icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tự đánh mất mình

Bài và ảnh: Tường Nguyên

Việc phát triển du lịch quá “nóng” ở khu hồ Tuyền Lâm và cả Đà Lạt nói chung khiến những di tích, thắng cảnh có nguy cơ trở thành phế tích khi không còn bản sắc riêng

Những năm gần đây, du khách đến Đà Lạt và ngay cả người dân địa phương đều có cùng nhận xét rằng “TP ngàn thơ” ngày càng nóng dần.
 
Ngoài nguyên nhân được lý giải là do tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu, một “hung thủ” khác được đề cập là việc có quá nhiều rừng thông bị đốn hạ.
 
img
Hàng loạt dự án đầu tư resort, biệt thự du lịch ở  Đà Lạt do việc kêu gọi đầu tư tràn lan
khiến nhiều di tích,  thắng cảnh có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề
 
Khí hậu “tráo trở”
 
Chính những rừng thông đã giúp cho Đà Lạt thêm phần mát mẻ và tạo ra một bản sắc riêng cho TP du lịch nổi tiếng này.
 
Do ảnh hưởng độ cao và được rừng thông bao bọc, Đà Lạt mang nhiều đặc tính của miền ôn đới với nhiệt độ trung bình 18ºC - 21ºC, cao nhất chưa bao giờ quá 30ºC và thấp nhất không dưới 5ºC; có hai mùa rõ rệt...
 
Thế nhưng, khí hậu độc đáo của Đà Lạt đang mất dần. Đà Lạt giờ không còn nhiều sương mù lãng đãng hay cảnh người đi đường co ro trong áo ấm...
 
Những người sống lâu năm ở Đà Lạt than phiền: “Không còn nhận ra Đà Lạt nữa, bởi thời tiết quá khác thường, khi thì nóng cháy da, lúc lại lạnh khủng khiếp”.
 
Một cán bộ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Lâm Đồng cho rằng sự thu hẹp nhanh hơn rừng nội ô ở TP Đà Lạt, việc “bê tông hóa thiên nhiên” (xây dựng công trình ồ ạt), cộng với hiện tượng biến đổi khí hậu là nguyên nhân dẫn đến chuyện khí hậu ngày càng tồi tệ ở Đà Lạt.
 
Chưa hết, việc phá rừng, phân lô bán đất, lấp nhanh nhà cửa vào núi đồi, mở đường cao tốc... cũng khiến thời tiết “tráo trở” hơn.
 
Nếu như năm 1923, khi đồ án thiết kế đầu tiên hoàn thành, Đà Lạt mới có 1.500 dân thì đến năm 2009, dân số TP này đã lên tới trên 256.000 người.
 
Cũng trong năm 2009, UBND TP Đà Lạt đã triển khai đề án điều chỉnh quy hoạch đô thị với nội dung chính là điều chỉnh hệ thống vành đai, tăng diện tích khu nội ô lên gấp hai lần hiện nay - từ 2.730 ha lên 5.104 ha.
 
Nội đô TP Đà Lạt sẽ được mở rộng đến hệ thống đường vành đai ngoài và được quy hoạch thêm 4 khu trung tâm nữa trên diện tích được mở rộng 2.374 ha này.
 
Trong đó, hai hướng phát triển khiến nhiều người lo ngại nhất chính là khu vực phía Nam TP - lấy hồ Tuyền Lâm làm tâm điểm nối với Quốc lộ 20 về TPHCM và khu vực phía Tây Đà Lạt - mở rộng TP lên hướng núi Lang Bian với nhiều dự án lớn như khu du lịch tổng hợp DanKia – Đà Lạt, sân bay Cam Ly, khu du lịch Cam Ly – Măng Lin... và kết nối với đường Đông Trường Sơn.
 
Người ta lo ngại vì sự phát triển này sẽ phạm vào những khu rừng còn nguyên vẹn lớn nhất của Đà Lạt. Việc phát triển du lịch quá “nóng” ở khu hồ Tuyền Lâm và cả Đà Lạt nói chung khiến những di tích, thắng cảnh có nguy cơ trở thành phế tích khi không còn bản sắc riêng.
 
“Bội thực” dự án 
 
Trong cuộc hội thảo tìm kiếm giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng tổ chức hồi tháng 3-2010, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Lâm Đồng Nguyễn Trọng Hoàng (hiện đã nghỉ hưu) cảnh báo nguy cơ “bội thực” dự án đầu tư resort, biệt thự du lịch ở TP do việc kêu gọi đầu tư tràn lan.
 
Theo ông Hoàng, với 235 dự án “đầu tư du lịch” đã được cấp phép hoặc đã cho chủ trương đầu tư, dự tính số biệt thự xây cất tại Đà Lạt sẽ lên đến 45.000 căn.
 
Ông Hoàng cho rằng số dự án du lịch - địa ốc - biệt thự đồ sộ đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường tự nhiên của Đà Lạt.
 
Tại buổi hội thảo này, nhiều đại biểu cũng chỉ ra hiện trạng các dự án du lịch nghỉ dưỡng quá nghiêng về mục tiêu bất động sản, chưa hướng trọng tâm vào chức năng du lịch, vui chơi giải trí... nhằm phục vụ đông đảo người dân.
 
Nhiều ý kiến đề nghị Lâm Đồng không nên thu hút đầu tư vào du lịch một cách tràn lan, “mơ hồ”; nên mạnh dạn loại những dự án nhỏ, nghèo nàn về sản phẩm, không tạo ra giá trị cho tương lai du lịch Đà Lạt mà còn góp phần băm nát cảnh quan cũng như môi trường.
 
Theo bà Đỗ Thị Hồng Xoan, Vụ trưởng Vụ Khách sạn, Bộ Văn hóa – Thể thao  và Du lịch, ngành du lịch Đà Lạt cần hướng đến việc phát triển bền vững, cụ thể là chỉ cần tập trung thu hút một số dự án đầu tư du lịch thật lớn, có chất lượng cao, thực sự vì du lịch.

 

 Phải tuyệt đối bảo vệ di tích

 
Nhiều ý kiến cho rằng cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng cần rà soát lại việc xây dựng tại hồ Tuyền Lâm. Theo điều 32 Luật Di sản văn hóa, các khu vực bảo vệ di tích gồm: khu vực 1 - di tích và vùng được xác định là yếu tố gốc cấu thành di tích, phải bảo vệ nguyên trạng; vùng bao quanh khu vực 1 - có thể xây dựng công trình phục vụ cho việc phát huy giá trị di tích nhưng không làm ảnh hưởng tới kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của nó.
 
Ngoài ra, trong Công văn 1811 ban hành ngày 24-5-2005 về thỏa thuận dự án xây dựng khu du lịch tại di tích thắng cảnh hồ Tuyền Lâm, Bộ Văn hóa - Thông tin cũng đã lưu ý việc khai thác tiềm năng du lịch cần phải tuyệt đối bảo vệ di tích theo Luật Di sản văn hóa; các công trình xây dựng trong dự án phải thể hiện phong cách kiến trúc truyền thống địa phương và hài hòa với môi trường tự nhiên; mật độ xây dựng không quá dày đặc, nên sử dụng các công trình có quy mô vừa phải xen lẫn các thảm cây xanh...

T.Hợp

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo