Nhạc sĩ Lê Minh Sơn nhận định khá lạc quan: “Có nhiều người nhận xét âm nhạc bây giờ đang xuống cấp nhưng nó chỉ xuống cấp đối với những sản phẩm được viết ra bởi người không có khả năng. Tôi nghĩ đó là căn bệnh ngoài da. Đặc trị căn bệnh ngoài da này, phương thuốc tốt nhất là thời gian. Khi dân trí phát triển, khán giả sẽ không nghe những thứ nhảm nhí nữa, những tác phẩm mà báo chí phê phán không còn đất tồn tại”.
Các chương trình giải trí bùng nổ trên các đài phát thanh, truyền hình như cỗ máy khổng lồ ngốn hết mọi thứ, kể cả “rác” của âm nhạc. Ảnh: Thùy Trang
Công chúng không có lỗi!
Nhạc sĩ Trần Tiến nói rằng: “Công chúng nghe nhạc bằng nhiều phương thức: Nghe bằng giọng hát, bằng tác phẩm và họ có thể nghe bằng dư luận, tức là dư luận nghe gì họ nghe nấy và không hề có bất kỳ sở thích mang dấu ấn cá nhân. Chính vì vậy, công chúng không có lỗi trong việc tạo nên sự nhiễu nhương của thị trường âm nhạc. Có chăng, họ chỉ nghe cái gì mà người sáng tác mang tới”.
Theo nhạc sĩ Giáng Son: “Nhạc teen bây giờ đang bùng nổ khủng khiếp nhưng chỉ một số cực ít ca khúc có giá trị thôi, đa số còn lại đều biến chất, sa đà, không nghe được và cũng không có gì bổ ích với tuổi teen. Nếu để ý sẽ thấy, giới trẻ biết thưởng thức âm nhạc một chút, họ sẽ không nghe nhạc Việt hiện nay mà chuyển sang nghe nhạc nước ngoài. Nhiều người nói với tôi họ chuyển sang nghe nhạc ngoại vì không thể chịu nổi những thứ vớ vẩn, nhảm nhí”.
Đời sống nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng, luôn khát khao cái mới, lạ nên khi có sự mới lạ xuất hiện thì thị trường nhanh chóng tiếp nhận. Hoạt động ca nhạc của Việt Nam từ khi có thị trường đã phản ánh điều đó. Điều này đồng nghĩa với việc đòi hỏi hoạt động ca nhạc phải luôn phát triển để đáp ứng nhu cầu đó. Chỉ có điều những gì mới, lạ đang xuất hiện và chiếm lĩnh thị trường âm nhạc hiện nay lại không hàm chứa giá trị của một tác phẩm nghệ thuật âm nhạc đúng nghĩa”.
Nhạc sĩ Văn Ký nhìn nhận: “Thị trường âm nhạc hiện nay phát triển không chuyên nghiệp, những gì hiện có khó có thể tồn tại lâu dài vì nó chỉ tạo ra bởi sự dễ dãi và cái thành công, cái mới có giá trị không nhiều”.
Thị trường âm nhạc Việt Nam cũng từng ghi dấu những cuộc tháo chạy nhanh chóng của những dòng nhạc không có giá trị bền vững, như dòng nhạc sến “Mưa bụi” từng làm mưa làm gió thị trường ca nhạc những năm đầu thập niên 1990, thay vào đó là dòng nhạc pop “Làn sóng xanh” tồn tại và phát triển hơn 10 năm, trước khi bị nhạc teen đẩy lùi vì rơi vào bế tắc.
Mấu chốt ở chỗ tạo nguồn
Hầu hết các nhạc sĩ đều cho rằng tổ chức đào tạo bài bản cho người sáng tác, đặc biệt là những người trẻ chính là vấn đề cốt lõi để bình ổn lại nền nhạc Việt.
Theo nhạc sĩ Võ Thiện Thanh: “Khi nền ca nhạc Việt hồi sinh bằng phong trào sáng tác ca khúc “Làn sóng xanh”, ai cũng vui mừng và nghĩ đến một viễn cảnh tốt đẹp của nhạc Việt. Thật ra, ngay lúc ấy, nhạc Việt đã tiềm ẩn một nguy cơ thiếu hụt lớp nhạc sĩ kế cận vì chẳng tìm đâu ra một trung tâm đào tạo nhạc nhẹ ở Việt Nam.
Khi các kênh truyền hình, các phương tiện truyền thông bùng nổ, theo đó, các chương trình ca nhạc truyền hình, game show mở ra ào ạt và các nhãn hàng tranh đua đi tìm hình tượng quảng cáo... Nền ca nhạc Việt không đủ sức cung cấp “nhiên liệu” cho cỗ máy “phình to không dừng lại ấy! Lúc này, các trung tâm đào tạo nhạc nhẹ thật sự vẫn chưa thấy tăm hơi.
Ở phía Bắc, chỉ có Trường Nghệ thuật Quân đội có khoa nhạc nhẹ, Học viện Âm nhạc Quốc gia có khoa nhạc jazz... nhưng không thấm vào đâu! Và như thế, giới nhạc sĩ ai có lòng tự trọng, thận trọng với nghề nghiệp thì còn thản nhiên trước guồng quay của cỗ máy ngốn nhân lực kinh hoàng kia. Còn người khác thì phải biến mình thành “nhiên liệu”.
Vì vậy, không còn cách nào khác là phải gấp rút cho ra đời nhiều trung tâm đào tạo nhạc nhẹ chuyên nghiệp. Nếu chậm trễ, tình hình sẽ ngày càng xấu đi. Dễ nhận thấy rằng ở phía Bắc, từ ngày có khoa nhạc nhẹ ở Trường Nghệ thuật Quân đội đã cho ra đời một lứa nhạc sĩ trẻ tương đối tốt hơn ở phía Nam rất nhiều. Chỉ có cách này mới rút ngắn sự thiếu hụt lớp nhạc sĩ kế cận! Rồi phải 10 năm, 20 năm sau, chúng ta mới dám nghĩ đến gặt hái những quả ngọt”.
Nhạc sĩ Quốc An nói: “Để có thể tạo ra cảm xúc cho một tác phẩm âm nhạc, người sáng tác cũng phải học tập để biết như thế nào là đúng và đủ cho một ca khúc”.
Thực tế, lực lượng trẻ đam mê sáng tác âm nhạc hiện nay rất lớn và sáng tác của họ cung cấp cho thị trường là không nhỏ. Tuy nhiên, do thiếu vốn sống, thiếu kỹ năng sáng tác và tư duy âm nhạc chưa chuẩn nên sáng tác của họ phần lớn thiếu cảm xúc chiều sâu.
Nhạc sĩ Trần Long Ẩn, Chủ tịch Hội Âm nhạc TPHCM, khẳng định: “Hội sẽ xúc tiến hợp tác với Nhạc viện TPHCM tổ chức các khóa đào tạo đặc biệt dành cho các nhạc sĩ trẻ để bổ sung và nâng cao trình độ sáng tác của họ”.
Nâng cao trình độ cho công chúng trẻ
Theo nhạc sĩ Văn Ký: “Người thẩm định giá trị âm nhạc, hưởng thụ âm nhạc chính là khán giả. Do đó, muốn nền âm nhạc phát triển phải xây dựng được một lớp công chúng trẻ có trình độ thưởng thức. Tất nhiên, không phải một lúc mà có ngay được những công chúng như thế. Giáo dục âm nhạc trong nhà trường phải làm được điều đó. Nếu khán giả có “tai nghe” tốt, có những đòi hỏi chuẩn, lúc ấy sẽ có nhiều tác phẩm hay. |
Bình luận (0)