Nhu cầu ngoại tệ chưa giảm, giá vàng trong nước cao hơn thế giới, tin đồn nhà đầu tư nước ngoài thoái vốn đang tạo áp lực lên thị trường ngoại tệ.
Người dân đang có xu hướng gửi tiết kiệm bằng USD. Ảnh: HỒNG THÚY
Ảnh hưởng từ vàng?
Sáng 9-7, giá vàng trong nước trở lại mức 28,24 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới biến động xoay quanh 1.200 USD/ounce. Tỉ giá USD/VNĐ tự do giao dịch ở mức 19.170 đồng/USD (bán ra). Với tỉ giá này, giá vàng thế giới quy đổi (chưa cộng thuế nhập khẩu và các chi phí khác) thấp hơn giá vàng trong nước hơn 500.000 đồng/lượng. Nếu tính từ ngày 7-7 đến nay, tỉ giá ngoại tệ tự do đã tăng gần 50 đồng/USD, còn giá vàng trong nước luôn cao hơn thế giới.
Một số điểm giao dịch ngoại tệ ngoài ngân hàng (NH) cho biết các đại gia đang mạnh tay thu gom USD.
Do tỉ giá liên tục tăng nên khá nhiều khách hàng bán USD, sau đó các đầu mối lớn thu mua lại. Nhân viên của một công ty kinh doanh vàng ở Hà Nội cho biết từ ngày 5-7 đến nay, các đầu mối lớn gom từ công ty gần 1 triệu USD/ngày. Tại TPHCM, một số chủ tiệm vàng cũng cho hay giao dịch USD tương tự Hà Nội nhưng số lượng mua - bán ít hơn.
Theo giới kinh doanh vàng, thị trường xuất hiện đối tượng chào bán vàng ký nhưng không chứng minh được nguồn gốc. Giá vàng trong nước hiện phụ thuộc khá nhiều vào thị trường ngoại tệ. Khi tỉ giá hối đoái nhích lên, giá vàng quốc tế biến động không đáng kể, giá vàng trong nước sẽ cao hơn thế giới, kích thích đối tượng nhập khẩu vàng không chính thức gia tăng hoạt động, tạo áp lực lên tỉ giá USD/VNĐ tự do.
Tâm lý lo xa
Trong khi đó, các NH cho biết nhu cầu mua USD của doanh nghiệp (DN) chưa có dấu hiệu giảm, biểu hiện là giá thu mua ngoại tệ của NH gần bằng với giá bán ra là 19.100 đồng/USD. Nguyên nhân nhiều DN đến thời điểm trả nợ nên cầu USD tăng lên. Các DN khác cũng mua USD để trả nợ NH trước hạn vì e ngại tỉ giá thường tăng vào dịp cuối năm. Mặt khác, thị trường đồn đại quỹ đầu tư Dragon Capital thoái vốn hàng trăm triệu USD nên nhiều người cho rằng cung ngoại tệ sẽ sụt giảm. Đối tượng đầu cơ ngoại tệ tranh thủ đẩy tỉ giá đi lên. Thế nhưng, khi Dragon Capital bác bỏ thông tin thoái vốn, lập tức tỉ giá USD/VNĐ tự do giảm 20 đồng/USD từ 19.200 đồng/USD, xuống còn 19.180 đồng/USD.
Theo các chuyên gia tài chính, lãi suất cho vay VNĐ thuộc lĩnh vực xuất khẩu đã lùi về 12% -12,5%/năm, đồng thời lãi suất USD đang có xu hướng tăng; chênh lệch giữa lãi suất cho vay VNĐ với USD được rút ngắn từ 9% xuống 6%. DN xuất khẩu sẽ từ chối vay USD, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ chững lại hoặc đi xuống, làm giảm nhu cầu mua USD, thị trường ngoại tệ sẽ lắng dịu trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Việt Anh, Giám đốc Trung tâm Giao dịch ngoại hối Techcombank:
USD tăng giá cục bộ
Tuy thâm hụt thương mại của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2010 khoảng 6,5 tỉ USD nhưng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào nước ta đạt 5,4 tỉ USD, nguồn vốn đầu tư gián tiếp, vay nước ngoài tăng khá; lượng kiều hối của năm 2010 được kỳ vọng nhiều hơn năm 2009 là 6,8 tỉ USD. Do vậy, cung - cầu ngoại tệ sẽ không mất cân đối như năm 2008. Việc tỉ giá tăng đợt này chỉ mang tính cục bộ, rất khó vượt quá mức chênh lệch giữa lãi suất VNĐ với USD.
Thị trường ngoại tệ tự do có thể ảnh hưởng đến tâm lý thị trường chính thức. Tuy nhiên, giao dịch trên thị trường chính thức mới chiếm khối lượng chủ yếu, tác động trực tiếp đến DN xuất - nhập khẩu. Người tích trữ ngoại tệ cần cân nhắc lợi ích và chi phí. Hiện tại lãi suất tiết kiệm VNĐ cao nhất chỉ 11,2%/năm, lãi suất tiết kiệm USD trung bình 3,5%/năm. Người nắm giữ USD sẽ thiệt thòi gần 8%/năm nếu tỉ giá không tăng.
Đối với DN, lãi suất tiền gửi USD tối đa chỉ 1%/năm. Nếu DN vay VNĐ với lãi suất 12% - 14%/năm thì chi phí phải gánh chịu lên đến 11% -13%. |
Bình luận (0)