xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bất thường vốn FDI

Tô Hà

Trong khi nước ta kỳ vọng vốn FDI sẽ giúp các ngành công nghiệp, nông nghiệp được chuyển giao công nghệ, hiện đại hóa nhưng thực tế nguồn vốn này đang “chảy” mạnh vào dịch vụ

Hơn 20 năm qua, vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) đã có những đóng góp tích cực cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế VN. Tuy nhiên, những đóng góp này mới thể hiện về lượng (tăng vốn cho nền kinh tế, tạo việc làm) mà chưa có sự thể hiện rõ rệt về chất (chuyển giao công nghệ, nâng cao kỹ năng cho người lao động, hiện đại hóa).

 
Ít doanh nghiệp nộp thuế
 
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài từ nước ngoài (VAFIE), GS-TS Nguyễn Mại, trong một hội nghị mới đây, đã cảnh báo hiện tượng bất thường trong thu hút vốn FDI. GS-TS Nguyễn Mại phân tích trong 10 năm đầu, nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu rót vốn vào VN qua hình thức thành lập công ty liên doanh (chiếm khoảng 70-75%).
 
Tuy nhiên, đến nay, có đến 75% DN có 100% vốn nước ngoài. Chưa đủ thông tin để khẳng định về hậu quả của xu hướng này nhưng rõ ràng đây là một dấu hiệu bất thường.
 
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng bất thường trong hoạt động của nhiều DN FDI ở VN là họ hạch toán lỗ, kê khai đầu vào nhập khẩu cao để chuyển giá, chuyển lợi nhuận về công ty mẹ hưởng.
 
Vấn đề chuyển giá thể hiện rõ ở các DN sản xuất ô tô. Một số liệu để minh chứng cho khả năng này, thống kê của Cục Thuế TPHCM cho thấy năm 2009, 60% DN FDI báo cáo lỗ. Có thể dựa vào lý do đây là thời điểm suy thoái kinh tế nhưng trước đó, trong các năm 2007 và 2008, các DN FDI vẫn báo cáo lỗ lần lượt là 70% và 61,3%.
 
 
img
Sau khoảng 3 năm triển khai, Nhà máy Thép Guang Lian Dung Quất vẫn còn đóng cọc.
Dự án FDI này đang bị nghi ngờ thiếu năng lực tài chính để triển khai. Ảnh: Văn Nguyễn


Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành phân tích nhiều DN FDI chọn VN vì xây nhà máy, thuê nhân công rẻ, sau đó chuyển nguyên vật liệu vào làm hàng xuất khẩu với giá rất thấp.
 
Một đôi giày xuất khẩu có giá trên hóa đơn 10-15 USD thì không thể có lãi để nộp thuế cho nước sở tại. Sau khi đôi giày này đến nước thứ 3, họ đổi hóa đơn để xuất khẩu đúng giá trị. Như thế, lợi nhuận hoàn toàn chuyển ra bên ngoài, VN không thu được thuế, chỉ có người lao động được trả lương nhưng cũng là mức lương phải co kéo mới đủ sống.
 
Cơ cấu lệch
 
Từ năm 1996, Chính phủ đã đưa ra những ưu đãi đặc biệt nhằm thu hút FDI đầu tư vào vùng nguyên liệu, chế biến nông -lâm -thủy sản và năm 2005 tiếp tục đưa ngành nuôi trồng, chế biến nông -lâm -thủy sản vào danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi nhưng đến năm 2008, nỗ lực này không đủ sức kích thích nhà đầu tư rót vốn.
 
Tuy nhiên, số liệu của nhóm nghiên cứu Trường ĐH Kinh tế -ĐH Quốc gia Hà Nội do PGS- TS Phùng Xuân Nhạ công bố năm 2010 cho thấy trái với xu hướng suy giảm đầu tư của ngành nông nghiệp là sự bùng phát vốn FDI vào ngành dịch vụ. Trong vòng hai năm 2006-2007, các dự án về dịch vụ tăng thêm 2,59% về số lượng và tăng 2,56% về vốn đăng ký.
 
Dự án xây dựng văn phòng, căn hộ giảm 0,9% nhưng lại tăng 3,32% về vốn đăng ký. Điều này cho thấy quy mô vốn của các dự án bất động sản (BĐS) tăng đáng kể. Đặc biệt năm 2008, cơ cấu ngành có sự thay đổi mạnh: 18% tổng vốn đăng ký vào dầu khí, 32% vào công nghiệp nặng, 3% vào công nghiệp nhẹ nhưng có tới 24% vào BĐS. Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu, dòng tiền tăng mạnh ở những ngành tập trung vốn nhưng ít có sức tác động lan tỏa về công nghệ, kỹ năng như dầu khí, BĐS, khách sạn.
 
Đáng lưu ý là các dự án BĐS thường kéo dài có tác động trong dài hạn nên xu hướng dịch chuyển cơ cấu đầu tư theo ngành như hiện nay khó có thể mang lại hiệu quả chuyển giao và nâng cấp công nghệ. Hậu quả là đến năm 2009, 10% DN vẫn sử dụng công nghệ của thập niên 70, 30% sử dụng công nghệ của thập niên 80 và 50% sử dụng công nghệ của thập niên 90.
 
TS Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đánh giá: Kỳ vọng về các dự án FDI đưa công nghệ cao vào VN sau 20 năm thu hút FDI chưa đạt được. Dòng vốn này cũng không tạo ra nguồn cung ngoại tệ như mong muốn vì giá trị nhập khẩu của khu vực FDI quá lớn so với giá trị xuất khẩu. Như vậy, một phần GDP đã được chuyển ra bên ngoài, chưa tạo được sự thịnh vượng cho nền kinh tế VN và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ thấp đến cao.
 
Theo Bộ KH-ĐT, trong 7 tháng qua, DN FDI trong cả nước xuất siêu 1,221 tỉ USD nhưng nếu không kể dầu thô, khối DN này nhập siêu đến 1,7 tỉ USD.
 
Cần cách tiếp cận mới
 
GS-TS Nguyễn Mại đề xuất cần có hướng tiếp cận mới về cơ cấu FDI. VN đã trải qua thời kỳ vừa coi trọng số lượng vừa coi trọng chất lượng FDI vì tiềm lực kinh tế của đất nước có hạn, DN trong nước còn quá ít. Trong mô hình tăng trưởng mới, phải giải quyết bài toán nâng cao hiệu quả đầu tư kể cả trong nước và FDI để hướng tới hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại. Do vậy, chất lượng phải trở thành tiêu chí hàng đầu trong việc thu hút FDI.
 
Theo TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN, nền kinh tế VN hiện đang dựa quá lâu vào phát triển tài nguyên chưa được thị trường hóa, dẫn đến sinh ra nhiều yếu kém. Nhà nước cũng cho nhà đầu tư nước ngoài khai thác tài nguyên, dẫn đến tranh chấp tài nguyên. Vấn đề này cần được điều chỉnh. 
Nhiều dự án FDI bị thu hồi
Theo thông tin từ Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng (IPC Đà Nẵng), trong 3 năm trở lại đây, trên địa bàn TP Đà Nẵng, có 4 dự án đầu tư nước ngoài bị rút giấy phép vì không triển khai dự án. Trong đó, có 2 dự án lớn.
 
Vào tháng 4-2007, UBND TP Đà Nẵng đã ra công văn về việc thu hồi giấy phép đầu tư và thu hồi đất cho thuê đối  với dự án sản xuất, lắp ráp điện thoại di động do liên doanh giữa Công ty CP Vinamobi VN và Công ty Zentek Technology Singapore Pte Ltd  đầu tư, với số vốn 25 triệu USD do 2 đối tác không triển khai dự án theo cam kết.
 
Tương tự, cũng do không triển khai dự án, tháng 6-2009, UBND TP Đà Nẵng cũng ra quyết định chấm dứt hiệu lực pháp lý giấy chứng nhận đầu tư dự án sân golf Bà Nà (tại huyện Hòa  Vang) và giải thể trước thời hạn Công ty TNHH CLB Sân golf Bà Nà (Công ty Lado Filter Engineering - Hàn Quốc đầu tư). Dự án này được Bộ Kế hoạch – Đầu tư cấp giấy phép đầu tư tháng 9-2006, với tổng vốn đăng ký trên 12 triệu USD. 
 
Ngày 29-7, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết tỉnh này đang hoàn tất các thủ tục cuối cùng trước khi thu hồi dự án du lịch “khủng” hơn 10 tỉ USD của 2 tập đoàn TANO Capital và Global C&D (Mỹ). Dự án này được cấp phép tháng 9-2009 nhưng mãi đến nay vẫn chưa thực hiện ký quỹ đầu tư theo cam kết.              
H.Dũng- Ph.Trịnh

“Vẽ” to để giữ đất?

Hai siêu dự án, có vốn đầu tư nhiều tỉ USD là Khu Liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh, Nhà máy Thép Guang Lian Dung Quất đã triển khai chậm đến vài năm

 
Trong danh sách 100 doanh nghiệp 100% vốn FDI lớn nhất VN do Cục Đầu tư nước ngoài thống kê, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (do Tập đoàn Formosa Đài Loan đầu tư) dẫn đầu với vốn đầu tư 16 tỉ USD.
 
Đứng thứ 7 là Công ty TNHH Guang Lian VN (vốn Đài Loan) với  dự án đăng ký ban đầu 3 tỉ USD. Đáng lưu ý là hai dự án này đã chậm tiến độ vài năm do nhà đầu tư thiếu năng lực triển khai.
 
Dự án Khu Liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh, do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, được cấp phép ngày 12-6-2008.
 
Đây là siêu dự án có quy mô tổng sản lượng 15 triệu tấn/năm; khi đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm trực tiếp cho 10.000 người. 
 
Đến tháng 4-2010, nhà đầu tư đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành liên quan và UBND tỉnh Hà Tĩnh cho cơ chế đặc biệt về tín dụng để triển khai dự án.
 
Nguyên nhân là trong giai đoạn 1 của dự án, mỗi năm, tập đoàn này cần vay khoảng 2 tỉ USD. Nếu dự án này không được ưu đãi về tín dụng như nhà đầu tư đề nghị sẽ dẫn đến việc huy động vốn gặp khó khăn, khiến dự án không thể thực hiện. Ngoài ra, Formosa còn đề nghị được nhiều ưu đãi khác.
 
Đối với dự án Nhà máy Thép Guang Lian Dung Quất ở Quảng Ngãi do Công ty TNHH Guang Lian VN đầu tư, đã 4 lần điều chỉnh nội dung trong giấy chứng nhận đầu tư.
 
Hiện nay, dự án đang chậm tiến độ so với cam kết khoảng 3 năm, chủ đầu tư tiếp tục xin nâng công suất từ 5 triệu tấn thép/năm lên 7 triệu tấn/năm, vốn đầu tư tăng từ 3 tỉ USD lên 4,5 tỉ USD. Theo báo cáo của chủ đầu tư, đến nay, dự án đã rót vốn 38,5 triệu USD.
 
Nhưng trong văn bản góp ý theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ, ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép VN, chỉ rõ những báo cáo tiến độ dự án của chủ đầu tư là không đúng sự thực.
 
Cụ thể là số cọc đã đóng trên công trình ít hơn số báo cáo, tiền xây nhà, tường rào và các công việc chuẩn bị đầu tư khác chỉ khoảng 20 triệu USD. Nội dung điều chỉnh dự án không đưa ra được số liệu thuyết phục.
 
Ví dụ tăng công suất của nhà máy thêm 2 triệu tấn/năm mà lò chỉ tăng 50 m3 là không khoa học.... Ông Phạm Chí Cường nhấn mạnh “việc tăng vốn đầu tư chỉ gây ảo tưởng về một công trình có vốn đầu tư “hoành tráng”, song thực chất chỉ là để giữ đất, giữ dự án”.
 
Trong khi đó, sau góp ý của Hiệp hội Thép VN, UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có văn bản báo cáo với Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải. Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi khẳng định: Trên cơ sở giải trình của nhà đầu tư, ý kiến góp ý thiết kế của Bộ Công Thương và góp ý của một số chuyên gia ngành thép, việc nâng công suất của dự án lên 7 triệu tấn/năm là hợp lý.
 
Còn việc điều chỉnh vốn đầu tư lên 4,5 tỉ USD thực chất là yếu tố mang tính tích cực, góp phần nâng cao tính hiện đại của thiết bị.

Phương Anh- Văn Nguyễn

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo