Cách đây ít hôm, chúng tôi gặp ông vào sáng sớm tinh mơ trên đường Tân Kỳ - Tân Quý (quận Tân Phú - TPHCM). Ông và các công nhân (CN) mở nắp 3 hầm ga liền nhau, sau đó, rào chắn lại rồi tranh thủ ăn sáng.
Là người đã có 22 năm gắn bó với nghề dọn cống, ông giải thích: “Phải đợi khí độc trong hầm ga bay đi mới dám bắt tay vào việc, nếu không, hít phải khí độc có thể xỉu như chơi”.
Ấy thế mà sáng 11-8, nghe tin ông đã vĩnh viễn ra đi cũng ngay trên con đường ấy vào chiều hôm trước do tai nạn nghề nghiệp, chúng tôi thật sự đau xót. Ông là Võ Văn Be, CN Xí nghiệp Thoát nước Nam Tham Lương - Công ty Thoát nước Đô thị TPHCM.
Tận cùng cực khổ
Có dịp đi theo đồng nghiệp của ông Be dọn cống, chúng tôi mới thấm thía những vất vả mà họ phải đối mặt hằng ngày. Sau khi mở nắp hố ga chừng 10 phút, máy bơm nước bắt đầu chạy ở hai hầm ga ngoài bìa.
Trong khi đó, tại hầm ga giữa, một toán 7 CN chia thành mỗi nhóm 2-3 người cầm ki, đèn pin, thùng, men theo các bậc thang sắt gắn vào vách hầm ga để xuống.
Trong chớp mắt, họ mất hút vào lòng cống. Lát sau, từng thùng đầy ứ sình đen hôi thối lẫn rác các loại được kéo lên đổ vào thùng xe chứa ở bên trên.
Cứ làm khoảng một giờ, toán CN ướt sũng nước cống kéo nhau lên mặt đường hít thở khí “tươi” chừng 15 phút rồi trở lại lòng cống.
Lần khác, chúng tôi theo mấy anh CN tổ sửa chữa, Xí nghiệp Thoát nước Nam Tham Lương làm nhiệm vụ tại kênh Hy Vọng, đoạn chảy qua cầu Hy Vọng (quận Gò Vấp - TPHCM).
Xắn tay áo, cởi quần dài, cột vào hông mỗi người một sợi dây dù dài hơn 10 m, hai anh CN Sang và Lộc chuẩn bị đi dọn rác.
Công nhân Võ Văn Be dùng ki xúc bùn dưới một hố ga
trên đường Tân Kỳ - Tân Quý vào đầu tháng 8-2010. Ảnh: Thanh Nhàn
Bước xuống kênh, anh Sang dùng tay vạch rác, lội qua bờ bên kia, lội đến đâu, con kênh đen sủi bọt trắng và bốc mùi hôi nồng nặc đến đó.
Lớp rác “nhẹ” gồm lá cây, bịch ni lông, hộp xốp... bị anh Sang đẩy dạt ra hai bên làm lộ diện nhiều thứ rác “nặng” trôi lềnh bềnh như xác chuột, phân động vật, kim tiêm...
“Những thứ này tụi tôi còn thấy để tránh chứ miểng chai, miểng chén, sắt gỉ chìm dưới đáy kênh thì chịu. Chỉ có cách dùng chân dò dẫm từng bước” - anh Lộc chỉ xuống kênh và giải thích.
Đến giữa kênh, anh Sang quấn sợi dây dù vào một tàu lá dừa khô nổi trên kênh. Sau đó, họ ra sức kéo sợi dây dù căng oằn tàu lá dừa khô ôm lấy tảng rác to về hướng cầu Hy Vọng cho xe xúc chờ trên cầu xúc lên.
“Dọn cống, sợ nhất là đụng phải phân người” - nhiều CN của các xí nghiệp thoát nước cho biết. Theo ông Nguyễn Văn Rượu (tổ trưởng tổ 2, Xí nghiệp Thoát nước Nam Tham Lương), người đã có khoảng 20 năm trong nghề, thứ rác khủng khiếp này chủ yếu do các xe rút hầm cầu lén xả xuống miệng cống. CN dọn cống đã nhiều lần bắt được thủ phạm nhưng tình trạng trên vẫn tiếp diễn.
Được dân thương
Sau khi thấy mười mấy CN của tổ 2, Xí nghiệp Thoát nước Nam Tham Lương dọn cống xong, ông Trần Hữu Trâm, một người dân ngụ trên đường Tân Kỳ - Tân Quý, mời vào nhà. Đến sân nhà, ông Trâm kéo ống nước từ trong nhà ra và tự tay xịt nước cho từng CN tắm, rửa cho bớt nước cống và mùi hôi thối. Ông Trâm giải thích: “Xã hội rất cần những CN làm sạch cống, giữ vệ sinh môi trường. Tôi tôn trọng họ vì không phải ai cũng chọn nghề này”. |
“Làm nghề này, CN dọn cống còn sợ “chạm trán” với váng dầu, váng mỡ, nhớt thải... Khi bị dính váng dầu, váng mỡ, CN vét cống phải tắm bằng nước rửa chén mới sạch được. Còn bị dính nhớt thải coi như bỏ luôn bộ đồ”- ông Rượu cho biết.
Ngoài ra, nhiều CN vét cống cho biết khi đang làm việc dưới cống, họ từng bị hóa chất của các cơ sở nhuộm, tiệm chế tác nữ trang... xả hóa chất trúng người, gây bỏng rát, về nhà bị ngứa rất khó chịu.
Làm sạch cho mọi người
Ngoài làm việc trong môi trường hôi thối, nguy hiểm, CN vét cống còn phải vượt qua mặc cảm của nghề “dưới đáy”.
Một người dân buôn bán trên đường Tân Kỳ - Tân Quý vừa bịt mũi vừa nói với nhóm CN đang kéo thùng chất thải dưới hố ga lên: “Mai mốt, mấy ông chịu khó làm vào buổi tối, làm ban ngày gây hôi thối ai mà chịu nổi!”.
“Rất may, bà xã tôi đã chấp nhận, cảm thông với nghề của tôi” - anh Trần Văn Hòa (tổ 1, Xí nghiệp Thoát nước Nam Nhiêu Lộc, Công ty Thoát nước Đô thị TPHCM) tâm sự.
Cũng ở đơn vị này, gắn bó lâu năm với nghề vét cống phải kể đến vợ chồng ông Nguyễn Văn Năm và bà Mai Thị Bích. Năm nay, ông Năm và bà Bích đã ở tuổi 50 nhưng có trên 30 năm vét rác trong các đoạn cống dưới lòng TP.
Từ khi có quy định không để lao động nữ ngâm mình dưới nước cống, bà Bích không đổi nghề mà xin làm dọn rác, phụ giúp các CN khác bên trên cống.
Bà Bích bộc bạch: “Khó khăn đầu tiên là phải vượt qua sự ngại ngùng mới có thể vào nghề, sau đó, phải nghĩ mình đang làm điều tốt, làm sạch môi trường cho mọi người thì mới có thể bám nghề”.
Hiện nay, thu nhập chính của CN vét cống khoảng 3 triệu đồng/tháng, cuộc sống của họ còn rất nhiều khó khăn.
Bình luận (0)