- Phóng viên: Lâu nay, khán giả biết Vũ Minh là đạo diễn sân khấu kịch nói. Hôm nay còn có một Vũ Minh đạo diễn sân khấu cải lương. Điều gì thôi thúc anh thực hiện chương trình này?
- Đạo diễn Vũ Minh: Tôi yêu sân khấu cải lương từ nhỏ, cái thời còn là một cậu bé đi bán thuốc lá dạo ở Công viên Thống Nhất, cứ mong đến tối thứ bảy xem truyền hình phát chương trình cải lương. Lúc nhỏ, tôi chưa dám nghĩ mình sẽ có dịp đứng bên cạnh những nghệ sĩ này, nói chi đến việc tôi làm đạo diễn.
Lớn lên, tôi thi vào Trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TPHCM, học khoa đạo diễn kịch nói nhưng hễ bên khoa cải lương dạo đờn là trái tim tôi đánh loạn nhịp. Tôi rất thèm được dàn dựng cải lương nên khi có cơ hội là chớp lấy.
Đạo diễn Vũ Minh hân hoan cùng các nghệ sĩ trong đêm diễn khai trương chương trình Gìn vàng giữ ngọc tại Nhà hát Bến Thành. Ảnh: C.T.V
- Trên sàn diễn những ngày qua, hai kịch bản nổi tiếng của cải lương tuồng cổ: Câu thơ yên ngựa và Điều Tam Xuân báo phu cừu đã được dựng mới, với những chi tiết khác với nguyên bản cũ. Dựng mới hai vở cải lương đã đi vào lòng khán giả mộ điệu mấy chục năm qua, anh cónghĩ mình liều?
- Đã có những nghệ sĩ cảnh báo tôi chớ nên làm theo kiểu “bình cũ rượu mới”. Tôi may mắn được NSND Thanh Tòng – người được xem là thủ lĩnh của bộ môn cải lương tuồng cổ, “chưởng môn nhân” của gia tộc Bầu Thắng – Minh Tơ – Thanh Tòng - nhận lời chỉ đạo nghệ thuật. Tôi muốn dựng mới với tiết tấu mang hơi thở cuộc sống hôm nay. Bằng việc đầu tư cảnh trí, phông màn, âm thanh, ánh sáng, trang phục... cải lương tuồng cổ sẽ xuất hiện với một vị thế mới. Khán giả đã thật sự đồng tình với những chi tiết làm mới này.
Vở Câu thơ yên ngựa của bốn tác giả: Minh Tơ, Hoàng Yến, Ngọc Văn, Thanh Tòng và vở Điều Tam Xuân báo phu cừu của nghệ sĩ Minh Tơ là những tác phẩm kinh điển của nghệ thuật cải lương tuồng cổ. Tôi thấy mình cũng liều lĩnh khi đứng ra dàn dựng hai kịch bản kinh điển này nhưng vì tâm huyết, tôi cứ lao vào làm, con đường đi tới đã mở cho mình có những tự tin hơn rồi đó.
- Liệu chương trình Gìn vàng giữ ngọc của anh có kéo dài hay chỉ là “đánh trống bỏ dùi” như nhiều người đã từng làm trước đây?
- Cụm từ Gìn vàng giữ ngọc do nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc đặt. Lúc trước, khi Nhà hát TPHCM rộ lên những live show nghệ sĩ cải lương vang bóng một thời dưới tên gọi Làn điệu phương Nam, tôi và chị Ngọc đã ngồi bàn bạc, trao đổi tìm cách thực hiện những chương trình cải lương bởi thấy các ngôi sao cải lương dù đã qua thời vàng son nhưng khán giả vẫn còn yêu thích. Làm thế nào để tiếp tục khai thác sự sáng tạo của họ?
Đây là bước khởi đầu đầy khó khăn nhưng tôi được các anh Huỳnh Anh Tuấn, Thành Lộc, Hữu Châu ủng hộ nên chương trình này không thể rơi vào tình trạng “đánh trống bỏ dùi” vì chúng tôi đã có chiến lược lâu dài và đang triển khai từng bước.
- Chương trình Gìn vàng giữ ngọc liệu có giống như Những dấu ấn không phai, sân khấu Vàng, chủ yếu chỉ dựng lại vở cũ? Chiến lược phát triển của anh như thế nào để những vở diễn xuất hiện trong chương trình này thật sự là ngọc, là vàng khiến khán giả trân trọng và sẽ cùng nhau gìn giữ?
- Tôi không dám cho rằng Gìn vàng giữ ngọc sẽ hơn hẳn các chương trình khác nhưng chủ trương của sân khấu này là làm cải lương thật nghiêm túc. Sẽ không có chuyện hát nhép, sẽ không có chuyện phục trang diêm dúa, ai muốn mặc gì thì mặc miễn sao tự họ thấy đẹp là được. Từng nhân vật, từng cảnh trí sẽ được phục hồi để trả lại cho nghệ thuật cải lương giá trị sang, đẹp. Ngay cả với ban nhạc cổ, nhạc tân cũng phải có những tiêu chuẩn như cải lương xưa.
Vàng, ngọc là ở chất lượng nghệ thuật, chứ không phải theo hào quang tên tuổi nghệ sĩ ngôi sao như nhiều người ngộ nhận lâu nay. Trước mắt, chúng tôi sẽ dàn dựng những vở kinh điển, sau đó sẽ triển khai dựng những vở diễn mới. Hai sân khấu IDECAF và số 7 Trần Cao Vân còn dư năng lượng để có thể triển khai đề án cải lương Gìn vàng giữ ngọc. Tôi tin rằng khán giả sẽ ủng hộ chúng tôi.
- Đến với sân khấu cải lương, anh đã rút cho mình bài học gì?
- Tôi biết lắng nghe để hoàn thiện mình. Nhiều người nói “cải lương dễ gần nhưng khó chơi”. Phần nào câu nói đó đúng nhưng với ê kíp của chúng tôi thì việc tập dượt rất nghiêm túc. Tôi học ở những nghệ sĩ mình yêu mến sự chịu khó và tâm huyết làm nghề của họ. Riêng với gia tộc Bầu Thắng - Minh Tơ -Thanh Tòng, mỗi người có một trọng trách, khó có thể rứt họ ra khỏi guồng máy của nghề nghiệp.
- Như vậy, kế hoạch của anh trong năm 2010 sẽ tập trung cho sân khấu cải lương?
- Không hẳn như thế. Tôi vẫn dàn dựng kịch nói và điều hành công ty quảng cáo của mình. Tuy nhiên, Gìn vàng giữ ngọc là chương trình tâm huyết mà tôi đeo đuổi đến cùng.
NSND Thanh Tòng:
Nhân tố tích cực
Tôi biết đạo diễn Vũ Minh qua nhiều chương trình video Ngày xửa, ngày xưa do IDECAF thực hiện. Có thể nói, đây là một đạo diễn có nghề. Vũ Minh kể đã từng đi xem đoàn Minh Tơ diễn lúc còn bé và say mê đến đỗi có thể nhịn ăn để mua vé vào xem, hoặc có những lúc không tiền thì đi xem “cọp” và mơ ước có dịp được đứng chung sân khấu với chúng tôi.
Trong dàn dựng, Vũ Minh biết lắng nghe sự góp ý và nắm bắt được những tình huống để làm mới. Từ tấm lòng biết trân trọng vốn quý của dân tộc, Vũ Minh đã có những nét mới để đưa vào hai kịch bản này. Đó là cách giảm thiểu tối đa âm nhạc và vũ đạo giống của Trung Quốc để đẩy chất cải lương lên trong vở Điều Tam Xuân báo phu cừu. Cứ ngỡ khán giả sẽ phản đối vì đó là vở quá quen thuộc nhưng khán giả đã tiếp nhận với một thái độ trọng thị.
Tôi đánh giá cao Vũ Minh vì anh là một thanh niên trẻ yêu nghệ thuật tuồng cổ. Nếu chương trình này thành công, Vũ Minh sẽ là một nhân tố tích cực để gầy dựng lại nhiều vở cải lương cho sân khấu qua những kịch bản thuần Việt kinh điển. |
Bình luận (0)