Đúng như kế hoạch, ngày 13- 8, lãnh đạo Công ty Vedan cùng đại diện nông dân TPHCM, Bà Rịa-Vũng Tàu đã ký biên bản cam kết bồi thường thiệt hại cho nông dân hai địa phương trên do những gì mà Vedan gây ra.
Tổng Giám đốc Công ty Vedan, ông Yang Kun Hsiang (giữa),
ký kết biên bản cam kết bồi thường với đại diện nông dân TPHCM. Ảnh: THU SƯƠNG
Có phá sản cũng khó “xù”
Đúng 11 giờ, trước sự chứng kiến của ông Trần Văn Cường, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (đại diện UBND tỉnh); ông Yang Kun Hsiang, Tổng Giám đốc Công ty Vedan, cùng luật sư Nguyễn Thành Ngọc (người được 40 luật sư do dân ủy quyền hợp pháp tham gia phiên tòa ủy quyền lại), đại diện cho 1.255 hộ dân bị thiệt hại tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đã tiến hành ký cam kết về kinh phí và phương thức chi trả bồi thường cho nông dân.
Sẽ sớm chuyển tiền cho nông dân
- Phóng viên: Cảm giác của ông sau khi ký kết thỏa thuận bồi thường?
- Ông Yang Kun Hsiang: Tôi rất vui mừng, sáng sớm đã làm việc với Bà Rịa-Vũng Tàu và chiều nay là TPHCM, việc ký kết đã diễn ra thuận lợi ở hai địa phương. Chúng tôi sẽ sớm hoàn tất việc chuyển tiền và hy vọng số tiền sẽ nhanh chóng đến với nông dân. Chúng tôi mong rằng thị trường của Vedan tại VN sẽ tiếp tục phát triển ổn định và gắn bó lâu dài với nông dân.
- Việc ký kết thỏa thuận bồi thường cho nông dân Đồng Nai thì sao, thưa ông?
- Công ty không mong muốn phát sinh thêm bất cứ vấn đề nào ngoài ý muốn vì vậy chúng tôi mong ở Đồng Nai cũng được ký kết sớm để công ty hoàn tất việc bồi thường cho nông dân tỉnh này.
- 120 tỉ đồng Vedan đòi bồi thường cho Đồng Nai vẫn thấp hơn thiệt hại của người kê khai nên nếu người dân không chấp nhận và vẫn muốn kiện, Vedan sẽ giải quyết thế nào?
- Chúng tôi giải quyết vấn đề có lý có tình, dĩ nhiên cũng dựa vào các cơ sở khoa học và các báo cáo, cho nên sẽ có thời gian bàn bạc với UBND tỉnh Đồng Nai để sớm hoàn tất việc này.
Thu Sương thực hiện |
Theo văn bản ký kết, Vedan sẽ chi trả tiền bồi thường thành hai đợt: Đợt 1 chậm nhất 7 ngày kể từ khi ký cam kết với 50% trong tổng số 53,6 tỉ đồng tiền bồi thường cho nông dân và 500 triệu đồng chi phí điều tra, xác minh thiệt hại. Số tiền này sẽ được chuyển vào tài khoản của UBND huyện Tân Thành.
Đợt 2 sẽ được Vedan chi trả chậm nhất vào ngày 14-1-2011 vào tài khoản của Sở NN-PTNT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Nhằm bảo đảm thanh toán số tiền đợt 2, Công ty Vedan phải được sự bảo lãnh thanh toán của Ngân hàng Bangkok - Chi nhánh TPHCM. Thư bảo lãnh thanh toán của ngân hàng sẽ được phía Vedan gửi cho UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và luật sư đại diện chậm nhất 7 ngày kể từ ngày ký biên bản cam kết.
Ông Cường cho biết: “Chúng tôi đã công bố trước dân phương án bồi thường của Vedan, người dân đã đồng tình sẽ rút đơn khởi kiện sau khi nhận được tiền bồi thường đợt 1”.
Luật sư Nguyễn Thành Ngọc khẳng định: Sau khi chứng thư bảo lãnh có hiệu lực về mặt pháp lý, hai bên sẽ không phải làm cam kết tại tòa án vì chứng thư này đã bảo lãnh tài chính kể cả khi Vedan có phá sản hoặc chuyển đổi cổ phần thì đến ngày 14-1-2011, Ngân hàng NN-PTNT vẫn được nhận đủ tiền.
TPHCM sẽ tạm ngưng khởi kiện
Tại TPHCM, việc ký kết thỏa thuận bồi thường giữa các đại diện hợp pháp cho nông dân huyện Cần Giờ với lãnh đạo Công ty Vedan kéo dài từ 15 giờ đến gần 18 giờ cùng ngày do phải chỉnh sửa một số điểm trong bản thỏa thuận theo đề nghị của Vedan.
Tuy nhiên, nội dung thỏa thuận vẫn khẳng định một lần nữa Vedan đã gây ô nhiễm sông Thị Vải nên đồng ý bồi thường thiệt hại cho 839 hộ dân huyện Cần Giờ với tổng số tiền 45,748 tỉ đồng, được chi trả làm hai đợt giống như Bà Rịa-Vũng Tàu.
Ngoài ra, Vedan sẽ phải thanh toán toàn bộ chi phí cho hoạt động điều tra, thống kê thiệt hại cho các cơ quan chức năng của TPHCM là 500 triệu đồng trong vòng 7 ngày từ khi ký thỏa thuận.
Để bảo đảm cho việc thanh toán, Vedan sẽ mở thư bảo lãnh thanh toán không hủy ngang, vô điều kiện cho số tiền và lịch trình thanh toán tại Ngân hàng Bangkok - Chi nhánh TPHCM. Thư bảo lãnh này sẽ được gửi về cho ông Nguyễn Văn Phụng, Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM, trong vòng 7 ngày từ khi ký thỏa thuận.
Thỏa thuận cũng bảo đảm người dân huyện Cần Giờ sẽ tạm ngưng khởi kiện trong thời gian hiệu lực của thỏa thuận và cam kết không khởi kiện Vedan nếu Vedan thi hành xong thỏa thuận này. Các khiếu nại liên quan đến khoản tiền bồi thường trong quá trình phân phối đến người dân sẽ không thuộc trách nhiệm của Vedan.
Các bên ký kết đều công nhận thỏa thuận này có hiệu lực của một hợp đồng dân sự.
Theo ông Nguyễn Văn Phụng, một tuần sau khi Vedan chi trả đợt 1, Hội Nông dân, UBND huyện Cần Giờ sẽ họp bàn kế hoạch phân phối tiền đến nông dân.
“Việc phân phối sẽ bảo đảm chính xác, công bằng và được công khai, niêm yết rõ ràng”. Riêng những hộ dân nằm ngoài vùng ảnh hưởng ô nhiễm theo xác định của Viện Môi trường và Tài nguyên, muốn khởi kiện, Hội Nông dân sẽ giải thích cho họ về phạm vi ảnh hưởng. Nếu họ nhất quyết khởi kiện, hội vẫn hỗ trợ về ký kết giấy tờ.
Đồng Nai im lặng
Tổng cục Môi trường đã có công văn đề nghị các địa phương chậm nhất trong ngày 13-8 phải hoàn tất việc thống nhất với Công ty Vedan hình thức tiếp nhận và tài khoản nhận tiền bồi thường thiệt hại của người dân để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, đến chiều 13-8, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai vẫn chưa có ý kiến cuối cùng về việc đòi Vedan bồi thường bao nhiêu và ý kiến phản hồi việc Vedan đề nghị bồi thường 119,5 tỉ đồng.
Theo kế hoạch, đến ngày 16-8, Đồng Nai mới có cuộc họp bàn về vấn đề này.
Theo một số luật sư, đến nay Đồng Nai vẫn chưa đủ điều kiện để nhận 119,5 tỉ đồng bồi thường của Vedan vì chưa biết thiệt hại chính xác là bao nhiêu và người dân có công nhận mức thiệt hại đó không để bảo đảm không khởi kiện Vedan. Còn hiện nay, nhiều hộ dân nghe thông tin Vedan tăng mức bồi thường nên đã đề nghị rút lại đơn để kê thêm thiệt hại.
N.Bích |
Bình luận (0)