Giao dịch tiền tệ theo thông lệ quốc tế ngày càng đa dạng là thời cơ cho bọn tội phạm qua mặt ngân hàng (NH), tấn công máy rút tiền tự động chiếm đoạt hàng tỉ đồng.
Thực nghiệm tình huống báo động máy ATM của Ngân hàng Đông Á bị khoan cắt
Chứng thư bảo lãnh, hộ chiếu “ma”
Tháng 10-2010, dư luận dấy lên quan ngại khi nhân viên của một NH 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam sử dụng con dấu của NH này để đóng dấu khống lên phôi giấy trắng có in logo NH, giả mạo chữ ký của lãnh đạo làm chứng thư bảo lãnh giả. Sau đó, hai đối tượng bên ngoài sử dụng chứng thư bảo lãnh giả để viết tên của khách hàng. Theo Cục An ninh tài chính tiền tệ và đầu tư (Bộ Công an), đây là hình thức phạm tội mới, có sự câu kết giữa người ngoài NH với nhân viên NH để lừa đảo chiếm đoạt tiền. Kết quả điều tra cho thấy nhân viên của NH 100% vốn nước ngoài nêu trên và đồng phạm đã bán hai chứng thư bảo lãnh cho doanh nghiệp với tổng giá trị thanh toán lên tới 80 tỉ đồng, thu về 500 triệu đồng tiền hoa hồng.
Theo các NH, nhiều người nước ngoài còn sử dụng hộ chiếu giả mở tài khoản nhận tiền từ nước ngoài chuyển đến. Sau khi các chủ tài khoản rút tiền, NH trong nước mới nhận được thông báo từ NH nước ngoài đề nghị thu lại số tiền đã bị rút với lý do giao dịch giả mạo. Vào tháng 8-2008, một người gốc châu Phi tên là Dadon đã dùng hộ chiếu giả rút hàng tỉ đồng tại NH Quốc tế, NH Ngoài quốc doanh (nay là NH Việt Nam Thịnh vượng) theo lệnh chuyển tiền từ các NH của Mỹ, Pháp, Đức... Trước đó, Công an TP Hà Nội cũng đã bắt giữ Mussasa (quốc tịch Zambia) về tội sử dụng hộ chiếu giả mở tài khoản để rút tiền tại các NH. Mussasa nhập cảnh Việt Nam với 9 hộ chiếu khác nhau và đã mở 4 tài khoản cá nhân tại các NH, rút 35.000 euro và 13.200 USD.
Cướp hơn 2 tỉ đồng từ máy ATM
Táo bạo hơn cả vẫn là những đợt tấn công máy ATM. Ngày 18-12, máy ATM của NH Ngoại thương đặt tại khuôn viên Sở TDTT Hà Nội bị cắt phá. Tại hiện trường, cơ quan chức năng thu giữ 2 bình khò dùng để cắt sắt và một kìm cộng lực.
Trước đó, máy ATM của NH Kỹ thương đặt trước cửa một doanh nghiệp trên đường Lê Trọng Tấn (TPHCM) đã bị kẻ gian khoan cắt, cướp 1,3 tỉ đồng. Ngày 21-10, kẻ gian cũng trang bị một bình gas loại 13 kg, một bình gió đá loại lớn, mỏ cò dùng để hàn xì... phân chia người cảnh giới rồi dùng giấy báo dán kín buồng ATM, đánh lạc hướng người qua đường là nhân viên NH đang bảo trì máy để “xẻ thịt” máy ATM của NH Hàng hải trên đường Cộng Hòa (TPHCM), lấy đi hơn 800 triệu đồng...
Lãnh đạo nhiều NH cho biết khi triển khai hệ thống ATM, tiêu chí hàng đầu là vị trí đặt máy phải bảo đảm an ninh. Thế nhưng, thực tế cho thấy những địa điểm máy ATM được cho là an toàn vẫn bị bọn tội phạm tấn công. Nhiều ý kiến cho rằng các NH cạnh tranh quyết liệt về việc trả lương qua thẻ để tranh thủ huy động nguồn vốn giá rẻ; thông qua máy ATM giới thiệu dịch vụ tài chính, quảng bá thương hiệu... nên đã ồ ạt lắp đặt máy ATM mà bỏ qua việc đầu tư thiết bị, nhân lực bảo vệ máy ATM. Mặt khác, để giảm bớt chi phí đầu tư, phần lớn các NH lắp đặt máy ATM sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc nên chất lượng thép của máy không cao, kích thích bọn tội phạm ra tay.
Theo Hội Thẻ NH Việt Nam, chỉ hai tháng gần đây đã có 9 vụ tấn công máy ATM; trong đó có 2 vụ bị mất tiền với tổng số tiền hơn 2 tỉ đồng, không chỉ thiệt hại cho NH mà còn tạo ra tâm lý lo lắng của người dân khi sử dụng dịch vụ ATM. Thiếu tướng Nguyễn Tiến Lực, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, cho biết Bộ Công an sẽ có văn bản chỉ đạo Cục Điều tra tội phạm kinh tế, công an hình sự, lực lượng tuần tra canh gác... bổ sung máy ATM vào danh sách các điểm trọng yếu cần bảo vệ.
Trang bị hệ thống cảnh báo cho máy ATM
Để phòng chống tội phạm máy ATM, ngày 21-12, Công ty Thẻ thông minh Vina (V.N.B.C) đã thực hiện các giải pháp bảo vệ máy ATM của NH Đông Á (DongABank).
Theo đó, mỗi máy ATM được trang bị hệ thống cảm ứng đa chức năng và hệ thống camera để ghi nhận hình ảnh của nhiều vị trí máy ATM. Khi có tác động va đập mạnh, khoan, cắt bằng máy hàn gió đá hay di chuyển máy ATM, lập tức hệ thống này sẽ phát tín hiệu cảnh báo với tiếng còi hụ, âm thanh báo động đặc trưng cùng đèn báo tại chỗ và hiển thị điểm máy ATM về màn hình trung tâm điều khiển. Hệ thống cảm ứng này hoạt động độc lập, sử dụng nguồn điện dự phòng trong trường hợp nguồn điện của máy ATM bị bọn tội phạm vô hiệu hóa. Dự kiến, từ nay đến đầu năm 2011, V.N.B.C sẽ hoàn tất các giải pháp bảo vệ 1.300 máy ATM của DongABank.
Theo đại diện Vietcombank, Vietcombank sẽ lắp đặt thiết bị kết nối máy ATM với điện thoại nhân viên quản lý, phát tín hiệu khẩn cấp để nhân viên kịp thời can thiệp khi máy ATM bị tấn công. NH Sài Gòn (SCB) cũng lắp đặt hệ thống camera tích hợp có sẵn trong mỗi máy ATM, trang bị thêm camera bên ngoài quan sát mọi hành vi giao dịch và thiết bị có khả năng báo động tại chỗ, đồng thời kích hoạt số điện thoại của công an địa phương khi máy ATM bị tấn công. |
Kỳ tới: Ngăn chặn tội phạm: Bắt đầu từ nội bộ
Bình luận (0)