xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lạm thu tiền trường khắp nơi

Yến Anh - Hoàng Dũng - Quốc Dũng

Vào đầu năm học mới, từ Hà Nội đến Đà Nẵng, ĐBSCL, các khoản tiền trường đã trở thành nỗi ám ảnh của không ít gia đình

Dù Bộ GD-ĐT đã có quy định rất rõ: Ngoài các khoản thu theo quy định, các trường tuyệt đối không được đặt ra các khoản thu khác. Tuy nhiên, ngay sau ngày khai giảng năm học mới, nhiều phụ huynh đã “tá hỏa”  vì những khoản phí “tự nguyện”.
 
img

Nhiều khoản đóng góp cao khiến những gia đình ở nông thôn không kham nổi chi phí học tập cho con em. Ảnh: QUỐC DŨNG

 
Hỗ trợ cả tiền điện     
 
Một vị phụ huynh có con đang theo học tại Trường Mầm non A Ba Đình - Hà Nội phản ánh đầu năm cho con đến trường, chị phải đóng ngay một khoản gọi là “quỹ hảo tâm”. Phụ huynh này cho biết thêm lúc đầu, khi thấy trường ghi là “quỹ HT”, chị không hiểu là quỹ gì, sau đó hỏi ra, chị mới biết đó là quỹ hảo tâm.
 
Vì “hảo tâm” nên tùy phụ huynh nhưng vì đây là trường công có tiếng của Hà Nội nên phần “hảo tâm” của các phụ huynh không phải ít. Cũng ở trường mầm non này, đầu năm học, phụ huynh phải đóng các khoản như trang bị ban đầu, học phẩm, hỗ trợ tiền điện và vệ sinh môi trường, mỗi khoản là 100.000 đồng.
 
Cũng ở quận Ba Đình, Trường Mẫu giáo Thần Tiên cũng có mức thu xây dựng trường đầu năm lên đến 1 triệu đồng/cháu.
 
Chị H., đang có con học tại một trường tiểu học tại quận Tây Hồ - Hà Nội, cho biết từ hè đến giờ, chị phải đóng “lai rai” nhiều khoản cho con, mỗi khoản từ vài chục ngàn đồng đến vài trăm ngàn đồng như tiền mua trang thiết bị cho lớp (200.000 đồng).
 
Một phụ huynh có con học tại Trường Tiểu học Ngọc Thụy, quận Long Biên - Hà Nội nói nhà trường yêu cầu phụ huynh phải mua vở do trường in.
 
Trên bảo, dưới không nghe
 
Vào đầu năm học mới, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành quy định về việc vận động, quản lý, sử dụng kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh. Theo đó, mức đóng góp tối đa của phụ huynh không quá 100.000 đồng/học sinh. Mức đóng góp này theo nguyên tắc tự nguyện và không được dùng để mua sắm hoặc hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, sửa chữa trường lớp.
 
Tuy nhiên, vừa khai giảng năm học mới, ban đại diện cha mẹ học sinh của nhiều trường đã thu tiền sai quy định, có trường mỗi phụ huynh phải nộp đến 500.000 đồng.  
 
Tại Trường Tiểu học Trần Văn Ơn (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), nhiều phụ huynh đã đóng góp đến 1,5 triệu đồng, người ít nhất cũng ủng hộ 200.000 đồng cho Chi hội Khuyến học của trường.
 
Tương tự, tại Trường Tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ (quận Thanh Khê - TP Đà Nẵng), từ đầu năm học, ban đại diện hội phụ huynh của các lớp đã thu tiền của phụ huynh với lý do mua sắm máy móc, gây quỹ lớp cho cả năm học.
 
Cụ thể, ban đại diện hội phụ huynh lớp 1/2 đã vận động phụ huynh góp tiền mua tivi LCD để thay tivi cũ của lớp này và mua thêm một số vật dụng khác cho lớp, với tổng kinh phí trên 20 triệu đồng.
 
Theo đó, ban đại diện hội phụ huynh của lớp yêu cầu mỗi phụ huynh đóng góp tối thiểu 500.000 đồng và yêu cầu không ai được từ chối.
 
Phụ huynh của một học sinh lớp 1 ở trường này cho biết ban đại diện hội phụ huynh của lớp cũng vận động phụ huynh đóng góp mỗi học sinh 500.000 đồng để làm chi phí hoạt động cho hội phụ huynh lớp trong cả năm học và tất cả phụ huynh đều phải đóng.
 
Sau khi xảy ra tình trạng lạm thu, ngày 6-9, UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản nghiêm khắc phê bình Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Trần Văn Ơn.
 
UBND TP Đà Nẵng yêu cầu UBND quận Hải Châu kiểm tra, có hình thức kiểm điểm đối với các cá nhân liên quan, đồng thời chỉ đạo trường này hoàn trả ngay các khoản tiền thu sai quy định.
 
Bắt buộc đóng bảo hiểm
 
Nhiều nơi ở ĐBSCL, phụ huynh than phải đóng quá nhiều khoản tiền để cho con đi học, trong đó có nhiều khoản ngoài quy định. Ông Nguyễn Thiện Nguyện, Trưởng Phòng Tài chính Sở GD-ĐT tỉnh An Giang, cho biết theo quy định, học sinh tiểu học không phải đóng học phí.
 
“Còn việc đóng bảo hiểm cho học sinh chỉ mang tính vận động. Thế nhưng hiện nay, các trường ở khu vực này đang vận động đóng bảo hiểm khá “mạnh tay” – ông Nguyện nói. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, việc đóng bảo hiểm trong trường học nhiều nơi ở ĐBSCL là bắt buộc.
 
Ông Nguyễn Văn Sang, làm thợ hồ ở xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp, cho biết số tiền đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể cho con của ông đang học lớp 2 lên đến 230.000 đồng.
 
“Ngoài ra, vẫn phải đóng thêm mấy chục ngàn đồng nữa nhưng tôi không biết là phí gì. Vài ba trăm ngàn đồng không phải là số tiền lớn đối với nhiều người nhưng không phải là nhỏ đối với dân lao động nghèo như chúng tôi. Nếu không đóng đủ, con cái không được đi học” – ông Sang bộc bạch.
 
Một phụ huynh có con học lớp 2 Trường Tiểu học A, thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên - An Giang cho biết vào đầu năm học mới, ông phải đóng hơn 250.000 đồng/học kỳ.
 
“Thế nhưng, tôi không biết trong đó có các khoản thu nào, nhà trường không công khai cho phụ huynh rõ. Dù bậc tiểu học không phải đóng học phí nhưng chỉ với các khoản thu ngoài học phí này, mỗi học sinh phải đóng trên 500.000 đồng/năm học. Đây không phải là mức đóng góp nhỏ và không phải phụ huynh nào cũng kham nổi”- vị phụ huynh này nói.
 
Tương tự, bà Lê Thị G., có con học lớp 5 Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Mỹ Long, TP Long Xuyên - An Giang, cho biết ngay đầu năm học, nhà trường đã thông báo tổng các khoản đóng là 520.000 đồng/học sinh. Bà G. thắc mắc ngoài hai loại bảo hiểm phải đóng là 230.000 đồng, không biết số tiền còn lại đóng cho những khoản nào.
 
Bà Nguyễn Thị Cúc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, cho biết: Học sinh bắt buộc phải đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể.
 
“Ngoài ra, học sinh phải đóng tiền chụp hình làm danh bộ, quỹ đội, quỹ lớp, nhiều khi phải mua thêm bình hoa hoặc trang trí lớp cho đẹp nên giáo viên xin thêm mỗi học sinh vài ngàn đồng” – bà Cúc giải thích.
 
Cũng theo bà Cúc, Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm đạt chuẩn quốc gia từ năm 2006 và để nâng lên chuẩn II, nhà trường phải dạy thêm môn tự chọn là tin học nhưng trường chưa trang bị được phòng máy nên phải thuê bên ngoài cho học sinh học. Vì vậy, mỗi học sinh phải đóng 200.000 đồng/năm tiền học tin học nên tổng thu đội lên khoảng 500.000 đồng như phụ huynh phản ánh.
 

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận:

Cần phụ huynh hành động đúng
 
Việc chống lạm thu trong nhà trường không thể đạt kết quả nếu hành động đơn phương. Đối với những khoản được coi là lạm thu, nhà trường không thể thu nếu không được phụ huynh đồng tình. Tôi biết có không ít người với tư cách công dân thì phản đối các khoản thu không đúng quy định nhưng với tư cách phụ huynh học sinh, họ sẵn sàng rút tiền đóng cho con em mình.
 

Vì vậy, cần sự nhận thức và hành động thống nhất của mọi chủ thể. Bộ cũng đề nghị trong quá trình chống lạm thu của Bộ GD- ĐT, đề nghị phụ huynh thống nhất mục tiêu, hành động đúng để tiêu cực không tồn tại.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo