xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tăng thuế đất vượt hạn mức

Bài và ảnh: Thế Dũng

Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp có hiệu lực từ 1-1-2012. Theo đó sẽ chưa thu thuế nhà ở

Ngày 17-6, Quốc hội (QH) đã biểu quyết thông qua 8 dự luật: Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, Luật Bưu chính, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Người khuyết tật, Luật Nuôi con nuôi, Luật Thi hành án hình sự, Luật Trọng tài thương mại và Luật An toàn thực phẩm.

 
Chưa đánh thuế nhà
 
Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp tác động quan trọng đến đời sống xã hội, đã có 424/434 đại biểu (ĐB) biểu quyết tán thành và có hiệu lực từ ngày 1-1-2012.
 
Luật này quy định chưa thu thuế nhà vì trên thực tế nền kinh tế của ta vẫn chưa ổn định, đời sống nhân dân còn khó khăn, việc áp dụng thuế nhà sẽ tăng thêm nghĩa vụ tài chính cho dân.
 
Giải trình của Ủy ban Thường vụ QH được nhiều ĐBQH đồng tình, vì nhiều quốc gia phát triển cũng chưa đưa nhà vào đối tượng chịu thuế. Việc đánh thuế nhà với trường hợp sở hữu nhà từ thứ 2 trở đi sẽ phát sinh yếu tố không công bằng vì nhà ở thành thị có giá trị khác nhà ở nông thôn.
 
Luật này cũng quy định sẽ thu thuế trên diện tích sử dụng thực tế và tăng thuế suất cho diện tích vượt hạn mức so với dự thảo trước đó. Việc thu thuế đối với diện tích đất lấn chiếm không phải là căn cứ công nhận tính hợp pháp của diện tích đất này.
 
 
img
Chưa thu thuế nhà ở. Trong ảnh: Khu nhà ở cho người có thu nhập thấp tại huyện Chương Mỹ - Hà Nội
Về thuế suất, để ngăn chặn tình trạng đầu cơ đất đai đối với phần diện tích đất ở vượt không quá 3 lần hạn mức, luật quy định áp dụng mức thuế suất 0,07% (tăng 0,01% so với dự thảo đã trình QH).
 
Phần diện tích vượt trên 3 lần hạn mức có mức thuế suất 0,15% (tăng 0,05% so với mức 0,1% đã trình). Đối với đất sử dụng không đúng mục đích, đất chưa sử dụng theo quy định tăng từ 0,1% lên 0,15%.
 
Riêng đất lấn chiếm phải chịu thuế suất tới 0,2% (tăng 0,05% so với mức đã trình). Trường hợp đất của dự án đầu tư phân kỳ theo đăng ký của nhà đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì không coi là đất chưa sử dụng và áp dụng mức thuế suất 0,03%.
 
Trong trường hợp người nộp thuế có quyền sử dụng nhiều thửa đất ở, hạn mức đất chịu thuế được tính bằng tổng diện tích các thửa đất trong phạm vi tỉnh, TP trực thuộc Trung ương. Giá tính thuế được áp dụng theo giá đất của từng  quận, huyện, thị xã, TP thuộc tỉnh tương ứng với nơi có thửa đất.
 
Tử hình bằng tiêm thuốc độc
 
Cùng ngày, với 427/435 ý kiến đồng ý, Luật Thi hành án hình sự đã chính thức được thông qua và có hiệu lực từ ngày 1-7-2011. Luật này có quy định quan trọng là thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc và cho phép thân nhân nhận tử thi, hài cốt của người bị thi hành án tử hình.
 
Theo đó, thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của tử tù phải làm đơn có xác nhận của UBND cấp xã gửi chánh án tòa án đã xét xử sơ thẩm đề nghị giải quyết cho nhận tử thi của người chấp hành án để an táng. Căn cứ vào đơn này, chánh án tòa án sẽ quyết định cho nhận; nếu có căn cứ việc nhận tử thi ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường thì có thể không cho nhận tử thi.
 
QH cũng đã thông qua Luật An toàn thực phẩm, có hiệu lực từ ngày 1-7-2011, mức phạt tiền đối với vi phạm hành chính được áp dụng theo quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính. Trường hợp áp dụng mức phạt cao nhất theo quy định của luật về xử lý vi phạm hành chính mà vẫn còn thấp hơn giá trị thực phẩm, mức phạt sẽ tính theo giá trị thực phẩm, nhưng không quá 7 lần giá trị thực phẩm vi phạm.
 
Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
 
Luật Trọng tài thương mại, Luật Người khuyết tật, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Bưu chính và Luật Nuôi con nuôi cũng được QH biểu quyết thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2011.

Đề cử ông Phạm Vũ Luận làm Bộ trưởng GD-ĐT

Theo chương trình làm việc, hôm nay (18-6), QH sẽ bỏ phiếu về việc bổ nhiệm nhân sự giữ chức Bộ trưởng Bộ GD-ĐT; bầu nhân sự giữ chức vụ phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH.
 
Trước đó, sau khi QH đồng ý miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng GD-ĐT với ông Nguyễn Thiện Nhân và chức vụ Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH với ông Nguyễn Hoàng Anh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đọc tờ trình đề nghị QH phê chuẩn việc bổ nhiệm ông Phạm Vũ Luận giữ chức Bộ trưởng GD-ĐT; Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đã đọc tờ trình giới thiệu ông Mai Xuân Hùng, Ủy viên Ủy ban Thường trực Kinh tế để QH bầu giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế.
 
Ông Phạm Vũ Luận, sinh năm 1955, là giáo sư, tiến sĩ kinh tế, Thứ trưởng Thường trực Bộ GD-ĐT và phụ trách bộ từ ngày 1-4-2010 sau khi được Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT bàn giao.
 
Trước khi về công tác tại Bộ GD-ĐT, ông Phạm Vũ Luận là Hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại từ năm 1999-2004. Từ tháng 6-2004, ông được bổ nhiệm là Thứ trưởng Bộ GD-ĐT. Từ tháng 12-2009, ông được phân công đảm nhiệm vị trí Thứ trưởng Thường trực.
 
Ông Mai Xuân Hùng, sinh năm 1955, quê Thanh Hóa, là tiến sĩ khoa học kinh tế, là đại biểu QH khóa XII, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của QH. Ông Mai Xuân Hùng từng là đại biểu HĐND TP Hà Nội.           

P. Dương

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo