Hôm qua, 1-9, Hội nghị Tổng kết năm học 2009-2010 và triển khai nhiệm vụ năm học 2010 – 2011 khối các trường ĐH, CĐ đã được tổ chức với sự tham dự của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân.
Trường ĐH Công nghiệp TPHCM - một trong những trường ĐH chú trọng nâng cao chất lượng giảng dạy, uy tín ngày càng cao. Trong ảnh: Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TPHCM tra cứu thông tin trong phòng internet (ảnh chỉ có tính minh họa). Ảnh: TẤN THẠNH
Nhiều trường đào tạo chui
Đánh giá về công tác đào tạo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng nhiều trường ĐH, CĐ còn mất cân đối về cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo và hình thức đào tạo. Hoạt động liên kết đào tạo cả trong và ngoài nước có nơi chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Xuân Vang, Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài (Bộ GD-ĐT), cho biết hiện nay có 119 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, tập trung ở 43 trường ĐH. Từ đầu năm 2010, Bộ GD-ĐT đã nhiều lần yêu cầu các trường báo cáo về tình hình liên kết đào tạo với nước ngoài, thậm chí gia hạn đến 2 lần, nhưng chỉ có 31 trường báo cáo, trong số những trường không gửi báo cáo về bộ, có cả những trường ĐH lớn.
Cũng theo ông Vang, nhiều trường đào tạo chui không xin phép khiến cho người học bị mất quyền lợi. Một số chương trình có dấu hiệu vi phạm quy định của Nhà nước, nhiều đối tác trung gian, đặc biệt là các trường đóng tại Singapore, Hongkong... tham gia liên kết để trục lợi.
Cũng theo ông Bùi Văn Ga, một số trường ĐH, CĐ mới thành lập chưa thực hiện đúng các cam kết khi thành lập trường, đội ngũ giảng viên cơ hữu thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị thí nghiệm, thực hành vẫn còn thiếu, thư viện thì nghèo nàn. Trong khi đó, quy mô đào tạo của các trường vượt quá khả năng cho phép theo quy chế để bảo đảm chất lượng.
Nhiều trường chưa có cơ sở riêng, phải thuê mướn giảng đường, phòng làm việc, địa điểm phân tán khiến cho việc đào tạo gặp nhiều khó khăn. Chưa kể, năng lực quản lý của ban giám hiệu một số trường, trong đó có hiệu trưởng, còn nhiều hạn chế nên công tác chỉ đạo sai sót, vi phạm quy chế, vi phạm pháp luật. Mâu thuẫn giữa hội đồng quản trị với ban giám hiệu đã xảy ra ở một số trường dẫn đến khiếu kiện, tố cáo nhau, gây bức xúc trong dư luận.
Giữ điểm sàn để giữ chất lượng?
Nâng cao chất lượng đào tạo là vấn đề nóng được lãnh đạo các trường ĐH, CĐ hết sức quan tâm. Ông Vũ Minh Giang, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng trước nay, nói đến nâng cao chất lượng là mọi người hay nói đến kinh phí. Nhưng có điều kiện tìm hiểu sâu sẽ thấy để nâng cao chất lượng phải có các nhóm nhân tố: Nguồn nhân lực (không thể không có đội ngũ chất lượng), điều kiện bảo đảm chất lượng và quan trọng nhất là năng lực lãnh đạo, quản lý.
Ông Huỳnh Hữu Tuệ, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Bắc Hà, lại có ý kiến sinh viên chính là đối tượng và mục tiêu nâng cao chất lượng nhưng không ai nói đến sinh viên mà chỉ nói đến bộ, đến trường. Muốn sinh viên có chất lượng, cần phải có một phương pháp dạy mới, song song với việc bảo đảm chất lượng đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất.
Theo ông Tuệ, Bộ GD-ĐT cần giao toàn quyền tuyển sinh cho các trường, đặc biệt khi tổ chức một kỳ thi chung để xét tuyển ĐH thì càng phải cần tự chủ hơn nữa, điểm sàn cũng nên được loại bỏ.
Tuy nhiên, ông Bùi Văn Ga cho rằng không thể bỏ được điểm sàn, vì đó là điều kiện cần thiết để bảo đảm chất lượng. Nếu bỏ thì ai cũng vào được ĐH, CĐ và Bộ GD-ĐT rất khó kiểm soát chất lượng.
Trả lương theo đóng góp
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh đổi mới giáo dục ĐH phải dựa trên việc làm đúng quy luật, phù hợp với thực tiễn và phát huy sáng tạo. Các trường phải cố gắng tăng được tỉ lệ chuẩn đầu ra, nâng cao trình độ giáo viên.
Theo Phó Thủ tướng, trong năm nay, các trường cần tiến hành triển khai việc sinh viên đánh giá giảng viên. Trước mắt, đánh giá những giảng viên có trình độ thạc sĩ, từ kết quả đánh giá sẽ làm căn cứ cho việc khen thưởng, nâng lương... Các trường có thể đăng ký thí điểm trả lương cho các thạc sĩ, tiến sĩ gắn với đóng góp cho nhà trường, đồng thời mỗi trường chọn một ngành có điều kiện nhất để đào tạo theo chuẩn quốc tế.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng chưa bao giờ điều kiện tài chính của các trường tốt như năm nay, vì vậy các trường phải công bố được chương trình hành động để tương xứng với nguồn tài chính này.
Sẽ đổi mới tuyển sinh
Theo Bộ GD-ĐT, trong năm học này sẽ tổ chức hội thảo chuyên đề về tuyển sinh để xác định phương thức tuyển sinh hợp lý cho những năm tới. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết Bộ GD-ĐT đang hướng đến một cách tiếp cận khác về tuyển sinh, ví dụ thi một lần một số môn nào đó, CĐ không nhất thiết phải thi thành một đợt mà có thể lấy kết quả ĐH để xét tuyển...
Cũng theo ông Ga, từ năm 2011, bộ khuyến khích các trường ĐH, CĐ, đặc biệt là các trường ĐH tốp trên, giảm dần quy mô vừa học vừa làm, giảm dần chỉ tiêu đào tạo dưới ĐH, nâng cao chất lượng đào tạo ĐH chính quy. |
Bình luận (0)