 30 triệu đồng tiền phân bón, chưa kể chi phí nhân công. Với thời tiết nắng nóng, khô hạn khắc nghiệt như hiện nay, nông dân ai cũng lo ngay ngáy vì khó tránh khỏi cảnh tay trắng.
Tại miền Trung, nắng nóng khủng khiếp từ Nghệ An đến Bình Định với nhiệt độ phổ biến khoảng 36°C - 39°C, cá biệt có nơi lên tới 40°C, đã khiến nhiều con sông trơ đáy. Tổng diện tích 10.000 ha lúa vùng hạ lưu sông Vu Gia của tỉnh Quảng
Bệnh nhi nằm kín bệnh viện
Ngày 14-5, bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh truyền nhiễm quốc gia, cho biết những ngày qua bệnh viện đã tiếp nhận nhiều bệnh nhi bị sốt phát ban, viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết và viêm tiểu phế quản co thắt nhưng không rõ nguyên nhân. Phần lớn những bệnh nhi này ở TP Hà Nội và các vùng lân cận.
Cũng theo bác sĩ Hà, tuy chưa có bằng chứng nào về bệnh liên cầu khuẩn ở heo lây từ người sang người nhưng từ khi dịch heo tai xanh bùng phát ở nhiều địa phương, số người mắc liên cầu khuẩn cũng tăng theo. Hiện tại, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới quốc gia đang điều trị ba trường hợp mắc liên cầu khuẩn, trong đó có một bệnh nhân bị hoại tử các đầu ngón chân, có nguy cơ phải cắt bỏ.
Tại TPHCM, nắng nóng kéo dài kèm theo một cơn mưa ngắn, bất thường đã khiến nhiều loại dịch bệnh bùng phát. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Bệnh viện Nhi Đồng 2 những ngày qua, số trẻ được đưa đến khám và điều trị các bệnh về hô hấp gia tăng bất thường; khoa hô hấp của các bệnh viện bị quá tải, bệnh nhi nằm đầy hành lang. Khoa Hô hấp - Bệnh viện Nhi Đồng 1 hiện có hơn 200 bệnh nhi điều trị nội trú, trong khi ngày thường có không quá 150 trẻ.
Mỗi ngày, khoa này tiếp nhận khoảng 50 bệnh nhi mới nhập viện. Khoa Hô hấp - Bệnh viện Nhi Đồng 2 mỗi ngày cũng tiếp nhận từ 30 - 40 bệnh nhi vào điều trị. Khoa này chỉ có 70 giường bệnh nhưng số bệnh nhi vào điều trị đã lên đến 120. Theo bác sĩ Trần Thị Thu Loan, Trưởng Khoa Hô hấp - Bệnh viện Nhi Đồng 2, nắng nóng là một trong những nguy cơlàm gia tăng số lượng bệnh nhi mắc bệnh hô hấp, hiện có nhiều ca biến chứng nặng.
Tại Bệnh viện Đà Nẵng, tình trạng tương tự không chỉ khiến gia đình các bệnh nhi mệt mỏi mà bệnh viện cũng nháo nhào lo chỗ nằm và điều trị cho trẻ. Chị Lương Thị Ngọc Ánh (ngụ quận Thanh Khê) cho biết sau vài ngày nắng dữ dội, vừa rồi ở Đà Nẵng có mưa dông khiến con trai của chị - cháu Tạ Văn Kiệt (2 tuổi) - lâm bệnh tức thì với triệu chứng sốt cao, ho liên tục, phải đưa vào Bệnh viện Đà Nẵng để điều trị. Do một giường ở bệnh viện đã phải “gánh” ba bệnh nhân nên không còn chỗ, chị Ánh đành đưa con ra hành lang. Bệnh viện hiện đang đầy ắp trẻ mắc bệnh ho kéo dài, sổ mũi...
Có mặt tại Khoa Nhi - Bệnh viện Đà Nẵng vào trưa 14-5, chúng tôi nhận thấy hầu hết giường bệnh đều đã kín chỗ, giường nào cũng có từ 2 - 3 bệnh nhi nằm chung. Chỉ trong sáng 14-5, bệnh viện tiếp nhận hơn 400 lượt người đến khám và nhập viện, trong đó có nhiều trường hợp bị say nắng, mất nước, một số ca mệt và choáng do nắng.
Theo bác sĩ Lê Thị Thanh Xuân, Trưởng Khoa Nhi - Bệnh viện Đà Nẵng, những ngày qua lượng bệnh nhân bị tiêu chảy, suy hô hấp và sốt siêu vi tăng từ 10% - 15% so với ngày thường, có ngày bệnh viện tiếp nhận điều trị nội trú cho khoảng 600 bệnh nhi, ngày bình thường có từ 350 - 400 trường hợp. Trong khi đó, khoa chỉ có thể điều trị cho khoảng 250 bệnh nhi.
Để trẻ em không mắc bệnh do nắng nóng, các bác sĩ khuyến cáo: Cho trẻ uống nhiều nước, tránh dùng nước đá đường phố vì rất dễ gây tiêu chảy; hạn chế thay đổi đột ngột nhiệt độ cơ thể, như đang đi lâu ngoài nắng bước ngay vào phòng lạnh.
Chen chúc ở bãi tắm Trong những ngày nắng nóng, các bãi biển ở TP Đà Nẵng như Mỹ Khê, Phạm Văn Đồng, Xuân Thiều... đều chật kín người. Theo thống kê sơ bộ của Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển, trung bình mỗi ngày có đến 50.000 người đến tắm. Các dịch vụ “ăn theo” như cho thuê bàn ghế, dù che, lều bạt... tại các bãi biển cũng tranh thủ nâng giá, “chặt chém” khách. Bãi biển Mỹ Khê - Đà Nẵng ngày 14-5 đông kín người. Ảnh: Q.CHÂU
|
Bình luận (0)