Thậm chí, các VĐV nước nhà còn đoạt được huy chương Olympic cũng như khẳng định vững chắc ngôi vị số 2 Đông Nam Á ở các kỳ SEA Games. Nhưng bảng tổng sắp ASIAD 2010 bộc lộ thực tế phũ phàng: VN trắng tay HCV, xếp sau chẳng những Thái Lan, Malaysia mà cả Philippines (2 HCV)!
Đâu là nguyên nhân của thất bại, đa số người hâm mộ không chấp nhận câu giải thích hên xui, may rủi ngẫu nhiên trên sàn đấu! Liệu có phải ngẫu nhiên mà niềm hy vọng cử tạ Hoàng Anh Tuấn “xài” trúng chất kích thích rồi bị loại với nghi án doping trước ngày thi đấu, còn kình ngư Nguyễn Hữu Việt tự dưng trượt chân ở thời điểm xuất phát khiến bao nhiêu công sức chuẩn bị, tiền của Nhà nước đầu tư trôi xuống sông xuống biển?
Liệu có phải chỉ là xui xẻo việc đội cờ vua nam ngây thơ không biết quy định ưu tiên đối đầu trực tiếp tại ASIAD, hay pha súng cướp cò của xạ thủ Xuân Vinh ở lượt bắn chót hoặc võ sĩ Hoài Thu ngây thơ rơi vào bẫy vờ bị chấn thương của đối thủ Thái Lan? Ồ không, trong thất bại của đoàn VN hiện diện rõ nét sự hời hợt, sai lầm tâm lý lẫn chuyên môn, từ khâu chuẩn bị đến thi đấu, từ VĐV đến HLV, để rồi thể thao nước nhà phải trả giá rất đắt.
Cả các quan chức quản lý, hoạch định thể thao nước nhà cũng không thể trốn tránh trách nhiệm. Thực tế người hâm mộ cũng có nghe vài câu xin lỗi nhưng họ có quyền đòi hỏi thái độ nghiêm túc và giải trình trách nhiệm cụ thể hơn: Chẳng hạn ai đã chọn, quyết định đầu tư mũi nhọn này, trọng tâm kia để rồi người được đầu tư tốn kém lại thất bại ngay từ trước khi ra trận? Ngược lại, các nữ VĐV đua thuyền chỉ tập luyện trong nước và nhận điều kiện đãi ngộ kém xa nhiều đồng nghiệp danh giá lại đem về 2 HCB, cũng như đội điền kinh nữ không có được môi trường thử thách tốt nhất vẫn giành được những huy chương khiến người hâm mộ nức lòng. Thể thao không có chỗ cho chữ nếu, tuy nhiên nhiều khả năng màu huy chương có thể đã đổi nếu những nhà điều hành thể thao nước nhà xác định đúng đắn hơn mũi nhọn để đầu tư.
Chúng ta vẫn thường nghe câu nói thể thao VN còn nghèo để lý giải thất bại nhưng thực tế chưa hẳn thế. Chẳng lẽ vào thời của Quang Hạ hay Hiếu Ngân – HCB Olympic 2000, thể thao VN lại giàu hơn? Các nhà điều hành thể thao nước nhà nên dũng cảm thừa nhận sự thực: “Nghèo” của thể thao là nghèo ở tầm quản lý để từ đó cương quyết khắc phục. Bằng không, cảnh đi lùi của thể thao VN sẽ vẫn đe dọa... tiếp diễn!
Bình luận (0)