xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bằng giả nhiều quá!

Bài và ảnh: GIANG THANH

Hàng trăm bằng tốt nghiệp THPT và giấy chứng nhận tốt nghiệp bổ túc ở ĐBSCL vừa được Sở GD-ĐT TP Cần Thơ xác định là giả. Rất nhiều chủ nhân của các bằng cấp giả này là cán bộ cơ sở

Tháng 8-2009, Công an Sóc Trăng lập danh sách kèm theo công văn gửi Sở GD- ĐT Cần Thơ yêu cầu xác minh bằng tốt nghiệp của 10 cán bộ công tác trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra hồ sơ lưu trữ, Sở GD- ĐT Cần Thơ cho biết 6 bằng tốt nghiệp THPT và 4 giấy chứng nhận tạm thời trong danh sách này không do sở cấp.

 
Vẫn lên chức đều đều
 
Sau khi cơ quan chức năng làm rõ, tháng 10-2009, một trong những người có tên trong danh sách sử dụng bằng cấp không hợp lệ là ông Hà Hữu Hiểu đã “chạy” được giấy xác nhận bằng của mình là thật. Trên giấy xác nhận có cả con dấu của Sở GD- ĐT Cần Thơ và chữ ký của trưởng phòng khảo thí nhưng xác minh cho thấy đều là giả.
 
Dù kết quả xác minh quá rõ ràng nhưng nhiều cán bộ sử dụng bằng cấp giả ở huyện Mỹ Xuyên - Sóc Trăng vẫn được lên chức đều đều. Ông Lý Sô Riêng từ phó chủ tịch UBND xã Đại Tâm lên phó bí thư Đảng ủy kiêm chủ tịch UBND xã này. Ông Mai Thanh Sử từ công an xã được bầu giữ chức chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy xã Thạnh Phú.
 
 

img

Ông Dương Tấn Kiệt kể chuyện mua bằng giả nên đã bị cho nghỉ việc

 
Ông Nguyễn Văn Như cũng từ công an xã thăng chức chủ tịch UBND xã Ngọc Đông. Ông Hà Hữu Hiểu lên chức xã đội trưởng xã Thạnh Thới An; ông Lê Văn Mời được bầu làm bí thư Đảng ủy xã Thạnh Quới; ông Triệu Xuân Xiệu giữ chức phó bí thư Đảng ủy xã Thạnh Phú...
 
Những ngày qua, chúng tôi liên tục tìm đến UBND xã Đại Tâm để hỏi chủ tịch Lý Sô Riêng về trường hợp bằng tốt nghiệp không hợp lệ nhưng ông đã từ chối trả lời và luôn miệng nói bận. Khi chúng tôi thắc mắc Huyện ủy, UBND huyện Mỹ Xuyên xử lý thế nào về việc xài bằng giả thì ông Riêng bảo “chưa nghe nói gì”.
 
Mua bằng để giữ... ghế
 
Trung tâm TDTT huyện Mỹ Xuyên có nhiều cán bộ trình độ ĐH nhưng giám đốc Châu Trường Quốc lại nhiều lần thi rớt tốt nghiệp bổ túc THPT. Để giữ chức, ông Quốc quyết tâm thi để có bằng cấp ba nhưng do lớn tuổi, trình độ hạn chế nên ông không thể “vượt vũ môn”.
 
Trong lúc buồn lo, ông Quốc được một người gợi ý đi thi lấy bằng ở Cần Thơ. Sau khi nộp hồ sơ cho một người chưa từng quen biết rồi nhận giấy báo dự thi có con dấu của Sở GD- ĐT Cần Thơ, ông Quốc yên tâm khăn gói đi thi. Đến nơi, ông được bố trí ăn ngủ tại khách sạn mà không cần phải thi với lý do... lớn tuổi! Vài ngày sau, ông Quốc nhận được bằng tốt nghiệp bổ túc THPT do một người mang đến tận nhà giao và lấy 3 triệu đồng.
 
Tại Mỹ Xuyên còn có ông Trà Nao, Chánh Văn phòng UBND huyện và tài xế Lý Thành Thảo cũng nằm trong danh sách những người sử dụng bằng tốt nghiệp bổ túc THPT không hợp lệ như ông Quốc.
 
 
img
 Những bằng cấp được Sở GD-ĐT Cần Thơ xác định là giả
 
 
Còn tại huyện Trần Đề - Sóc Trăng, ông Dương Tấn Kiệt cho biết sau nhiều lần thi bổ túc THPT không đậu nhưng vẫn muốn tiếp tục dạy tại Trường Tiểu học Lịch Hội Thượng B nên đã chạy vạy khắp nơi. “May mắn” đã đến trước khóa thi ngày 2-6-2009, ông Kiệt được nhiều đồng nghiệp giới thiệu chỗ mua bằng. Ông kể: “Tôi mang 10 triệu đồng lên đưa cho một người tên Giàu, nhà ở đường Trần Hưng Đạo - TP Sóc Trăng rồi nhận bằng cấp về nộp cho tổ chức để không bị sa thải khỏi ngành. Vài tháng sau, khi bị công an mời, tôi mới biết đó là bằng giả”.
 
Cũng tại Trần Đề, ông Hà Hữu Hiểu, xã đội trưởng xã Thạnh Thới An, cho biết sau khi học xong lớp 12 hệ bổ túc vào năm 2008, ông được nhiều người giới thiệu lên Cần Thơ thi để dễ đậu nhằm giữ được chức vụ và có cơ hội thăng tiến cao hơn. Đến Cần Thơ, ông được một người nhận hồ sơ và sau kỳ thi, ông có được bằng tốt nghiệp với giá 5 triệu đồng.
 
Xử lý thật nghiêm
 

90% bằng cấp kiểm tra là giả

Bà Nguyễn Thị Thuận, Trưởng Phòng Khảo thí Sở GD- ĐT Cần Thơ, cho biết trước khi diễn ra đại hội Đảng bộ cấp xã – phường, quận - huyện, phòng nhận được rất nhiều công văn từ khắp các địa phương ở ĐBSCL, thậm chí từ TPHCM, yêu cầu kiểm tra các văn bằng tốt nghiệp THPT và hệ bổ túc là thật hay giả. Có nơi còn cử cán bộ đi xác minh trực tiếp. Kết quả cho thấy có đến 90% các trường hợp cần xác minh là giả mạo phôi bằng, con dấu và kể cả chữ ký của lãnh đạo sở.

Ông Lê Thành Trung, Chủ tịch UBND huyện Trần Đề, cho biết huyện đã không còn bố trí ông Đỗ Hồng Ngự làm chủ tịch UBND xã Đại Ân 2 vì xài bằng giả. Ông Trần Như Ý cũng không còn được giữ chức chủ tịch UBND xã Viên An. Riêng trường hợp ông Hiểu, sắp tới huyện sẽ bố trí công việc khác.
 
Công an tỉnh Sóc Trăng hiện đang điều tra một đường dây làm bằng giả quy mô liên tỉnh. Sóc Trăng cũng đã thành lập ban chỉ đạo kiểm tra văn bằng, chứng chỉ do ông Lê Văn Cần, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, làm trưởng ban.
 
Ông Cần cho biết đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tập hợp bằng cấp của cán bộ, công chức để kiểm tra. Chỉ riêng ngành giáo dục Sóc Trăng, hiện đã phát hiện 59 bằng tốt nghiệp THPT không hợp lệ. Sở đã lập danh sách giáo viên sử dụng bằng cấp không hợp lệ gửi các huyện, thị để xử lý với mức cao nhất là buộc thôi việc.
 
Theo ông Lâm Ren, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Sóc Trăng, cơ quan chức năng vẫn đang phối hợp cùng công an khẩn trương làm rõ các cán bộ sử dụng bằng giả, không hợp lệ ở tỉnh. “Nếu cán bộ nào cố tình dùng bằng giả thì phải xử lý thật nghiêm, còn người nào chỉ là nạn nhân của đường dây mua bán bằng giả thì cần thiết xem xét thái độ thành khẩn, quá trình phấn đấu để xử lý thấu tình đạt lý” – ông Ren cho biết.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo