xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

AVG và chiến lược thống trị

Bài và ảnh: MẠNH DUY

Chủ tịch Hội đồng Quản trị AVG nhiều lần khẳng định mình là “cư sĩ ở ẩn” nhưng lại cho thấy AVG đang ấp ủ một chiến lược kinh doanh đầy tham vọng về bản quyền truyền hình thể thao

Dù mới xuất hiện nhưng AVG (An Viên Group) đã làm mưa làm gió trên lĩnh vực bản quyền truyền hình thể thao. Sáng qua, 18-12, người đứng đầu AVG đã tổ chức một cuộc ra mắt báo giới tại Hà Nội để giới thiệu tập đoàn này và công bố các điểm cơ bản trong chương trình “Hành động vì thể thao VN” cũng như việc ký kết các bản quyền truyền hình thể thao của AVG.

 
Cư sĩ và doanh nhân
 
Tên tuổi Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ ngày càng trở nên quen thuộc trong giới truyền hình và đầu tư mạo hiểm nhưng vị doanh nhân này là một người khá kín tiếng. Dù thân thế và lai lịch của ông chủ AVG đã được nhiều người biết đến nhưng trước báo giới, vị doanh nhân họ Phạm này lại có những lời giới thiệu gây tò mò.
 
“Tôi là một cư sĩ ở ẩn, tu tại gia và theo đạo Phật. Trước đây, tôi và anh tôi (ông Phạm Nhật Vượng, người đứng đầu Tập đoàn Vincom- PV) có làm ăn tại Nga và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Việc làm ăn cũng tương đối tốt nên chúng tôi muốn mở rộng đầu tư về nước”- ông Vũ giới thiệu.
 
Chủ tịch AVG giãi bày: “Tôi không phải là người thích xuất hiện trước công chúng hay ở chỗ đông người nhưng thời gian qua, những thông tin khác nhau trên báo chí nói về AVG khá nhiều nên tôi buộc phải nói lại về mình và tập đoàn”.
 
 
img
Doanh nhân Phạm Nhật Vũ: “Tôi là một cư sĩ ở ẩn”

 
Theo giải thích của ông Vũ, AVG không phải là tập đoàn truyền thông hay nghe nhìn mà là nhóm các nhà đầu tư An Viên. Năm 2008, Công ty CP Nghe nhìn toàn cầu (cũng có tên tiếng Anh viết tắt là AVG) được thành lập với vốn điều lệ 1.800 tỉ đồng, hoạt động trong lĩnh vực thiết lập mạng hạ tầng và cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng truyền hình kỹ thuật số mặt đất, kỹ thuật số vệ tinh...
 
Vị doanh nhân tự nhận mình là “cư sĩ ở ẩn” còn cho biết: “Có nhiều thông tin khác nhau về AVG. Cá nhân tôi không sợ người ta nghĩ xấu hay nghĩ sai về mình. Tôi chỉ sợ cái tâm mình sai, tâm mình xấu thôi. Thực chất, tôi cũng là một nhà báo và hiện là Phó Tổng Biên tập của Tạp chí Phật học nên tôi thấy rằng cần phải nói rõ để công luận và báo giới hiểu hơn về mình, biết mình là ai, bởi nếu như đưa thông tin tới bạn đọc mà không chính xác thì cũng là một cái tội”.
 
K+ thứ hai?
 
Dù ấp ủ những kế hoạch lớn trong lĩnh vực truyền hình nhưng Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ cho hay: “AVG không phải là đài truyền hình mà là đơn vị truyền dẫn phát sóng và sản xuất, cung cấp dịch vụ truyền hình giải trí có thu phí”.
 
Hiện tại, dù đã thâu tóm được bản quyền V-League và các giải đấu điền kinh của VN trong 20 năm tới nhưng AVG vẫn đang triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật truyền dẫn của mình. Theo ông Vũ, các kênh của AVG sẽ phát sóng thử nghiệm từ tháng 1-2011 nhưng phải đến cuối năm 2011 khán giả mới chính thức xem được các kênh truyền hình của tập đoàn này.
 
Liên quan đến lĩnh vực bản quyền truyền hình thể thao hiện đang rất “nóng”, AVG đã cho ra mắt một chương trình có cái tên khá kêu: “Hành động vì thể thao VN”. Mục tiêu của chương trình này nghe qua cũng khiến giới thể thao cảm thấy phấn khích và muốn hợp tác ngay với AVG, bởi tập đoàn này muốn “nâng cao hình ảnh của thể thao VN theo hướng chuyên nghiệp, phù hợp với chủ trương xã hội hóa của thể thao VN; quảng bá và cung cấp hình ảnh về thể thao VN, đưa các giải đấu, các sự kiện bên lề đến với người hâm mộ trong và ngoài nước...”.
 
 
img
Ông Trần Đăng Tuấn (phải) tại buổi giới thiệu về AVG
 
 
Để thực hiện chiến lược này, AVG đã xúc tiến đàm phán với hàng loạt liên đoàn thể thao để mua lại bản quyền truyền hình trong quãng thời gian dài chưa từng có: 20 năm.
 
Những liên đoàn lớn mạnh và giàu có như bóng đá, điền kinh đều không cưỡng nổi sức hút bởi khoản tiền mà AVG đưa ra. Các liên đoàn còn lại đã được AVG đặt vấn đề, dù còn những ý kiến khác nhau nhưng chắc hẳn cũng khó nhắm mắt làm ngơ trước sự quyến rũ mang tên AVG, nhất là trong bối cảnh từ trước tới nay, nhiều giải thể thao bán bản quyền không ai mua.
 
Trước câu hỏi: “Sở hữu một mình dễ dẫn đến độc quyền và người hâm mộ liệu có phải chứng kiến một K+ thứ hai trong thời gian tới?”, ông Phạm Nhật Vũ giãi bày: “Thực ra, chúng tôi đang làm một việc tốt để giúp các liên đoàn đỡ mệt mỏi. Nếu như trước đây họ phải làm việc với quá nhiều đơn vị thì nay chỉ làm việc với mỗi AVG. AVG chỉ muốn mình là đầu mối duy nhất phân phối bản quyền cho các đài truyền hình”.
 
Là “lính mới” trong lĩnh vực truyền hình nhưng AVG không giấu giếm tham vọng thâu tóm bản quyền từ các giải thể thao trong nước cho đến quốc tế, để trở thành “đầu mối phân phối duy nhất” cho các đài truyền hình cả nước. Tuy vậy, người đứng đầu AVG khẳng định tập đoàn này sẽ không bao giờ độc quyền theo cách “sở hữu riêng rồi thích cho ai thì cho, không cho thì thôi”.
 

Mạnh tay chi tiền cho thể thao VN

Năm 2009, AVG tài trợ cho đội tuyển bóng đá nam tại SEA Games 25 tổng số tiền 100.000 USD và 1 tỉ đồng, đội tuyển bóng đá nữ 200.000 USD và 500 triệu đồng. Ngoài ra, AVG còn hỗ trợ LĐBĐ VN trả lương HLV Calisto, tài trợ 140 triệu đồng cho Văn Quyến phẫu thuật tại Singapore.

Năm nay, AVG tài trợ cho thể thao VN tham dự ASIAD 16 với tổng số tiền 850 triệu đồng; tài trợ mỗi VĐV tham dự Para Games 2 triệu đồng, thưởng lần lượt 15, 10, 5 triệu đồng cho các huy chương vàng, bạc, đồng...

N.Phạm

Không lâu nữa, thương hiệu AVG sẽ xuất hiện trong làng truyền hình và người xem sẽ có thêm quyền để lựa chọn. Tuy nhiên, AVG sẽ không “làm từ thiện” với chiến lược kinh doanh bán lại bản quyền và đầu thu, dù ông Vũ đã khẳng định: “Mức giá chúng tôi đưa ra sẽ rất mềm và  mọi người đều chấp nhận được”.
 
Phải tiếp sóng toàn bộ quảng cáo của AVG
 
Trước mắt, mục tiêu thâu tóm các giải thể thao quan trọng trong nước của AVG đã đạt được. Trong năm đầu tiên sở hữu bản quyền V-League với mức giá 6 tỉ đồng/năm, AVG cho biết: “Chắc chắn chúng tôi sẽ lỗ nhưng việc cam kết, chia sẻ với các đài truyền hình khác là không thay đổi.
 
Các đài địa phương cũng sẽ được tiếp sóng V-League mà không phải trả bất kỳ khoản phí nào, tất nhiên là phải tiếp sóng toàn bộ các chương trình quảng cáo trước, trong và sau trận đấu của chúng tôi”.
 
Việc sở hữu Giải V-League trong 20 năm được AVG khẳng định hoàn toàn hợp pháp theo điều 53 Luật Thể dục - Thể thao và quy định tại điều 4 về nhiệm vụ quyền hạn của VFF trong Điều lệ VFF. Theo ông Vũ, quá trình đàm phán để có bản quyền V-League đã kéo dài suốt một năm, đồng thời cũng được sự đồng ý của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.
 
Theo tiết lộ từ AVG, tập đoàn này còn chọn được một đối tác quốc tế trong lĩnh vực bản quyền thể thao và cam kết lâu dài là mua bản quyền nhiều giải bóng đá, quần vợt quan trọng phục vụ đông đảo người dân.
 
Liên quan tới vấn đề sản xuất chương trình truyền hình, về nội dung AVG đang hợp tác với Đài Truyền hình Bình Dương, sau đó là Truyền hình Công an Nhân dân, ông Vũ cho biết: “Chúng tôi đã nhờ cả an ninh văn hóa của Bộ Công an để bảo đảm các chương trình của mình không có bất cứ hạt sạn nào”.

Mời ông Trần Đăng Tuấn làm tổng giám đốc

Buổi giới thiệu về AVG và chiến lược kinh doanh của tập đoàn này có một nhân vật khá nổi tiếng hiện diện ở hàng ghế khách mời: Nguyên phó tổng giám đốc Đài Truyền hình VN (VTV) Trần Đăng Tuấn.

 
Người được dư luận đồn đoán là rời khỏi VTV để đến với AVG sắp trở thành “yếu nhân” ở tập đoàn này?
 
Liên quan đến chuyện “nhạy cảm” đó, Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ không hề giấu giếm: “Đúng là chúng tôi đã mời anh Tuấn từ rất lâu rồi. Chúng tôi là một đơn vị còn non trẻ trong lĩnh vực này và những kinh nghiệm của anh Tuấn có thể giúp ích cho chúng tôi rất nhiều.
 
Thời gian qua, dư luận báo chí cũng đã đề cập nhiều về vấn đề này. Nhân đây, tôi cũng xác nhận chuyện AVG mời anh Tuấn về mới mức lương cao là hoàn toàn có thật”.
 
Theo những thông tin mới được tiết lộ từ AVG, nếu ông Trần Đăng Tuấn nhận lời về với AVG thì chuyên gia trong lĩnh vực truyền hình này sẽ là tổng giám đốc.
 
Sau khi thôi chức phó tổng giám đốc VTV, ông Tuấn về công tác tại Trung tâm Sản xuất Phim truyền hình VN (VFC). Có tin cho rằng nếu về AVG, mức lương của ông Tuấn xấp xỉ 20.000 USD/tháng.
 
Theo ông Vũ, hiện ông Tuấn vẫn chưa chính thức nhận lời nhưng bộ máy nhân sự của AVG và vị trí tổng giám đốc đang còn khuyết.
 
Do vậy nhiều người tin rằng việc ông Tuấn về AVG chỉ là vấn đề thời gian. Về đội ngũ nhân viên, AVG cũng đã và đang chiêu mộ từ nguồn nhân lực của VTC, VTV với mức lương hấp dẫn.

P.Ngọc

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo