xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Phải bắt đầu từ chuyện nhỏ

Tố Trâm ghi

Xây dựng văn hóa pháp đình trong phòng xử án phải xoay quanh văn hóa của Hội đồng Xét xử. Ứng xử của Hội đồng Xét xử là thước đo thái độ, hành vi của những người còn lại

Văn hóa pháp đình là một khái niệm rộng, cấu thành bởi nhiều yếu tố. Tuy nhiên, tại buổi tọa đàm do TAND quận 5 - TPHCM tổ chức ngày 16-9, các đại biểu tập trung bàn về văn hóa ứng xử tại phiên tòa, bởi lẽ những điều tưởng chừng rất nhỏ nhưng chính những cái nhỏ sẽ xây dựng thành cái lớn.

 

img
Vụ án ma túy được TAND TPHCM xét xử lưu động tại quận 10 - TPHCM (Ảnh chỉ có tính minh họa). Ảnh: VY THƯ
 
 
Học ăn, học nói
 
Nhìn nhận từ góc độ văn hóa phi vật thể, văn hóa pháp đình thể hiện qua trình độ chuyên môn nghiệp vụ, khả năng giao tiếp, ứng xử khi thẩm vấn, tranh tụng tại phiên tòa của những người tiến hành tố tụng; văn hóa buộc tội của kiểm sát viên; văn hóa bào chữa của luật sư; văn hóa của người tham gia tố tụng; thái độ phản ứng của người tham dự phiên tòa; văn phong bản án; cách tuyên đọc bản án... Đặc biệt, vai trò của thẩm phán - chủ tọa phiên tòa rất quan trọng.
 

Muốn có văn hóa pháp đình, những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng cần xác định vị trí, quyền và nghĩa vụ của mình trong phiên tòa, biết cách lựa chọn để thực hiện quyền và nghĩa vụ đó.

Thực tiễn hoạt động xét xử cho thấy cùng vụ án, có nội dung, tính chất và căn cứ pháp luật như nhau nhưng thái độ ứng xử của chủ tọa (đôi khi chỉ một cái liếc mắt, vung tay, nhíu mày...) ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý và thái độ của đương sự, bị cáo trong và sau phiên tòa.
 
Vì vậy, ngoài việc nắm vững chuyên môn nghiệp vụ, nhạy bén về chính trị, tâm lý và văn hóa, thẩm phán  điều hành phiên tòa phải có thái độ điềm tĩnh, sử dụng ngôn từ chuẩn mực, câu hỏi phải chặt chẽ, rõ ràng, ngắn gọn tạo tâm lý yên tâm, tin tưởng cho người được hỏi, giúp họ hiểu và trình bày thẳng vào trọng tâm các vấn đề cần làm rõ của vụ án đồng thời tạo cho người tham gia phiên tòa một cảm giác tin tưởng vào sự công tâm của Hội đồng Xét xử (HĐXX).
 
Không phủ nhận cách ứng xử chưa đúng mực hay dùng lời nói cửa miệng trong khi xét xử của thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư  là những hiện tượng có thật. Nhưng sâu xa, những thiếu sót ấy không xuất phát từ bản chất văn hóa vốn có của họ mà do diễn biến quá nhanh tại các phiên tòa đôi lúc làm cho họ sai lầm trong việc chọn lựa tức thời ngôn ngữ giao tiếp.
 
Người xưa dạy: “Học ăn, học nói...”, muốn làm một công việc liên quan đến nói thì phải học. Học ở đây là học cách suy nghĩ trước khi phát biểu, học cách thức giữ bình tĩnh trước những phát biểu trái chiều của người khác, bỏ qua tự ái cá nhân...
 
Có trí tuệ, biết lắng nghe
 
Trong thực tế xét xử, có tình trạng chủ tọa phiên tòa ôm đồm, làm thay chức năng công tố của Viện Kiểm sát khi tự mình thẩm vấn từ đầu đến cuối. Trong khi đó, hơn ai hết, chủ tọa phải chuyên tâm, chăm chú theo dõi cuộc thẩm vấn tại tòa để hướng việc xét xử đi đúng trọng tâm, trọng điểm, khách quan và chỉ cần hỏi thêm những tình tiết cần làm sáng tỏ.
 
Cũng có những phiên tòa, HĐXX, kiểm sát viên tuyên bố không chấp nhận lời khai tại tòa của bị cáo vì mâu thuẫn với lời khai trong giai đoạn điều tra nhưng lại không nêu ra lời khai đó không phù hợp với các chứng cứ khách quan khác và tình tiết của vụ án...
 
Có tình trạng kiểm sát viên không theo dõi kỹ diễn biến tại phiên tòa, đưa ra những câu hỏi HĐXX đã hỏi làm cho phiên tòa kéo dài và rối thêm những chứng cứ pháp lý.
 
