Bà N.L. là một trường hợp đặc biệt đến nỗi bà con trong phường ai cũng biết tiếng và đặt cho bà biệt danh “Bà chiều chồng”. Sáng sáng, bà đi mua phở, bún, hủ tíu… về cho ông ăn. Sau đó, về nhà, bà ủi sẵn đồ cho ông mặc ra phố, áo mà lỡ nhăn một chút, ông nhăn còn nhiều hơn gấp trăm lần. Đồ ăn mà trái ý, ông hất đổ cả mâm cơm, bà phải lui cui chạy đi mua món khác.
Nếu như bà N.L. thuộc thế hệ trước, hành xử có phần “cổ điển” thì chị M.Q. lại làm nhiều người ở ấp Đ., huyện Hóc Môn TP.HCM ngỡ ngàng khi biết chuyện, vì chị mới ngoài ba mươi và đang làm công nhân viên chức, có trình độ đại học hẳn hòi mà lại “xử lý” chuyện nhà quá kỳ lạ. Lập gia đình với người chồng hơn mình chục tuổi, chị nghĩ mình nhỏ hơn chồng nên nhất nhất cái gì anh nói, chị cũng nghe theo. Không chỉ vậy, dù chị là cột trụ kinh tế chính trong gia đình nhưng mọi việc chị đều để anh quyết định.
Dạo quanh các diễn đàn dành cho nữ giới trên mạng, có thể bắt gặp hàng trăm câu chuyện oái oăm tương tự. Không chỉ có những người phụ nữ thuộc thế hệ trước mà có rất nhiều phụ nữ trẻ, thậm chí mới ngoài hai mươi mà cũng đóng đinh số phận mình trong suy nghĩ “chồng chúa, vợ tôi” như thế.

Đi tìm cân bằng trong cuộc sống vợ chồng, không dễ có câu trả lời thỏa đáng. Tiến sĩ tâm lý Trần Thị Giồng cho rằng: “Trong thời hiện đại, người phụ nữ phải đảm đang nhiều việc. Nhưng đừng nhầm lẫn và hiểu lệch lạc về thiên chức của người phụ nữ là phải cung phụng hoặc cho đi mà không yêu cầu nhận lại. Có những chị em hiểu sai, cho rằng thiên chức phụ nữ là phải phục vụ và tận hiến cho gia đình một cách mù quáng, đến mức bị đánh đập, bạo hành cũng không lên tiếng. Điều đó là không nên”.
Đi tìm câu trả lời thế nào là cân bằng trong cuộc sống vợ chồng, BS Đoan Trang (BV Từ Dũ) ví von: “Không thể bắt đàn ông sinh con để cân bằng, nhưng cân bằng là khi phụ nữ sinh con và đàn ông phải chăm sóc chúng cùng với người đàn bà của mình. Chia việc nhau để cùng làm chứ không nên dồn tất cả vào người phụ nữ. Bản thân những người phụ nữ cũng phải ý thức được rõ ràng chức phận của mình và cần có sự phân công rõ ràng trong gia đình về công việc, về trách nhiệm. Đừng ngại khi “đòi hỏi” như thế, vì càng ngại, đối phương sẽ càng lấn tới và dẫn đến việc cán cân cho – nhận ngày càng lệch đến mức không thể kiểm soát được”.
Đến tận bây giờ, khi đã ngoài bảy mươi, bà L. vẫn sống chung với người chồng. Ông càng già càng trái tính trái nết và đòi hỏi nhiều hơn. Con cái lớn lên, phân tích thiệt hơn với mẹ và “nói chuyện” riêng với cha nhiều lần để ông bớt “đành hanh” với vợ, bớt đòi hỏi. Các con cũng dành nhiều thời gian để tâm sự với mẹ, dẫn mẹ đi chơi và nấu cho bà ăn… Nhưng sau vài chục năm, các con bà L. cũng chỉ chăm sóc bù đắp phần nào những thiệt thòi của bà chứ chẳng thể làm cho cán cân cho – nhận của ông bà cân bằng vì ông vẫn thế, vẫn chưa bao giờ an ủi đôi câu hoặc rót cho bà ly nước uống thuốc khi đau ốm. Chị K. con gái của bà xót xa: “Không biết đến ngày mẹ tôi nhắm mắt, cha tôi có ủi cho mẹ tôi cái áo cuối cùng được không?”. Nghe mà cay đắng.
Trường hợp chị Q. có khác hơn. Khi bị stress, chị tìm đến bác sĩ tâm lý và phát hiện ra rằng nguyên nhân thực sự của việc chị bị lãnh cảm chính là vì chị luôn cho đi mà không hề đòi nhận lại. Chị không thích mà vẫn chiều chồng, lâu ngày dài tháng, việc nhắm mắt cho xong chuyện đã làm chị mất hứng thú chăn gối. Một mình gánh vác từ chuyện kiếm tiền đến những chuyện lớn nhỏ trong gia đình khiến chị không còn thời gian nghĩ đến mình nữa và cũng chẳng có được niềm vui nào cho riêng mình.
Xung quanh việc cho và nhận trong hôn nhân vẫn còn nhiều vấn đề cần nói. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, chẳng ai chỉ bảo hay áp dụng được nguyên mẫu từ trường hợp của người khác. Suy cho cùng, việc lệch cán cân cho – nhận cũng là một loại bệnh trong hôn nhân cần được chính người trong cuộc tự chẩn trị để giữ “sức khỏe” của cuộc hôn nhân luôn tốt.
Bình luận (0)