GS-TS, nhà nông học Võ Tòng Xuân khẳng định: Nếu hạt thóc đã nảy mầm được thì có thể gieo trồng và sản xuất hàng loạt. Tuy nhiên, theo ông, việc hạt thóc vừa được giới khảo cổ tìm thấy có phải 3.000 tuổi hay không cần có nghiên cứu khoa học nghiêm túc, chính xác.
Những hạt thóc được cho là đã 3.000 tuổi đang nảy mầm (Ảnh do PGS-TS Lâm Thị Mỹ Dung cung cấp)
Phải chờ định tuổi
PGS-TS Lâm Thị Mỹ Dung, Chủ nhiệm Bộ môn Khảo cổ học (Khoa Lịch sử, Trường ĐH KHXH-NV - ĐH Quốc gia Hà Nội), cho biết cách đây hơn một tháng, Trường ĐH KHXH-NV phối hợp cùng Bảo tàng Hà Nội tiến hành khai quật tại khu di chỉ Thành Dền (xã Tự Lập, huyện Mê Linh, TP Hà Nội). Đến đầu tháng 5, trên diện tích 300 m2, ở mặt bằng lớp 8, sâu gần 1 m so với mặt đất, đoàn đã phát hiện nhiều vết tích bếp cổ (hố rác bếp) cùng nhiều hạt thóc và gạo cháy xém ở tầng đất có niên đại 3.000 năm.
Tuy nhiên, điều gây bất ngờ đối với giới khoa học là 10 hạt thóc được tìm thấy tại khu vực khảo cổ đã nảy mầm, đâm lá. Sau đó, nhóm khảo cổ đã chuyển 8 hạt thóc nảy mầm đến Viện Di truyền nông nghiệp (Bộ NN - PTNT) và 2 hạt thóc nảy mầm khác cũng sẽ được đưa tới Viện Lúa của Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội để tiếp tục chăm sóc và nghiên cứu.
Theo PGS-TS Mỹ Dung, sau 5-6 tháng nữa sẽ có kết quả về khả năng tồn tại và trưởng thành của 8 hạt thóc “sống mãi với thời gian” nói trên. Tuy nhiên, hiện các nhà khoa học trong nhóm khảo cổ chưa thể khẳng định chính xác số tuổi của các hạt thóc này vì chương trình khai quật vẫn chưa hoàn tất. Mặt khác, do hạt thóc có kích thước nhỏ nên việc xác định niên đại cần áp dụng phương pháp hiện đại hơn là AMS thay vì phân tích đồng vị phóng xạ carbon. “Chưa thể khẳng định 100% số hạt thóc này đã 3.000 hay 3.500 năm tuổi nhưng với tư cách là người khai quật, tôi khẳng định số hạt thóc được tìm thấy ở tầng đất có niên đại này” - PGS-TS Dung khẳng định.
Nảy mầm được thì sản xuất hàng loạt được GS-TS Võ Tòng Xuân cho rằng hiện giống lúa cất giữ trong nhà bảo quản lạnh (-40°C) cũng chỉ giữ được tối đa 50 năm, còn trong môi trường bình thường thì không nảy mầm được. Tuy nhiên, khi hạt thóc đã nảy mầm và mọc lên được thì sẽ có khả năng trưởng thành và nhân giống để sản xuất hàng loạt, chỉ có điều hạt thóc “thương hiệu” 3.000 tuổi mà ăn không ngon thì cũng khó bán được nhiều như lúa hàng hóa, chỉ có thể làm đặc sản như quà lưu niệm, sản vật địa phương mà thôi.
Theo PGS-TS Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp, cơ quan này đã tiếp nhận và chăm sóc 8 hạt thóc 3.000 tuổi mà các nhà khảo cổ cung cấp. Ông Hàm cho rằng về lý thuyết rất khó xảy ra chuyện hạt lúa 3.000 tuổi mà vẫn nảy mầm. Tuy nhiên, ông Hàm cũng nhìn nhận: “Không thể nhưng không có nghĩa là hạt thóc 3.000 tuổi không có khả năng mọc mầm bởi không loại trừ những hạt thóc này đã được bảo quản trong một môi trường đặc biệt mà hiện tại khoa học chưa chứng minh được”.
Đồng tình quan điểm này, TS Đinh Luyện (Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật VN) cho rằng nhiều giống gien hiện nay được cấy truyền từ nguồn gien rất lâu đời và trong một điều kiện đặc biệt, rất có thể các hạt thóc hàng ngàn tuổi vẫn có thể nảy mầm.
Sẽ giải gien để đối chiếu với lúa hiện đại
|
Bình luận (0)