Hoặc kiểm sát viên hỏi xong lại không lắng nghe, bỏ qua phản biện của luật sư, bị cáo, nhân chứng; không trả lời được tất cả vấn đề luật sư đưa ra, không cập nhật toàn bộ diễn biến phiên tòa vào phần kết luận...
 
Vậy nên, điều cốt lõi của văn hóa nói chung và văn hóa pháp lý nói riêng thể hiện ở trình độ uyên thâm của trí tuệ và cách vận dụng trí tuệ phục vụ cho sự nghiệp chung.
 
Nếu thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư trong khi thi hành phận sự tại tòa án mà trình độ tranh luận của họ tình không đạt, lý không thông, lập luận hời hợt, khập khiễng, phiến diện, định kiến, nặng về suy diễn, thiếu căn cứ pháp lý và thực tiễn để chứng minh, áp dụng điều luật sai trong xét xử thì không thể nói là phiên tòa được tiến hành trong những điều kiện có văn hóa pháp đình và những người tiến hành tố tụng có văn hóa pháp lý được.
 
Tóm lại, muốn có văn hóa pháp đình, những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng cần xác định vị trí, quyền và nghĩa vụ của mình trong phiên tòa, biết cách lựa chọn để thực hiện quyền và nghĩa vụ đó.
 
Trong xu thế hội nhập hiện nay, văn hóa nơi pháp đình rất cần được xem xét và chỉnh đốn nghiêm túc, không chỉ để nâng cao tính tôn nghiêm của luật pháp mà còn là sự văn minh nơi pháp đình và uy tín của quốc gia. Và dĩ nhiên, đội ngũ thẩm phán, công tố viên, luật sư... phải là những người thay đổi trước tiên, từ những điều tưởng chừng nhỏ nhất.
 
Những chuyện mắt thấy, tai nghe
 
Bất chấp nội quy phiên tòa yêu cầu tất cả người tham dự tắt điện thoại di động, trong phòng xử án, thỉnh thoảng vẫn vang lên những khúc nhạc vui và không ít lần bắt đầu từ phía... dãy bàn cao nhất trong phòng xử án. Trong tình huống ấy, có vị lẳng lặng bấm tắt  điện thoại, cũng có vị cúi thấp người... trả lời điện thoại trong khi người bên cạnh đang thẩm vấn bị cáo.
 
Chuyện thẩm phán quay qua người ngồi cạnh trao đổi, bật cười thành tiếng trước câu trả lời ngớ ngẩn của bị cáo, đập bàn, lớn tiếng mắng nhiếc, quát nạt bị cáo là “quân lừa đảo”, thậm chí cắt ngang hay bảo các bị cáo “câm ngay!” thỉnh thoảng vẫn xảy ra.
 
Mới đây, tại phiên tòa phúc thẩm TAND Tối cao, khi bị cáo đang nói lời sau cùng, một vị thẩm phán nạt ngang: “Bị cáo xin giảm nhẹ chứ gì? Sao nãy giờ lôi thôi, dài dòng quá vậy?” (có lẽ vì còn phải xét xử thêm 4 vụ án, mà thời gian thì có hạn) khiến người tham dự giật mình ngạc nhiên, còn bị cáo miệng lúng búng như ngậm hột thị.
 
Một câu chuyện vui, có vị thẩm phán “thích” mắng bị cáo: “Điên khùng không mà làm vậy?” khiến bị cáo chỉ còn biết im lặng. Nhưng rồi một ngày, ông gặp một bị cáo “điên” thật, khi hỏi gì cũng chỉ biết... cười. Lần này, chúng tôi không nghe ông mắng bị cáo “điên” nữa.    
 
Điều thường xuyên xảy ra nhất chính là việc HĐXX thiếu tôn trọng người dân khi tự cho phép khai mạc phiên tòa hoặc tuyên án trễ hàng giờ, thậm chí hoãn phiên xử mà không cần báo lại cho đương sự, người liên quan trong vụ án.
 
Ngoài ra, nói đến giao tiếp trong hoạt động xét xử, còn có những người tham gia tố tụng và người dân tham dự phiên tòa. Trong nhiều phiên tòa, đương sự cố tình không tuân theo sự điều khiển của chủ tọa, văng tục, đe dọa người khác, cởi bỏ trang phục..., thậm chí tấn công cả HĐXX.
 
Không ít người dân “ngang nhiên” diện đồ bộ vào tòa. Thường xuyên nhất ở những phiên tòa lưu động là hình ảnh không ít người tham dự ngồi gác chân lên ghế, văng tục, ăn uống, phì phèo thuốc lá, để trẻ con chạy lăng xăng, quấy khóc... trong khi HĐXX đang làm việc.
 
Vy Thư

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo