Dù nhu cầu trên thế giới tăng cao nhưng giá cá tra xuất khẩu của VN luôn sụt giảm. Trước đây, giá cá tra xuất khẩu chỉ giảm 1-2 tháng, sau đó phục hồi và tăng trở lại nhưng từ đầu năm đến nay lại liên tục giảm, đến mức thấp kỷ lục.
Chế biến cá tra xuất khẩu
Giá nào cũng xuất
Theo Hiệp hội Chế biến - Xuất khẩu Thủy sản VN (VASEP), nhiều doanh nghiệp (DN) đã cố tình hạ thấp giá xuất khẩu để cạnh tranh và giảm chất lượng sản phẩm, gây tổn hại đến thương hiệu cá tra VN trên thị trường thế giới.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, cho biết tại thị trường Mỹ, giá cá tra VN giảm 6%/năm; nhiều nước châu Âu, Trung Đông, Ai Cập... cũng giảm đáng kể. Các DN tham gia xuất khẩu ngày càng nhiều, kể cả DN thương mại. Hằng năm, khu vực Trung Đông nhập khoảng 80.000 tấn cá tra VN từ 50 DN nhưng năm nay có tới 100 DN nhảy vào thị trường này, cạnh tranh nhau và đẩy giá xuống liên tục.
Theo bà Nguyễn Thị Ánh, Giám đốc Công ty Sopico, ngày càng có quá nhiều DN chế biến làm ăn không lành mạnh, chỉ riêng một phường tại TP Mỹ Tho - Tiền Giang đã có đến 8 nhà máy. Nhiều DN không có nhà máy chế biến cũng tổ chức thu mua nguyên liệu kém chất lượng rồi thuê nhà máy sơ chế, đóng gói và xuất khẩu với giá chào bán chỉ 1,6 USD/kg, trong khi giá của các công ty làm ăn nghiêm túc là 2,5 USD/kg. VASEP cho rằng chất lượng cá cũng bị các nhà xuất khẩu hạ phẩm chất để hạ giá thành nhằm cạnh tranh.
Ông Trần Huy Hiển, Phó Giám đốc Công ty Docifish, cho biết hiện có 100 nhà máy chế biến nhưng lại đến hơn 200 DN “trading” - chỉ làm thương mại - cũng tham gia thị trường xuất khẩu, trong khi không có quy định nào kiểm soát các DN này gây náo loạn thị trường. Ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng Giám đốc Công ty Cafatex, cho biết thời gian qua, các DN đua nhau giảm giá, giá nào cũng bán kể cả bán nợ, bán chịu làm ảnh hưởng rất lớn đến ngành cá tra trong nước.
Giá cá tra ở các nước giảm mạnh nên một số quốc gia áp dụng mức thuế chống bán phá giá cũng gây khó khăn cho thị trường xuất khẩu. Xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ từ nay đến cuối năm và những tháng đầu năm 2011 sẽ tiếp tục giảm mạnh do Bộ Thương mại Mỹ công bố mức sơ bộ thuế chống bán phá giá lên đến 130% đối với cá tra phi lê đông lạnh của VN. Ukraine cũng đã cảnh báo cá nhập khẩu từ vài nước, trong đó có VN, do phát hiện một số lô hàng có chất độc hại; Brazil tuyên bố sẽ có biện pháp kiểm soát an toàn...
Tăng giá sàn cá tra xuất khẩu
Ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch VASEP, cho biết để vực dậy ngành cá trong nước cũng như chấn chỉnh thị trường xuất khẩu cho năm 2011, hiệp hội và 20 DN xuất khẩu cá tra hàng đầu đã thống nhất đưa ra 4 nhóm giải pháp, gồm: Tăng giá xuất khẩu trung bình; ổn định sản lượng nguyên liệu, bảo đảm cung - cầu; tăng cường quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn sản phẩm và đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại.
Từ đầu năm 2011, mức giá sàn xuất khẩu cá tra sẽ được đưa ra. Định kỳ 3 tháng (hoặc đột xuất), chủ tịch Ủy ban Cá nước ngọt VASEP (VFFC) triệu tập cuộc họp với 20 DN hàng đầu và đại diện của Cục Quản lý chất lượng nông lâm - thủy sản (Nafiqab) xem xét tình hình thực tế để công bố mức giá sàn. DN nào vi phạm sẽ đề nghị Nafiqab tạm ngưng cấp chứng thư xuất khẩu có thời hạn. Trước mắt, giá sàn sẽ áp dụng cho thị trường EU, Mỹ, Trung Đông, sau đó sẽ mở rộng. Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch VFFC, cho biết mức giá sàn đề xuất sẽ là 2,8 USD/kg áp dụng cho thị trường EU, Nga, Trung Đông; còn giá sàn thu mua nguyên liệu trong nước sẽ được duy trì ở mức 20.000 đồng/kg.
VASEP cũng kiến nghị Bộ NN-PTNT quy hoạch ổn định sản lượng nuôi cá tra xuất khẩu trong vòng 3 năm để cân đối cung - cầu và người nuôi có lãi. Ngoài ra, xây dựng hình ảnh chất lượng cá tra VN trên thị trường quốc tế; đưa ra tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm cá tra xuất khẩu; quy định chứng nhận chất lượng đối với các công ty thương mại để giám sát tình trạng làm ăn chụp giựt...
Người nuôi cá chịu thiệt
Do đua nhau giảm giá cá tra xuất khẩu nên nhiều DN phải giảm giá thu mua nguyên liệu trong nước. Người nuôi cá tra không có lãi, thậm chí lỗ 2.000 - 3.000 đồng/kg nên tình trạng bỏ ao ngày càng nhiều.
Thực trạng đó khiến các DN xuất khẩu “đói” nguyên liệu, trong năm 2011 khó tránh khỏi thiếu hụt khoảng 30% lượng nguyên liệu. Nguyên liệu trong nước chỉ khoảng 1 triệu tấn, trong khi công suất chế biến của các nhà máy đã lên đến 2 triệu tấn/năm. |
Bình luận (0)