Tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG) diễn ra ngày 7-12 ở Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết CG năm nay diễn ra trong bối cảnh đặc biệt vì là năm cuối của kế hoạch 5 năm (2006 - 2010), bước chuẩn bị một giai đoạn phát triển mới khi VN trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình, GDP đạt khoảng 6,7%, tăng trưởng bình quân cả 5 năm đạt khoảng 7% và GDP bình quân đầu người đạt khoảng 1.160 USD.
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại VN, cảnh báo trong tương lai, các khoản tài trợ “mềm” (rẻ) cho VN dưới dạng tài trợ phát triển sẽ giảm và việc tiếp cận các nguồn vốn sẽ đắt đỏ hơn.
Điều phối viên thường trú Liên Hiệp Quốc tại VN, ông John Hendra, cho rằng VN không nên lặp lại những sai lầm của quốc gia khác là chỉ dồn sức để đạt tăng trưởng bằng mọi giá mà bỏ qua những cái “bẫy” khiến bất bình đẳng gia tăng và xuất hiện nhiều loại hình nghèo mới. Ông hy vọng Chính phủ VN sẽ tiếp tục cân bằng các mục tiêu phát triển xã hội. Liên Hiệp Quốc mong muốn tiếp tục hỗ trợ VN trong việc thực hiện công ước chống tham nhũng.
Báo cáo của WB cho thấy nợ xấu trong mấy tháng qua tiếp tục tăng do một loạt ngân hàng “dính” nhiều tài sản rủi ro từ vụ Vinashin. Đại sứ Mỹ tại VN, ông Michael Michalak, nêu rõ doanh nghiệp Nhà nước ngày càng tỏ ra kém hiệu quả trong việc sử dụng vốn đầu tư. “VN cần chứng tỏ cho các nhà đầu tư thấy rằng VN có thể tạo và duy trì được một sân chơi đẳng cấp trong nước. Vấn đề quản lý ngân hàng hiện nay có thể gây ra sự xói mòn lòng tin đối với các nhà đầu tư” - ông Michalak nói.
Các đối tác phát triển tham gia CG lần này tỏ ra lo ngại về tình trạng lạm phát ở VN đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt vào những tháng cuối năm. Ông Masato Miyazaki, Trưởng Phòng Vụ châu Á - Thái Bình Dương thuộc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cho biết VN hiện đang có tỉ lệ lạm phát cao nhất trong toàn bộ khu vực Đông Á - Thái Bình Dương với hơn 10% dự kiến trong năm nay.
Chuyên gia kinh tế trưởng của WB, ông Deepak Mishra, bày tỏ lo ngại về mục tiêu kiểm soát lạm phát cũng như con số về lạm phát thực tế được công bố. “Đối với chính sách tài khóa và tiền tệ, các nhà đầu tư cần nhiều thông tin hơn, nhất là về ổn định kinh tế vĩ mô cần được công bố rộng rãi hơn” - ông Deepak Mishra đề nghị.
Bình luận (0)