Ngày 4-11, Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ về dự án Luật Chứng khoán và nghe tờ trình dự án Luật Đo lường, dự án Luật Thủ đô và báo cáo tổng kết, báo cáo thẩm tra công trình Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường của QH, việc kết thúc xây dựng và đưa vào vận hành Nhà máy Lọc dầu số 1 Dung Quất cho thấy còn một số hạn chế.
Theo đó, dự án đã chậm tiến độ 9 năm so với nghị quyết của QH khóa X. Giai đoạn trước năm 2005, dự toán và phương án huy động tài chính, lựa chọn nhà thầu liên danh chưa chuẩn xác.
Mặc dù nhà máy đã hoạt động 100% công suất nhưng vẫn còn một số vấn đề về kỹ thuật. Ngoài ra, công tác di dân, tái định cư, bồi thường, giải phóng mặt bằng ở dự án này vẫn cần được quan tâm xử lý.
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất có thể đáp ứng 30% nhu cầu xăng, dầu trong nước. Ảnh: TẤN THẠNH
Theo báo cáo của Chính phủ, chỉ số IRR (suất sinh lời thực tế của dự án mang lại) của dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất ước đạt 7,66%. Khi nhà máy đi vào vận hành đáp ứng khoảng 30% nhu cầu xăng, dầu trong nước, giảm bớt phụ thuộc từ bên ngoài. Đến cuối tháng 9-2010, nhà máy đạt doanh thu trên 25.000 tỉ đồng, nộp ngân sách khoảng 3.000 tỉ đồng.
Tập đoàn Dầu khí VN (Petro Vietnam), chủ đầu tư dự án, đang tiến hành chọn lựa, chế biến từ dầu thô của nước ngoài có khả năng thay thế dầu thô VN để linh hoạt nguồn nguyên liệu và mở rộng công suất nhà máy lên 8-10 triệu tấn/năm. Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu xây dựng một cụm lọc hóa dầu lớn tại miền Trung, tăng hiệu quả tổng thể dự án lọc dầu Dung Quất.
Nhiều KCN chưa xử lý nước thải
Bộ Tài nguyên - Môi trường vừa hoàn tất báo cáo QH về công tác thanh tra, kiểm tra năm 2010 trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo đó, đã tiến hành thanh tra 260 cơ sở sản xuất, KCN trên địa bàn 46 tỉnh, thành trong cả nước. Bộ Tài nguyên - Môi trường đánh giá trong đó có gần 74,5% cơ sở sản xuất, KCN vẫn chưa thực hiện đúng nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường, nhiều cơ sở chủ yếu là đối phó với cơ quan quản lý Nhà nước; nhiều KCN đã hoạt động nhưng chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung...
Trong khi đó, nhiều trường hợp đoàn thanh tra đã lập biên bản vi phạm hành chính, chuyển hồ sơ đề nghị ra quyết định xử phạt nhưng UBND tỉnh, thành chưa hoặc không ra quyết định xử phạt như An Giang, Bến Tre, Đà Nẵng, Quảng Trị, Đồng Tháp, Gia Lai, Hậu Giang, Đắk Lắk... |
. Theo tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Thủ đô, thủ đô Hà Nội sẽ được một số cơ chế, chính sách mang tính đặc thù nhằm phục vụ công tác quản lý của TP. Dự luật cũng đưa ra những yêu cầu cao hơn, nghiêm ngặt hơn đối với thủ đô so với mặt bằng chung của cả nước.
Trong đó có nội dung được nhiều người quan tâm là quy định HĐND TP Hà Nội được quyền quy định thu phí lưu thông một số phương tiện ở nội thành nhằm hạn chế ùn tắc, tai nạn giao thông. Dự kiến, sẽ thu phí lưu thông đối với 2 loại phương tiện cá nhân là xe máy và ô tô.
Ngoài ra, HĐND TP được quyền ban hành chính sách sử dụng các phương tiện giao thông cá nhân phù hợp với điều kiện kết cấu hạ tầng giao thông và yêu cầu quản lý của thủ đô.
Hà Nội được quyền áp dụng mức xử phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm hành chính ở nội thành cao hơn mức xử phạt áp dụng chung cho cả nước trong lĩnh vực văn hóa, đất đai, môi trường, xây dựng, giao thông vận tải và cư trú nhằm giảm tình trạng ùn tắc giao thông, đất công bị lấn chiếm, ô nhiễm môi trường, đô thị hóa...
Về quản lý dân cư, có một số ý kiến băn khoăn việc đặt thêm các điều kiện hạn chế cư trú ở khu vực nội thành có trái với hiến pháp. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường lý giải Luật Thủ đô có bổ sung cho các luật hiện hành, về nguyên tắc không trái với hiến pháp.
Hôm nay, 5-11, QH làm việc tại hội trường.
Bình luận (0)