Theo anh H., lựa lúc con cái đi vắng, ông C. đã nhốt vợ trong nhà, dùng sức mạnh bế ngược vợ lên rồi dộng đầu bà xuống đất. Có lần, ông đánh vợ bằng cây gỗ lớn, bà K. bỏ chạy, ông túm được tóc bà, treo ngược trên cây cà phê và đánh tiếp. Việc ông C. đánh vợ xảy ra nhiều lần nhưng chính quyền xã lại thờ ơ, không quan tâm.
Cũng theo anh H., có thể vì bí thư đảng ủy xã là chú ruột của anh. Khi ông ngoại anh từ Cần Thơ lên thăm và sống chung với gia đình con gái, cha anh vẫn liên tục đánh đập vợ, xúc phạm bố vợ, khiến ông uất ức phải dùng kéo tự sát trước mặt con rể và cả gia đình. Khi bị tố cáo đến chính quyền xã, ông C. không đánh vợ nữa mà… nhờ người khác đánh!
Sự việc còn được anh H. thuật lại chi tiết, đăng tải trên web site
http://baohanh.org với những lời lẽ cay đắng, uất hận!
Thực tế xác minh của chúng tôi cho thấy, sự việc không hẳn như những gì anh H. trình bày. Trước đây, ông C. từng nhiều lần đánh bà K. Có một số vụ việc, UBND xã, công an (CA) xã, thôn đã tham gia hòa giải, nhắc nhở, buộc ông C. cam kết nhưng sau đó ông vẫn tiếp tục đánh bà.
Theo báo cáo của CA huyện Di Linh, gửi UBND huyện (ngày 1-7-2010) trả lời về việc giải quyết đơn tố cáo của công dân thì “Ông C. thừa nhận trong khoảng thời gian từ Tết âm lịch năm 2009 về trước, do mâu thuẫn trong gia đình, nên ông có chửi, đánh bà K. Ngày 21-5-2010, CA huyện Di Linh đã mời ông C., bà K. làm việc, bà K. đã yêu cầu ông C. chấm dứt bạo hành bà chứ không yêu cầu gì khác. Còn hành vi ông C. bức tử cha vợ là không đúng.
Tháng 10-1994 có xảy ra việc cha ruột bà K. dùng kéo tự tử tại nhà con rể ở Di Linh, nhưng được đưa cấp cứu kịp thời. Một thời gian dài sau đó, cha bà K. mới mất tại Cần Thơ. Nội dung tố cáo của anh H. về người chú ruột là bí thư đảng ủy xã Hòa Bắc bao che cho hành vi bạo hành của ông C. là không có cơ sở".
Ngày 16-8-2010, Hội LHPN huyện Di Linh đã trực tiếp làm việc với CA huyện để xác định lại các nội dung tố cáo của anh H., kết quả: việc ông C. đánh vợ là có thật, nguyên nhân ông C. là thương binh 1/4 nên bị ảnh hưởng thần kinh, khi uống rượu vào, ông có đánh bà K.(?)
Bà Văn Thị Xinh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Chúng tôi đã đề nghị Hội LHPN huyện Di Linh điều tra lại vấn đề. Có nhiều thông tin anh H. khiếu kiện và trình bày trên trang web baohanh.org là chưa chính xác. Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo Hội LHPN huyện Di Linh cầm kết quả trả lời của CA huyện đến trao đổi trực tiếp với bà K. để nắm tâm tư, nguyện vọng của bà”.
Theo các văn bản, biên bản của địa phương, trong những lần hòa giải, bà K. luôn khẳng định mình là người bị hại, nhưng không hề yêu cầu con kêu cứu hộ, cũng không biết việc kêu cứu của con. Bà K. cho rằng đây là việc nội bộ gia đình.
Như vậy, những hành vi đánh, chửi vợ trong một thời gian dài của ông C. là có thật, nhưng mức độ nghiêm trọng như anh H. tố cáo thì chưa thể xác định. Điều đáng nói là việc xảy ra nhiều lần, nhưng các biện pháp răn đe của chính quyền địa phương với ông C. còn quá nhẹ, nên đến cuối năm 2009 sự việc vẫn tái diễn.
Theo luật sư Trịnh Thị Bích - Đoàn Luật sư TP.HCM, việc anh H. thay mẹ khiếu kiện hành vi của cha là không có gì trái luật (căn cứ điều 18 và điều 19, Luật PCBLGĐ). Khi mẹ bị cha đánh đập, nhục mạ như vậy, với nghĩa vụ làm con, anh H. và các anh chị em (đều đã trưởng thành) có quyền và nghĩa vụ bảo vệ mẹ bằng nhiều cách như đưa mẹ cách ly khỏi bố, chăm sóc, an ủi mẹ… Việc các cơ quan chức năng gặp gỡ các bên để hòa giải là đúng luật, nhưng với hành vi BLGĐ xảy ra nhiều lần như vậy, dù nạn nhân không tố cáo, chính quyền xã vẫn cần có những biện pháp xử lý đúng luật và nghiêm khắc hơn, chứ không chỉ buộc làm cam kết hay hòa giải chung chung!
Bình luận (0)