Trọn buổi sáng 11-6, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã nhận được 25 lượt chất vấn về nhiều vấn đề, song nóng nhất là trách nhiệm của bộ trong việc cho nước ngoài thuê đất trồng rừng, đe dọa đến an ninh quốc gia. Trước những chất vấn “cho ra nhẽ” của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Bộ trưởng Cao Đức Phát không ít lần tỏ ra lúng túng.
Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị): Báo cáo của Chính phủ cho biết 10 tỉnh đã cấp hơn 305.000 ha đất rừng...
18 địa phương cho thuê đất chứ không phải 10
Mở đầu phiên chất vấn là ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái) với câu hỏi thẳng: “Đã có bao nhiêu diện tích đất rừng cho nhà đầu tư nước ngoài thuê? Sắp tới, chủ trương có cho thuê đất nữa không?”. Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết đến cuối năm 2009, đã có 10 địa phương chấp thuận các dự án cho thuê đất với tổng diện tích 305.353 ha. “Thực tế mới giao đất để cho thuê 50 năm là 15.664 ha.
Thông tin đã cho thuê hơn 300.000 ha là thiếu chính xác”- ông Phát nói. Không đồng tình với câu trả lời của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, ĐB Tuyết dẫn chứng báo cáo của Chính phủ cho biết nhiều tỉnh cấp phép đầu tư quy mô vượt quá khả năng thực tế, trong đó có cả đất có chủ, đất rừng tự nhiên.
Cùng mối quan tâm, ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) hỏi: “Các địa phương khẳng định cho thuê đất đúng Luật Đầu tư. Vậy, việc cho thuê đất rừng có cần phù hợp với Luật Đất đai, vấn đề biên giới, an ninh quốc phòng không? Bộ trưởng có tham mưu giải pháp gì cho Chính phủ?” Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định qua kiểm tra ở hai tỉnh, Bộ NN-PTNT thấy các địa phương đã làm đúng luật. Theo ông Phát, đối với trường hợp đã cam kết cho thuê, cần thực hiện đúng quy định pháp luật. Có giấy chứng nhận (GCN) đầu tư cho hơn 300.000 ha không có nghĩa là sẽ giao hết đất. Nếu làm rõ điều kiện cụ thể, thấy vướng điều kiện như đất đã có chủ thì sẽ loại ra.
Chưa thỏa mãn, ĐB Tiến truy tiếp: “Báo cáo Chính phủ cho biết 10 tỉnh đã cấp hơn 305.000 ha là khác với việc chưa cấp. Riêng một công ty của Đài Loan đã được cấp GCN 264.000 ha chứ không phải mới xem xét”. Tiếp lời, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của QH Lê Quang Bình chỉ ra cái sai trong số liệu báo cáo của Bộ trưởng Cao Đức Phát: “Khảo sát của Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho thấy có 18 tỉnh cho thuê đất rừng với tổng diện tích 398.374 ha. Đáng lưu ý là đất cho thuê hầu hết nằm ở khu vực trọng yếu về quốc phòng an ninh, có khu vực là rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn”.
Lúc này, Bộ trưởng Cao Đức Phát lúng túng: “Vấn đề cấp hay không cấp GCN đầu tư nữa thuộc thẩm quyền Chính phủ và QH. Cá nhân tôi trong thời gian này thực hiện nghiêm túc. Tôi nói hơn nữa sẽ vượt quá thẩm quyền”.
Thấy Bộ trưởng Cao Đức Phát nhiều lần trả lời chưa rõ ý, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đề nghị các bộ, ngành liên quan “chia lửa”. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết sẽ cương quyết xử lý như đã xử lý sân golf. Trường hợp đã cấp GCN nhưng vi phạm Luật Đất đai, quốc phòng - an ninh và Nghị quyết 66 của QH đều bị rút giấy phép. “Xử lý như vậy không ảnh hưởng đến môi trường đầu tư”- ông Phúc khẳng định.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát: Thông tin đã cho thuê hơn 300.000 ha đất rừng là thiếu chính xác. Ảnh: Thế Dũng
Không thể nói nông dân có lãi
“Bộ trưởng Cao Đức Phát cầu thị nhưng trả lời chưa rõ ràng, chưa trúng vấn đề”.
Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng |
Chất vấn sắc sảo nhất về nông nghiệp, nông dân vẫn là ĐB Danh Út (Kiên Giang). ĐB này khẳng định giá thu mua lúa hiện chưa tính đúng, tính đủ chi phí sản xuất. “Nếu tính cả tiền thuê đất, mỗi hecta phải “đội” thêm 18 triệu đồng. Giá thu mua của doanh nghiệp là 4.000 đồng/kg nhưng nông dân bán cho thương lái chỉ được 3.600 đồng/kg. Cộng cả chi phí đất, nông dân lỗ 4 triệu đồng/ha”- ĐB Danh Út phân tích.
Bộ trưởng Cao Đức Phát giải trình: “Bảo đảm lãi cho người trồng lúa 30% không có nghĩa là lấy giá thành x 30% để ra giá thu mua. Chi phí sản xuất nhiều mức khác nhau nhưng giá thị trường chỉ có một mức. Giá thu mua lúa của nông dân chỉ có thể tiệm cận giá thế giới nên ở mỗi địa phương, người dân có mức lãi khác nhau. Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh chia sẻ thêm: “Giá thu mua lúa do các địa phương ban hành, Bộ Tài chính chỉ hướng dẫn cách tính. Bộ Tài chính đang đề nghị thành lập quỹ bình ổn giá để bù đắp thu mua, bảo đảm nông dân có lãi”. ĐB Danh Út dứt khoát: “Ba kỳ họp liên tiếp, 3 bộ trưởng đều nói nghị định điều hành xuất khẩu gạo đang trình Chính phủ. Tôi muốn biết khi nào nghị định này được ban hành?”.
Nhận trách nhiệm về Bộ Công Thương, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng phân trần: “Thời gian soạn thảo nghị định phải kéo dài vì đây là vấn đề quan trọng, yêu cầu cao, qua 9 lần chỉnh sửa mới trình lên Chính phủ từ ngày 3-6, hy vọng được chấp thuận”. Theo ông Hoàng, nghị định này sẽ quy định rõ vai trò, trách nhiệm của Hiệp hội Lương thực VN, tránh tình trạng hoạt động vượt thẩm quyền.
Băn khoăn về diện tích đất lúa đang bị thu hẹp, ĐB Nguyễn Lân Dũng (Đắk Nông) hỏi: “Bộ trưởng có suy nghĩ gì khi dự án xây dựng thủ đô mới sẽ có 30.000 hecta đất nông nghiệp biến mất?”, Bộ trưởng Cao Đức Phát đáp: “Để có 1 cm đất canh tác, thiên nhiên phải mất 100 năm. Tôi rất tiếc nhưng đất nước chúng ta cần phải có một thủ đô mới...”.
Kiến nghị rút dự án nhạy cảm
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của QH Lê Quang Bình, Chính phủ sẽ họp để rà soát lại việc cho nước ngoài thuê đất trồng rừng. “Ủy ban sẽ chờ Chính phủ rà soát lại để xem những dự án nào tiếp tục, dự án nào rút giấy phép đầu tư. Nếu dự án tiếp tục được giao mà có ảnh hưởng nghiêm trọng đến quốc phòng - an ninh thì chúng tôi sẽ kiến nghị rút”- ông Bình khẳng định.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết trồng rừng, đầu tư nông nghiệp chúng ta rất khuyến khích. Theo ông Phúc, khe hở của việc cho nước ngoài thuê đất trồng rừng là cho thuê ở những vùng nhạy cảm. “Có những vùng quan trọng về quốc phòng - an ninh mà vẫn cấp phép hay cấp cho một nhà đầu tư quá nhiều diện tích mà không xem xét đến khả năng thực hiện của nhà đầu tư đó”- ông Phúc nói.
Theo Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, số diện tích đất rừng cho nước ngoài thuê như Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của QH Lê Quang Bình nêu là đúng.
P.Dương |
ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương):
Thiếu kiểm tra, nhiều sơ hở
Trả lời của Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh cho thấy nắm được tình hình, thấy rõ những mặt chưa được, nguyên nhân và cũng đã bước đầu nghĩ ra biện pháp khắc phục tồn tại trong lĩnh vực biến tướng lễ hội hiện nay. Tuy nhiên, đi sâu hơn thì sẽ thấy trong phương thức quản lý lễ hội còn nhiều sơ hở. Bộ trưởng nói phân cấp trách nhiệm nhưng lại thiếu kiểm tra việc quản lý lễ hội của địa phương dẫn đến những biến tướng mà bộ không nắm và không ngăn chặn được kịp thời.
ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh):
Không có thay đổi
Suốt nhiều năm qua, tôi đã cố gắng dùng nhiều biện pháp từ gặp gỡ riêng, chất vấn tại QH, gửi chất vấn... về việc phá rừng nhưng đã không có sự thay đổi từ phía Bộ NN-PTNT mà lại còn xuất hiện xu hướng bộ “mở” cho phá rừng ngày một dễ dàng hơn. Bộ đã áp dụng chiêu thức “lách” QH là chuyển rừng đặc dụng sang rừng kinh tế, về bản chất vẫn là “thay máu” rừng đặc dụng. Đáng nói, bộ trưởng không nắm được diện tích rừng còn bao nhiêu, nhất là với diện tích lớn như vậy...
Đây không phải là sự việc xảy ra lần đầu, đơn lẻ mà đã trở thành sai phạm có hệ thống và trái với pháp luật. Tôi đề nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với bộ trưởng Bộ NN-PTNT.
ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội):
Tôi thấy bất an
Tôi thấy bất an khi ở những khu vực nhạy cảm như vậy lại cho doanh nghiệp nước ngoài thuê tới 50 năm. Đến nay, Bộ NN-PTNT mới trong giai đoạn xây dựng quy hoạch phát triển ngành lâm sản. Như vậy là quá chậm, trong đó có trách nhiệm của bộ trưởng.
Thế Dũng ghi |
Bình luận (0)