Ngày 27-10, Báo điện tử Vietnamnet đã có cuộc tranh luận trực tuyến về dự án bauxite Tây Nguyên với chủ đề “Nên tiếp tục hay dừng”. Cuộc tranh luận đã gây sự chú ý của dư luận vì được tổ chức ngay sau khi hơn 1.500 nhân sĩ - trí thức gửi kiến nghị lên Quốc hội đề nghị dừng triển khai dự án.
Dự án khai thác bauxite ở Nhân Cơ (Đắk Nông) đang được xây dựng. Ảnh: LỮ HỒ
Chưa có đánh giá rủi ro theo xác suất
Ông Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường kiêm Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, cho biết đối với VN, việc khai thác bauxite còn rất mới nên Chính phủ đã yêu cầu các bên liên quan thẩm định kỹ về vấn đề môi trường. Văn bản phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án Nhân Cơ (Đắk Nông) đã nêu rõ: Nếu chủ đầu tư làm đúng thiết kế thì môi trường sẽ được bảo đảm tốt, chỉ trừ xác suất rất nhỏ. Tuy nhiên, tỉ lệ xác suất của dự án chưa được tính toán theo thông lệ của ngành khoa học đánh giá và quản lý rủi ro.
Lý giải nguyên nhân lựa chọn công nghệ thải ướt, ông Nguyễn Thanh Liêm, Trưởng Ban Nhôm - Titan (Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản VN - TKV), cho biết vì công nghệ này có tỉ lệ áp dụng cao trên thế giới. Công nghệ thải khô thường được áp dụng ở nơi mưa ít, lượng bốc hơi lớn; còn thải ướt được áp dụng tại nơi có mưa nhiều, lượng bốc hơi nhỏ, phù hợp với địa hình Tây Nguyên có 6 tháng mùa mưa.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Công ty Năng lượng sông Hồng (TKV), cho rằng thải ướt liên quan đến xút ăn da, không liên quan đến độ ẩm và lượng mưa. Bùn đỏ có chứa xút gây phỏng hóa học, rất nguy hại cho môi trường và con người nhưng được áp dụng nhiều hơn vì thải khô mới được phát hiện gần đây, trong khi ngành luyện nhôm đã có từ hơn 100 năm nay. “VN xác định đi tắt đón đầu lẽ ra phải tận dụng ngay công nghệ mới” - ông Sơn nói.
Nhà văn Nguyên Ngọc - người gắn bó với Tây Nguyên gần 50 năm - khẳng định đã đi khảo sát thực tế và nhận thấy vị trí đặt hồ chứa bùn không phải nằm ở thung lũng như TKV nói mà nằm trong các khe tạo ra bởi những quả đồi úp bát. “Mùa mưa ở Tây Nguyên lên đến hàng ngàn mm/tháng, rừng đã bị tàn phá nên tai họa xảy ra sẽ không còn xa” – nhà văn lo ngại.
Theo ông Nguyễn Thành Sơn, vị trí đặt hồ chứa bùn nằm tại các điểm tụ thủy, về mặt kiến tạo, đó còn là các khay địa chất có đứt gãy, thiết kế theo mức độ động đất cấp 7-8 là không an toàn. Bảo vệ quan điểm của TKV, ông Nguyễn Thanh Liêm đề nghị ông Sơn đưa ra các số liệu chứng minh về điểm đứt gãy và khẳng định đó là các vị trí phân thủy, chỉ hứng mưa chứ không tụ nước như ông Sơn nói. Ông Nguyễn Thanh Liêm cũng cho biết nếu nghiên cứu thấy công nghệ thải khô an toàn hơn, TKV sẽ đề nghị Chính phủ áp dụng ngay.
Nghi ngờ hiệu quả kinh tế
Phần tranh luận về tính hiệu quả kinh tế của dự án cũng không kém gay gắt khiến người dẫn chương trình của Vietnamnet phải nhiều lần ngắt lời. Theo ông Nguyễn Thanh Liêm, dự án Tân Rai (Lâm Đồng) thuận lợi hơn dự án Nhân Cơ (Đắk Nông). Đối với dự án Nhân Cơ, Chính phủ đã yêu cầu kiểm tra hiệu quả vì nhận được nhiều ý kiến lo ngại. Bộ Công Thương đã thành lập hội đồng khoa học, mời Viện Tư vấn kinh tế (Bộ Xây dựng) tham gia và kết luận cho thấy dự án này vẫn có thể đạt hiệu quả kinh tế, tuy mức rủi ro là cao. “Nếu được miễn thuế, hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án sẽ rõ hơn” – ông Liêm nói.
Không đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Thành Sơn cho rằng nhà máy bauxite lẽ ra phải nộp thuế cao hơn vì chi phí nguyên liệu đầu vào bằng 0, trong khi chiếm đến 70% giá trị trong các ngành sản xuất khác. Ông Sơn chỉ rõ: Vừa khủng hoảng, alumin rớt giá, chỉ còn 180 USD/tấn, bằng 1/2 mức TKV dự kiến. Dự báo năm 2011, giá alumin không quá 270 USD/tấn. Năm 2013, khi cả hai nhà máy đi vào hoạt động, sản lượng alumin dư thừa của cả thế giới tăng từ 1-1,5 triệu tấn lên khoảng 16 triệu tấn. Như thế, hiệu quả kinh tế của dự án đã vỡ ngay từ khi triển khai.
Phải có phân tích, đánh giá khoa học
Đại diện cơ quan quản lý, ông Bùi Cách Tuyến, cho rằng dự án bauxite Tây Nguyên là vấn đề đa biến, không thể dùng khái niệm cảm quan để nói tiếp tục triển khai hay dừng. Phải có các phân tích, đánh giá rủi ro dựa trên phương pháp khoa học. Trên cơ sở đó, Chính phủ ráp các biến số lại thành phương trình để có kết quả chính xác. |
Bình luận (0)