Với hoạt động sản xuất kinh doanh, thế giới đang áp dụng chỉ số bền vững Dow Jones (DJSI). Các chỉ số này được sử dụng làm tiêu chuẩn để quản lý danh mục đầu tư của các quỹ toàn cầu, bởi trên thực tế, các công ty được xếp hạng cao với DJSI luôn mang lại nguồn thu nhập tốt và bền vững cho các nhà đầu tư. Hội nghị chuyên đề về phát triển bền vững tổ chức đầu tuần qua tại Thái Lan đã cho một góc nhìn mới về sự phát triển bền vững, qua kinh nghiệm của một số quốc gia và tập đoàn tên tuổi.
Toàn cảnh hội nghị chuyên đề về phát triển bền vững diễn ra tại Thái Lan
“Đo” hạnh phúc người dân
“Mọi quốc gia đều phải ở vị trí tạo hạnh phúc cho dân chúng”- ông Lyonpo Dr. Kinzang Dorji, nguyên thủ tướng, đặc phái viên của thủ tướng chính phủ Vương quốc Bhutan, nhấn mạnh quan điểm của Quốc vương Bhutan và khẳng định “phát triển kinh tế không đơn thuần làm cho con người hạnh phúc, chỉ số hạnh phúc quốc gia (Gross National Happiness - GNH) quan trọng hơn nhiều so với tổng sản phẩm xã hội (GDP)”! Quan điểm thịnh vượng quốc gia của Bhutan là luôn lấy người dân làm trọng tâm. Trước khi chính phủ phê duyệt bất cứ dự án nào, câu hỏi đặt ra là tăng trưởng kinh tế làm sao giữ ổn định môi trường, bảo tồn di sản văn hóa, bảo đảm đa dạng sinh học, bảo đảm hạnh phúc của mỗi cá nhân...
GNH được xây dựng từ 72 tiêu chí, trong đó có 4 trụ cột chính, bao gồm: bảo vệ môi trường, bảo vệ văn hóa, quản trị nhà nước tốt, phát triển kinh tế. Chỉ số này được tổng hợp từ các cơ quan trên khắp đất nước, song hành cùng các chỉ tiêu đánh giá như GDP. Bất cứ dự án đầu tư nào nếu không đáp ứng các yêu cầu GNH sẽ không được cấp phép. “Chúng tôi hiểu rằng không thể phát triển kinh tế bằng mọi giá mà phải bảo tồn tài nguyên, tính toán sử dụng hợp lý sẽ tạo sự đồng thuận trong xã hội. Các chính sách đòi hỏi phải có sự tham gia của mọi thành phần xã hội từ chính phủ, doanh nghiệp đến người dân”- ông Lyonpo Dr. Kinzang Dorji chia sẻ.
Thân thiện với môi trường
Là diễn giả chính của nước chủ nhà, ông Korn Chatikavanit, Bộ trưởng Tài chính, đại diện của thủ tướng Chính phủ Thái Lan, đăng đàn với sơ mi trắng giản dị (nhà tổ chức đã khuyến khích các đại biểu dự hội nghị giảm khí thải bằng việc không mặc veston và thắt cà vạt vì nhiệt độ trong phòng chỉ giữ ở 260C). Theo ông, Thái Lan đã áp dụng khoa học và công nghệ cho sự phát triển bền vững. Chính phủ khuyến khích các công ty tư nhân phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường như nhiên liệu sinh học, nhiên liệu thay thế và hoàn toàn không chất thải. Doanh nghiệp sử dụng năng lượng sạch được ưu đãi thuế...
Đưa ra bài học ô nhiễm của BP tại Bắc Mỹ với thiệt hại môi trường lên đến hàng tỉ USD, ông Korn Chatikavanit nhấn mạnh: “Nếu các tổ chức kinh tế tư nhân không quan tâm đến phát triển bền vững, thân thiện với môi trường thì khả năng dẫn đến phá sản rất dễ xảy ra”. Yêu cầu của Chính phủ Thái Lan là chọn lọc các dự án đầu tư nào có lợi, duy trì ổn định xã hội và không gây tác động xấu đến môi trường.
Ông Kan Trakulhoon, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành SCG - tập đoàn công nghiệp vừa đạt chứng chỉ vàng về DJSI năm 2010, nêu kinh nghiệm: Để phát triển bền vững, cần sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách hữu ích và hiệu quả nhất. SCG có những dự án xây đập giữ nước, khôi phục rừng và hệ đa dạng tự nhiên. Biến khí thải từ những nhà máy thành năng lượng sản xuất điện, nước thải trong quá trình sản xuất được xử lý thành nước sạch có thể nuôi cá... Kết quả, SCG giảm được đến 20% lượng tiêu thụ điện năng, giảm 55 tấn khí carbon thải ra môi trường.
“Các tài nguyên đang sử dụng cần phải để dành cho thế hệ tương lai. Phát triển kinh tế bằng mọi giá không hẳn mang lại hạnh phúc cho người dân”. Đó là thông điệp chuyển tải từ hội nghị. Nói như nguyên thủ tướng Bhutan - vương quốc khởi xướng triết lý sống hạnh phúc: “Không có một công thức thần kỳ nào cho GNH mà hoàn toàn do ý thức và nỗ lực của con người!”.
Theo Tầm nhìn 2050 của Hội đồng Doanh nghiệp thế giới về phát triển bền vững, dân số thế giới sẽ tăng lên đến 9 tỉ vào năm 2050, trong khi các nguồn tài nguyên thiên nhiên đang bị khai thác triệt để. Do vậy, công nghệ và đổi mới sẽ là giải pháp để cân bằng sự tăng trưởng toàn cầu, bảo vệ môi trường và xã hội. |
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!