Theo số liệu chúng tôi có được, từ năm 1960 đến 1966, diện tích rừng thông của toàn bộ Đà Lạt trên dưới 90.000 ha, thế nhưng con số này sụt giảm nhanh chóng theo tốc độ đô thị hóa của thành phố này.
Nếu năm 1978, diện tích này còn 30.000 ha thì 20 năm sau chỉ còn 16.200 ha. Hai năm sau giảm tiếp 2.000 ha, do vậy theo số liệu mới nhất, đến nay toàn bộ diện tích thông của Đà Lạt chỉ còn tròm trèm 14.000 ha.
Thông nội đô cạn dần
Tốc độ đô thị hóa nhanh lại không tuân thủ quy hoạch cùng với tình trạng di dân tự do, xây dựng nhà cửa trái phép đã hạ sát dần những tán thông trong nội đô Đà Lạt.
Thủ đoạn chính của những “sát thủ thông” là “ken” cây (dùng rìu, rựa vạt một phần gốc cây, sau đó lấy lửa đốt vào chỗ bị chặt) và chờ gió quật ngã cây rồi đến dọn dẹp hoặc đào xung quanh gốc thông rồi cho muối hoặc hóa chất vào làm thông chết.
Sau khi cây “lìa đời”, hung thủ sẽ tận thu cây về làm chất đốt hoặc có thêm đất sử dụng để canh tác hay xây dựng nhà cửa!
Nhiều cánh rừng thông tuyệt đẹp ở các thắng cảnh, dinh thự, trục phố chính như thác Cam Ly, hồ Than thở, Dinh I, Dinh III, Đa Thiện, Thái Phiên, Nam Hồ, đường Trần Hưng Đạo, Bà Triệu, Bùi Thị Xuân dần dần bị xóa sổ.
Những khu vực thông bị triệt hạ nhiều nhất là đèo Prenn, lăng Nguyễn Hữu Hào, Dinh III, đèo Mimosa, Thung lũng Tình yêu...
Ngay cả thông sau lưng trụ sở UBND tỉnh cũng chung số phận và nơi đây cả một rừng thông già đã biến mất, thay vào là một “khu phố văn hóa” thuộc phường 3 (!?).
Qua số liệu thống kê của cơ quan chức năng, trước năm 1997, diện tích rừng tập trung trong khu vực nội ô của TP Đà Lạt là 356,5 ha với gần 10.000 cây thông phân tán trên khắp địa bàn.
Nhưng trong một báo cáo mới đây của HĐND TP Đà Lạt, từ năm 1988 đến nay, rừng nội ô Đà Lạt đã “biến mất” hơn 70 ha, trong đó có hơn 35 ha rừng tự nhiên, 35 ha rừng tập trung và khoảng 3.380 cây thông phân tán bị chặt hạ.
Biết bao cây thông đã bị triệt hạ để nhường chỗ cho những biệt thự mọc lên? |
Như vậy đến nay, nội đô Đà Lạt chỉ còn khoảng 6.500 cây, một lượng cây không nhỏ đã bị triệt hạ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, diện tích rừng thông và lượng cây thông phân tán bị chặt hạ và lấn chiếm trong thời gian qua lớn hơn nhiều so với số liệu nêu trên.
Một trong những vụ “sát hại” thông mới nhất đang được cơ quan chức năng TP Đà Lạt hứa sẽ điều tra để xử lý nghiêm là vụ tàn phá bộ mặt Đà Lạt xảy ra sau Dinh I.
Đầu tháng 7-2010, các cơ quan chức năng của TP Đà Lạt đã vào cuộc để điều tra giai đoạn hai, làm rõ vụ phá rừng thông và hủy hoại đất rừng tại Tiểu khu 156 (phía sau Dinh I) thuộc rừng đặc dụng Đà Lạt (do Ban Quản lý rừng Lâm Viên quản lý).
Trước đó, ở giai đoạn một, cơ quan chức năng của TP Đà Lạt từ ngày 18 đến 27-6 đã kiểm tra hiện trường Tiểu khu 156 và phát hiện tại đây một vụ bạt đồi, san ủi đất và ngang nhiên chặt thông của Doanh nghiệp tư nhân Thành Danh Phát (2/5 - Quang Trung, P.10, Đà Lạt). Căn cứ vào hiện trường đã bị tác động (gần 5.000 m2) thì số lượng thông đã bị chặt phá lên đến gần 1.000 cây...
Ngoại ô: “Hạ sát” có giấy phép
Cùng chung số phận với thông ở nội đô, các khu vực rừng ngoại ô bị gãy đổ hàng loạt bởi vấn nạn khai thác nhựa hoặc đục thân cây thông để lấy ngo dầu.
Diện tích này sẽ càng giảm thêm khi hàng loạt dự án du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, bất động sản... đang được triển khai ồ ạt.
Sẽ đốn hạ thông trên đèo Prenn?
Không chỉ có việc chặt cây, mới đây nếu không phát hiện sớm thì gần 400 cây thông trong dự án khu Nam Sơn Resort đã bị triệt hạ bởi hành vi cố tình đắp đất vào gốc thông (đây là cách có thể làm thông chết - PV) của Công ty Maico, kết quả đơn vị này bị phạt 30 triệu đồng.
Mới đây, một “hung tin” đang được nhiều người dân Đà Lạt bàn tán xôn xao là một đồ án quy hoạch nếu được phê duyệt thì hai hành lang đèo Prenn sẽ được tiếp tục giao cho các nhà đầu tư bê tông hóa để làm các khu biệt thự nghỉ dưỡng, khu du lịch sinh thái... và hàng chục ngàn cây thông đứng trước nguy cơ bị tận diệt. |
Theo số liệu của UBND TP Đà Lạt, tổng số dự án về biệt thự và căn hộ cao cấp đã và sắp triển khai trên địa bàn thành phố này hiện đã lên đến con số xấp xỉ 70 dự án với tổng vốn đầu tư lên đến trên 13.000 tỉ đồng, tổng diện tích đất được đưa vào sử dụng khoảng 3.000 ha, trong đó nhiều dự án nằm trong khu vực rừng phòng hộ và nguyên sinh.
Sau 5 năm triển khai (từ 2005 đến 2009) trong 47 dự án đầu tư vào khu du lịch hồ Tuyền Lâm, đến nay chỉ mới có 8 dự án triển khai, 11 dự án bị thu hồi, 1 dự án nằm ngoài khu du lịch, 5 dự án xin trả lại. Hiện chỉ có 2 dự án cơ bản hoàn thành là khu Nam Sơn Resort của Công ty TNHH Maico và vườn hoa lan kết hợp tham quan du lịch Thanh Quang của Công ty TNHH Hoa lan Thanh Quang đã đưa vào hoạt động.
Hai dự án thi công và hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2011 gồm: dự án sân golf 18 lỗ của Công ty Cổ phần Sacom, hiện đang triển khai xây dựng các đường golf và các công trình thuộc phần đất trên địa bàn TP Đà Lạt.
Còn dự án khu Thanh Nhựt Resort của Công ty TNHH Nhựt Phát đã triển khai xong công tác chặt hạ cây theo giấy phép.
Dự án thuộc Công ty TNHH Xây dựng và Giao thông Tiến Lợi hiện đang thi công và hoàn thiện nhà tiếp tân, đang thực hiện thủ tục xin phép để có thể xây dựng 10 căn biệt thự trong tháng 9-2010, song song đó tiến hành làm đường giao thông nội bộ...
Tính sơ bộ từ năm 2005 đến nay, tổng số gỗ tận thu hơn 2.666 m3 với số tiền thu được hơn 3,4 tỉ đồng, trong đó nộp ngân sách hơn 1 tỉ đồng.
Tuy nhiên, theo giới đầu tư, nhiều dự án có dấu hiệu xí phần để chuyển nhượng lại kiếm lời, nhưng rừng thông thì cứ chặt trước cho chắc ăn.
Ngoài các dự án trên, còn có 24 dự án thi công và dự kiến đưa vào sử dụng trong năm 2012 và 2013, trong đó, một số dự án đã và sắp chặt cây để làm đường hoặc xây dựng công trình.
Đó là dự án Công ty Cổ phần Thiên Nhân, đang tiến hành thi công đường giao thông nội bộ, đang thuê tư vấn tiến hành định vị các căn biệt thự để thực hiện thủ tục chặt hạ cây và xin phép xây dựng các căn biệt thự; dự án Công ty TNHH May thêu thương mại Lan Anh đã chặt hạ cây xong phần đường giao thông; dự án Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa Hồng Đức đang tiến hành chặt hạ cây theo giấy phép, sau đó sẽ xây dựng đường giao thông nội bộ... và còn nhiều dự án khác nữa. Theo sau đó là hàng ngàn cây thông bị hóa kiếp!
Kỳ tới: Cân nhắc hiện đại hóa Đà Lạt
Bình luận (0)